11/10/2017 - 14:35

Tập thể dục - cách tối ưu để chống bệnh tật 

Khi hai nghiên cứu mới nhất chứng thực tập thể dục 1 giờ/tuần mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe tâm thần và thể chất, các chuyên gia nhận định dường như không có bệnh nào mà tập thể dục không thể chữa khỏi. Đó là lý do chúng ta nên ngồi ít lại và vận động nhiều hơn.

Ảnh: Guardian

Nghiên cứu của Viện Black Dog (Úc) tiến hành trên 30.000 người Na Uy công bố hôm 3-10 cho thấy tập thể dục dù chỉ 1 hoặc 2 giờ mỗi tuần cũng có thể phòng ngừa trầm cảm. Trước đó một ngày, Wildlife Trust – một tổ chức chuyên nghiên cứu mối quan hệ giữa sức khỏe con người và động vật với môi trường tự nhiên – cho biết 2/3 tình nghiện viên của họ có tinh thần phấn chấn hơn sau 6 tuần làm việc ngoài trời, như đào rãnh nước hay đóng nhà gỗ cho chim chóc.

Nếu tập thể dục là một viên thuốc, nó sẽ là khám phá quan trọng nhất trong lịch sử y học. Theo chuyên gia Nick Cavill thuộc Khoa Sức khỏe Công cộng Đại học Oxford (Anh), tạo hóa sinh ra chúng ta không phải để ngồi trước màn hình máy tính, tivi hoặc sau vô lăng, mà là để vận động liên tục. “Chúng ta là những người săn bắt và hái lượm, được “thiết kế” để hoạt động cả ngày dài. Có lẽ ai cũng biết điều cơ bản này, nhưng chúng ta thường phớt lờ vì bị cuốn vào lối sống hiện đại” – ông lý giải thêm.

Khảo sát của Cơ quan Y tế Công cộng Anh Quốc (PHE) cho thấy ì vận động là 1 trong 10 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đau ốm và tàn tật ở Anh. Trong khi đó, “nhấc mông” lên và vận động (đôi khi cần vận động mạnh một chút) sẽ đẩy lùi bệnh tim, đột quỵ, ung thư và tiểu đường.

Vận động còn có thể duy trì huyết áp ổn định và giúp ngủ ngon. Bạn có thể không giảm cân, nhưng tập thể dục sẽ duy trì cân nặng hợp lý, xua tan âu lo và nâng cao sự tự tin. Những người lớn tuổi siêng vận động còn giảm được nguy cơ gãy xương hông hoặc té ngã.

Theo khuyến cáo của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), người trưởng thành nên tập thể dục từ 2 ngày trở lên trong tuần bằng các bài tập vận dụng tất cả các cơ quan trọng ở chân, hông, lưng, bụng, ngực, vai và tay. Điều này đặc biệt quan trọng ở phụ nữ lớn tuổi bởi nó giúp phòng tránh yếu cơ ở cánh tay và bệnh loãng xương.

Chuyên gia Cavill cho biết tập thể dục sẽ tốt cho sức khỏe nếu mức độ vận động phù hợp thể trạng. 30 phút mỗi ngày là chế độ hợp lý, nếu có thể thì nên vận động mạnh bởi mỗi phút vận động mạnh tương đương 2 phút vận động vừa phải.

Giáo sư Sally Davies – Giám đốc Văn phòng Y khoa Anh – cũng tán thành vận động thể chất 150 phút/tuần, tương đương 30 phút/ngày và 5 ngày trong tuần. Theo bà, đi bộ hoặc đạp xe cũng đủ làm tăng nhịp tim, nhịp thở và làm nóng cơ thể. Còn vận động mạnh nghĩa là những bài tập khiến bạn thở dốc, thở hổn hển (như chạy bộ hay thể dục nhịp điệu).

Khuyến nghị mức độ vận động cho từng độ tuổi

* Trẻ dưới 5 tuổi: Trẻ nhỏ cần hoạt động cả ngày và đều đặn mỗi ngày để phát triển thể chất và các kỹ năng vận động cơ bản.

* Từ 5-18 tuổi: Độ tuổi này cần rèn luyện thường xuyên để giúp hệ xương phát triển tối đa, trước khi nó chạm ngưỡng ở độ tuổi từ 18 đến 20. Mức độ vận động từ vừa đến mạnh ít nhất 1 giờ/ngày, 3 ngày trong tuần bằng các hình thức như nhảy dây, nhảy cao, chạy và các bài thể dục dụng cụ.

* Người trưởng thành 19-64 tuổi: Trọng tâm tập luyện ở nhóm tuổi này là các bài vận động giúp tăng nhịp tim và hơi thở nhằm giảm nguy cơ bệnh tật và chết sớm, đồng thời rèn luyện sức mạnh bằng các hoạt động thường ngày như mang, xách hàng hóa. Thời lượng tập thể dục tối thiểu cho nhóm tuổi này là 150 phút vận vừa phải/tuần (đi bộ nhanh, bơi lội, đánh tennis) hoặc 75 phút vận động mạnh như chạy bộ, đạp xe lên dốc hoặc phối hợp cả hai hình thức vận động nói trên.

* Người trên 65 tuổi: Chú trọng các hoạt động cải thiện sự thăng bằng và linh hoạt bởi nó giúp người lớn tuổi phòng tránh nguy cơ té ngã và duy trì chất lượng cuộc sống. Nhóm đối tượng này được khuyến khích tập thể dục vừa phải ít nhất 150 phút/tuần, không giới hạn hình thức tập luyện.

HẠNH NGUYÊN (Theo Guardian)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
tập thể dục