13/07/2012 - 21:51

Tập trung giải quyết khó khăn trong sản xuất, kinh doanh

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP Cần Thơ 6 tháng đầu năm 2012 đạt 8,36%, cùng kỳ năm 2011 đạt 11,13%. Điều này cho thấy, kinh tế thành phố đang tăng chậm lại, doanh nghiệp (DN) khó khăn trong sản xuất, thị trường tiêu thụ sụt giảm… đã tác động đến mục tiêu phát triển trong năm 2012. Với những khó khăn trên, lãnh đạo thành phố, cùng các sở, ngành chức năng đang tập trung tìm các giải pháp mạnh để tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển, đảm bảo nguồn thu ngân sách.

Thu ngân sách khó đạt chỉ tiêu

Thống kê của Cục Thống kê TP Cần Thơ, đến cuối tháng 3-2012, TP Cần Thơ còn tồn tại 4.978 DN trong tổng số 6.500 DN thuộc diện nộp thuế. Còn theo Cục thuế TP Cần Thơ, tính đến cuối tháng 6-2012, thành phố có 633 DN và 500 đơn vị trực thuộc giải thể, ngưng hoạt động, không phát sinh số thuế phải nộp (chỉ riêng quý I/2012 đã có 500 DN không phát sinh số thuế phải nộp). DN hoạt động kém hiệu quả, số lượng giải thể tăng đã tác động đến các nguồn thu nội địa của thành phố. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm thu nội địa chỉ đạt 2.408 tỉ đồng (kể cả nguồn thu xổ số kiến thiết), đạt 35,67% dự toán Bộ Tài chính giao. Thu hải quan 6 tháng khoảng 280 tỉ đồng (đạt 36,84% dự toán)...

 Doanh nghiệp đang chờ dòng vốn tín dụng được khơi thông. Ảnh: T.H

Ông Võ Kim Hoàng, Cục trưởng Cục Thuế TP Cần Thơ, lý giải nguyên nhân nguồn thu nội địa đạt thấp vì một số nguồn thu lớn bị giảm do thay đổi chính sách, gia hạn, giảm thuế đối với DN nhà nước do Trung ương quản lý, DN nhà nước do địa phương quản lý, thu từ khu vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh... Thu ngân sách 6 tháng đầu năm giảm khoảng 15% so cùng kỳ. Năm 2012, dự toán thu ngân sách Trung ương giao cho thành phố là 6.100 tỉ đồng, với kết quả thu trong 6 tháng đầu năm có khả năng trong năm nay thành phố hụt thu khoảng 920 tỉ đồng. Nếu DN tiếp tục gặp khó, sản xuất thu hẹp, không có thị trường tiêu thụ thì nguồn thu ngân sách của thành phố sẽ rất khó khăn.

Còn theo Cục Hải quan Cần Thơ, chỉ tiêu được giao năm 2012 là 840 tỉ đồng (TP Cần Thơ 760 tỉ đồng, Vĩnh Long 80 tỉ đồng). Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, Cục Hải quan Cần Thơ mới thu đạt trên 330 tỉ đồng, các nguồn thu chính của hải quan giảm từ 30% đến trên 50% so cùng kỳ, thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng xăng dầu cũng giảm làm ảnh hưởng đến nguồn thu; luồng Định An bồi lắng, phương tiện vận chuyển ra vào các cảng sông Hậu giảm đáng kể. Ngoài ra, Công ty Cổ phần Dầu khí Mekong đã sáp nhập vào Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam nên thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu xăng dầu cũng giảm trong năm 2012. Nguồn thu từ xăng dầu chiếm đến trên 50% tổng nguồn thu của Hải quan Cần Thơ, nhưng hiện nay giảm còn chỉ 32,94% (riêng 6 tháng đầu năm 2012 hụt thu khoảng 110 tỉ đồng).

