01/05/2016 - 16:27

Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp

Mới đây, tại Hội trường Thống nhất TP Hồ Chí Minh, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị Thủ tướng với các doanh nghiệp năm 2016 với chủ đề "Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước". Tham dự có khoảng 30 hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước, 300 doanh nghiệp trong nước và 50 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài… Hội nghị cũng diễn ra trực tuyến với 63 tỉnh, thành trên cả nước, xác định doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế, Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng, đi đầu trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước…

* Nhiều kiến nghị của doanh nghiệp...

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Trong khoảng 15 năm trở lại đây, kể từ khi có Luật Doanh nghiệp nước ta đã có 941.000 doanh nghiệp được đăng ký thành lập. Tính ngày 31-12-2015, cả nước có 513.000 doanh nghiệp còn hoạt động (chiếm 54,5%), 428.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể vì nhiều lý do khác nhau. Các doanh nghiệp ngừng hoạt động hay giải thể là lẽ tự nhiên trong nền kinh tế thị trường, nhưng điều đáng nói khoảng một nửa số doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể diễn ra trong khoảng 3 năm trở lại đây và vẫn đang có xu hướng gia tăng. Riêng trong năm 2015 có 80.000 doanh nghiệp đã phải rời khỏi thị trường và quý 1-2016 tiếp tục có gần 23.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể (tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước). Hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp cũng cho thấy bức tranh không mấy lạc quan; trong số các doanh nghiệp đang hoạt động ở thời điểm cuối năm 2015 thì 42% doanh nghiệp hoạt động có lãi, 58% hoạt động thua lỗ hoặc hòa vốn, cho thấy hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp còn thấp và môi trường đầu tư kinh doanh còn khó khăn. Sau những năm sóng gió suy giảm cả sức sản xuất và niềm tin, bắt đầu tư cuối năm 2014 và 2015 môi trường kinh doanh đã có phần khởi sắc, doanh nghiệp Việt Nam đang bắt đầu có những hồi phục, tuy nhiên đà hồi phục còn đang rất yếu, xu hướng trì trệ và thiếu đột phá trong sản xuất kinh doanh vẫn tiếp tục, năng suất và hiệu quả kinh doanh cải thiện không đáng kể. Ngay trước thềm hội nghị này, VCCI đã có văn bản gần 200 trang báo cáo thực trạng, các giải pháp và kiến nghị với Thủ tướng và các bộ ngành có liên quan, gồm 9 nhóm vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, kiến nghị…

Nhà nước đang nỗ lực tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp. Trong ảnh: Hoạt động chế biến thủy sản xuất khẩu tại TP Cần Thơ.  

Theo ông Vũ Tiến Lộc, giai đoạn 5 năm tới nước ta bước vào hội nhập sâu rộng nhất và ngày càng có nhiều thách thức, doanh nghiệp chính là lực lượng quyết định thành bại của nền kinh tế đất nước trong hội nhập và nâng cao nội lực của doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm. Trên cơ sở nhận diện đúng tình hình doanh nghiệp, 5 năm tới nên được xác định là 5 năm quốc gia khởi nghiệp, cả nước tập trung toàn lực phát triển doanh nghiệp.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, mặc dù đóng vai trò động lực tăng trưởng của nền kinh tế, nhưng các năm gần đây doanh nghiệp nhỏ và vừa khó khăn và có phần "đuối sức" trong xu thế cạnh tranh gay gắt trên thị trường quốc tế. Trước tình hình này, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, trong đó đặc biệt quan tâm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Những năm qua, đã có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đã đạt được một số kết quả tích cực. Doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp 43,2% GDP, 31% xuất khẩu, 29% các khoản thu ngân sách Nhà nước, tạo việc làm cho 5,12 triệu lao động (chiếm 45% tổng số việc làm trong khối doanh nghiệp)… Hướng tới, hiệp hội kiến nghị với Chính phủ ưu tiên tập trung xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để giải quyết nguyên nhân tồn tại và hạn chế trong thực hiện trợ giúp, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; thành lập ban chỉ đạo chương trình khởi nghiệp quốc gia; tạo cơ chế chính sách khuyến khích các hiệp hội, các nhà đầu tư tổ chức xây dựng các kho ngoại quan ở các thị trường xuất khẩu trọng điểm cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiêu thụ sản phẩm vào thị trường quốc tế. Ngoài ra, tạo hậu thuẫn bằng cơ chế, chính sách như: giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; khuyến khích các ngân hàng thương mại và quỹ tín dụng có chương trình ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi sản xuất liên kết ngành, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao thông qua ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ. Tạo cơ chế chính sách khuyến khích các hiệp hội, các nhà đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp đầy đủ hạ tầng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê với ưu đãi hoặc miễn tiền thuê đất trong những năm đầu tiên. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó đặc biệt quan tâm đến các lĩnh vực liên quan đến cung cấp dịch vụ công, đôn đốc các cơ quan quản lý nhà nước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết các thủ tục hành chính theo hình thức trực tuyến, góp phần tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

* Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, năm 2015 một loạt các văn bản luật đã được sửa đổi ban hành, với nhiều đổi mới mạnh mẽ, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch và bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động và phát triển, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân ngày càng được phát huy, đóng góp 38,5% tổng đầu tư toàn xã hội và 48,3% GDP vào cuối năm 2015. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận tăng trưởng kinh tế giai đoạn vừa qua chủ yếu vẫn dựa vào trên các yếu tố phát triển theo chiều rộng, năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và toàn nền kinh tế thấp hơn nhiều so với cả mặt bằng chung trong khu vực… Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng: Bộ cam kết coi phát triển doanh nghiệp là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong những năm tới đây, trước hết là triển khai tích cực các hoạt động cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển. Bộ sẽ tiếp tục rà soát, kiến nghị Chính phủ các giải pháp để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các qui luật của kinh tế thị trường, loại bỏ các nút thắt về thể chế đang làm sai lệch và méo mó thị trường, tạo sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp; dù là doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp FDI, hay doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước đều được tiếp cận công bằng, minh bạch đến các nguồn lực về đất đai, tài nguyên và vốn của quốc gia. Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt trong triển khai thực thi những tư tưởng đổi mới rất mạnh mẽ đã được thể hiện trong Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước trong thời gian qua đã tập trung tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt. Tuy nhiên, ở giai đoạn phát triển mới, phải thừa nhận rằng môi trường đầu tư của Việt Nam hiện tại vẫn chưa thật sự thuận lợi cho doanh nghiệp. Ngoài ra, hiện nay tình trạng liên kết chưa cao, phí chồng phí, một bộ phận cán bộ đảng viên tiêu cực gây cản trở phiền hà cho doanh nghiệp ở nhiều cấp, nhiều ngành… Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu lãnh đạo các tỉnh, thành phố định kỳ hàng quý phải tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc với nhà đầu tư, doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, cho doanh nghiệp; mỗi địa phương thành lập và công khai đường dây nóng, điện thoại, web trực tuyến để trực tiếp nhận ý kiến phản ánh từ doanh nghiệp, hướng dẫn giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Qua diễn đàn này, Thủ tướng cũng muốn nhắn gửi đến tất cả những doanh nhân khởi nghiệp, những doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là thế hệ trẻ, cũng như tất cả các doanh nghiệp có mặt tại hội nghị, vai trò của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế xã hội. Thủ tướng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, đạo đức kinh doanh, tôn trọng pháp luật, xây dựng văn hóa doanh nghiệp và tinh thần liêm chính trong kinh doanh… Thủ tướng cũng khẳng định Chính phủ là cơ quan tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp, làm đúng vai trò quản lý Nhà nước, đặc biệt là bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tạo môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển…

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết