29/12/2022 - 12:10

Vĩnh Thạnh

Tập trung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Năm 2022, huyện Vĩnh Thạnh đã tập trung nguồn lực, huy động sức mạnh, đoàn kết thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), quốc phòng - an ninh (QP-AN). Đây là tiền đề phát triển trong năm 2023.

Doanh nghiệp sản xuất, chế biến gạo xuất khẩu trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh phục hồi, phát triển sản xuất trong năm 2022.

Doanh nghiệp sản xuất, chế biến gạo xuất khẩu trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh phục hồi, phát triển sản xuất trong năm 2022.

Ông Trần Xuân Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, nhận định: “Năm 2022, Vĩnh Thạnh cơ bản kiểm soát, phòng, chống dịch COVID-19. Trên cơ sở đó, huyện Vĩnh Thạnh đưa ra mục tiêu phục hồi, phát triển KT-XH sau đại dịch COVID-19; đồng thời, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành, các xã, thị trấn thực hiện chỉ tiêu… Qua đó, phát triển KT-XH đạt và vượt chỉ tiêu đề ra”.

Cuối năm, Vĩnh Thạnh đã thực hiện đạt và vượt kế hoạch 12/12 chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2022. KT-XH của huyện tiếp tục phục hồi tích cực. Trong đó, sản xuất nông nghiệp ổn định. Cung ứng hàng hóa thiết yếu cũng đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của doanh nghiệp và nhân dân. Đặc biệt, tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản và thu ngân sách của địa phương đạt kết quả tốt; bên cạnh đó thực hiện tốt việc rà soát cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và nhân dân tháo gỡ vướng mắc gây cản trở hoạt động phục hồi sản xuất, kinh doanh. Năm 2022, Vĩnh Thạnh có tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện được là 1.226 tỉ đồng, đạt 100,92% kế hoạch năm, tăng gần 13% so với năm 2021. Tổng giá trị sản xuất được 10.030 tỉ đồng, đạt 117,58% kế hoạch, tăng 28,29% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản được 3.900 tỉ đồng, đạt 100,52% kế hoạch; khu vực công nghiệp - xây dựng được 3.380 tỉ đồng, đạt 135,20% kế hoạch, tăng 84,70% so với cùng kỳ năm 2021; khu vực thương mại - dịch vụ là 2.750 tỉ đồng, đạt 127,91% kế hoạch, tăng 60,07% so với năm 2021...

Sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao. Tổng diện tích xuống giống lúa năm 2022 được 70.428,3ha, đạt 105,12% kế hoạch, sản lượng thu hoạch 473.249,35 tấn lúa tươi, lợi nhuận đạt 44,26 triệu đồng/ha. Trong năm diện tích rau màu xuống giống 1.256,23ha, diện tích thu hoạch đến nay là 1.192,23 ha. Trong đó, mè đen trồng với diện tích 15,4ha, cho lợi nhuận từ 18-20 triệu đồng/ha; dưa hấu gieo trồng 62,9ha, cho lợi nhuận từ 25-84 triệu đồng/ha; dưa leo gieo trồng 33,5ha, cho lợi nhuận trên 100 triệu đồng/ha; bầu, bí gieo trồng 44,7ha, cho lợi nhuận trên 42 triệu đồng/ha… Đến nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh được 430.093 con. Công tác vệ sinh, tiêu độc môi trường, tiêm phòng gia súc, tiêm phòng cúm gia cầm và các bệnh khác được thực hiện nghiêm túc, dịch bệnh không xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản là 551,555ha, thu hoạch 418,85ha, sản lượng 45.851,18 tấn (so cùng kỳ tăng 12.852,46 tấn), thu lợi nhuận khá cao...

Năm 2023, Vĩnh Thạnh tập trung khai thác và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển KT-XH. Vĩnh Thạnh đưa ra các chỉ tiêu phát triển chủ yếu, như tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 1.680 tỉ đồng; tổng giá trị sản xuất 9.000 tỉ đồng, trong đó khu vực I phải đạt 3.900 tỉ đồng, khu vực II là 2.300 tỉ đồng, khu vực III được 2.800 tỉ đồng; cơ cấu giá trị sản xuất khu vực I chiếm 43,33%, khu vực II chiếm 25,56%, khu vực III chiếm 31,11%; thu nội địa theo chỉ tiêu thành phố giao là 61.900 tỉ đồng; xây dựng xã Vĩnh Bình đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao... Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng các sản phẩm hàng hóa, an toàn và khả năng cạnh tranh cao; củng cố, mở rộng diện tích và tăng hiệu quả trong sản xuất ở các cánh đồng lớn; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học và các tiến bộ khoa học vào sản xuất, nhằm nâng cao giá trị sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm gắn với thị trường tiêu thụ…

Ông Trần Xuân Phương nhấn mạnh: “Năm 2023, Vĩnh Thạnh tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng nâng chất các tiêu chí huyện nông thôn mới theo tiêu chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã theo hướng bền vững nhằm nâng cao giá trị sản xuất và chất lượng sản phẩm, nhất là xây dựng sản phẩm sạch, an toàn, sản phẩm thương hiệu (OCOP); tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực thương mại - dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển...”.

Chia sẻ bài viết