Tại buổi làm việc với TP Cần Thơ vừa qua về tình hình phát triển kinh tế- xã hội thành phố trong 6 tháng đầu năm 2012, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng, thu ngân sách của Cần Thơ chỉ đạt gần 34% (không tính thu xổ số kiến thiết) so dự toán được giao là thấp nhất so với các địa phương cả nước. Thành phố cần kiểm tra việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, quản lý, rà soát đầu tư công; đặc biệt là công tác quản lý thu, chống thất thu ngân sách, cần tìm nguyên nhân vì sao đạt thấp và giảm so cùng kỳ. Nếu con số thu ngân sách mà Cục Thuế thành phố báo cáo đúng thì rõ ràng sức khỏe của DN đang có nhiều vấn đề. Bộ trưởng yêu cầu Giám đốc Kho bạc Nhà nước Cần Thơ nếu không kiểm tra được số ước thu và thực thu của ngành thuế thành phố thì phải chịu trách nhiệm trước Bộ. Trong tình hình khó khăn về thu, chi ngân sách như hiện nay, thành phố cần tiết giảm chi tiêu, đảm bảo cân đối thu- chi trong năm.

Doanh nghiệp vẫn khó hấp thụ vốn

Theo vị lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Cần Thơ, tính đến cuối tháng 6-2012, tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế đạt 40.040 tỉ đồng, giảm 1,66% so đầu năm 2012. Dù lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố chấp hành đúng theo quy định của NHNN. Các ngân hàng thương mại trên địa bàn đưa ra nhiều gói tín dụng lãi suất ưu đãi và tập trung giải ngân vốn cho các lĩnh vực ưu tiên. Vấn đề là vì sao DN vẫn chưa mặn mà vay vốn, dù lãi suất đã giảm.

Trong 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp (giá cố định năm 1994) thực hiện khoảng 10.985 tỉ đồng, tăng 7% so cùng kỳ, nhưng chỉ đạt 41,4% kế hoạch năm. Hầu hết các sản phẩm công nghiệp sản xuất có sản lượng tăng so cùng kỳ, nhưng mức tăng thấp như: xay xát gạo tăng 6,5%, thủy sản ướp đông tăng 4,2%, các loại thủy sản đóng hộp tăng 4%... Tuy nhiên, theo ước tính của các DN, nếu tính trên giá thành sản xuất thực tế cộng với chi phí đầu vào hiện tại thì rất ít DN có lời. Một thực tế nữa là kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 0,3% so cùng kỳ và chỉ đạt 40,5% so kế hoạch, nhập khẩu giảm 32,1% so cùng kỳ và mới đạt 25,1% kế hoạch. DN xuất khẩu khó khăn tìm thị trường mới, thị trường truyền thống giảm về số lượng, thanh toán chậm... và DN đi từ bế tắc này đến bế tắc khác.

Theo phản ánh của một DN thủy sản trên địa bàn thành phố, thị trường nhập khẩu đang thấp điểm, lãi suất cho vay của ngân hàng giảm, nhưng DN không dám vay vì kinh doanh đang khó, nếu vay sẽ khó có nguồn trả lãi trong thời điểm này. Để vượt qua cơn khó, hiện DN phải cắt giảm, cho công nhân nghỉ luân phiên, tiết giảm tối đa các chi phí không cần thiết... chờ tín hiệu tích cực từ thị trường nhập khẩu. Theo DN này, nếu lãi suất các khoản vay cũ được kéo giảm về mức dưới 15%/năm từ 15-7 theo lời của Thống đốc NHNN thì DN dễ thở hơn, nhưng DN hấp thụ được vốn có giải quyết được khó khăn hay không thì còn tùy thuộc vào cầu thị trường.

Trong buổi làm việc với lãnh đạo TP Cần Thơ, ngoài việc yêu cầu rà soát các nguồn thu ngân sách, chống thất thu ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ còn đề nghị TP Cần Thơ sớm có phương án sắp xếp lại DN nhà nước trình Chính phủ để có giải pháp tháo gỡ về vốn cho DN; kiểm tra việc gia hạn, giảm thuế cho DN. Với những khó khăn mà thành phố đang gặp phải, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Sơn yêu cầu các sở, ngành chức năng thành phố tập trung giải quyết khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của DN theo Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 13/NQ-CP (ngày 10-5-2012), hỗ trợ thị trường, kiểm soát thị trường; nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn, gỡ khó về tiêu thụ lúa hè thu cho nông dân; tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN thủy sản; thực hiện kịp thời chính sách ưu đãi về thuế cho DN. Song song đó, phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước, phân loại từng nguồn thu để tập trung quản lý, phấn đấu khai thác các nguồn thu, đảm bảo cân đối thu- chi ngân sách cho thành phố. Tăng cường rà soát, cắt giảm các công trình sử dụng ngân sách nhà nước, Trái phiếu Chính phủ. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế của thành phố trong năm 2012.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết