29/06/2013 - 20:38

Tạo mảng xanh đặc thù cho đô thị Cần Thơ

Chăm sóc, cắt tỉa cây xanh trên đường 3 Tháng 2,
quận Ninh Kiều.

TP Cần Thơ xác định cây xanh đóng vai trò quan trọng trong tổ chức không gian sống, là yếu tố cải thiện môi trường, làm phong phú đời sống văn hóa, tăng vẻ mỹ quan đô thị góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Từ thực tế đó, TP Cần Thơ đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Quy hoạch môi trường đô thị - nông thôn - Bộ Xây dựng triển khai Dự án Quy hoạch tổng thể hệ thống cây xanh TP Cần Thơ đến năm 2030.

* Bám sát quy hoạch chung 

Theo đơn vị tư vấn, quá trình khảo sát hiện trạng cây xanh trên địa bàn thành phố cho thấy, cây xanh công cộng, cây xanh chuyên dùng và cây xanh sử dụng hạn chế hiện phân bố không đồng đều. Quận Ninh Kiều có hệ thống cây xanh tồn tại lâu đời, được đầu tư cải tạo thường xuyên nhưng chỉ mới đạt bình quân 6-7m2/người. Nhiều tuyến đường ở trung tâm thành phố vẫn chưa có sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố điểm (cây xanh ở vườn hoa nhỏ, quảng trường, khu nhà ở), tuyến (trục đường phố, dải cây ven sông, kênh rạch, cây xanh cách ly), diện (khu công viên lớn, công viên chuyên đề, vườn cây ăn trái). Một số quận, huyện cây xanh đường phố chưa được chú trọng phát triển, phần lớn tập trung tại các khu hành chính. Ở khu vực ngoại thành không gian xanh chủ yếu là ruộng canh tác, sông, hồ, kênh rạch khả năng khai thác rất hạn chế...

Xuất phát từ thực trạng trên, Dự án Quy hoạch tổng thể hệ thống cây xanh TP Cần Thơ bám sát mục tiêu duy trì và phát triển mảng xanh thiên nhiên gồm hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, cây xanh cách ly phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của TP Cần Thơ. Đồng thời hình thành hệ thống cây xanh đặc trưng, góp phần tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp cho các công trình kiến trúc công cộng, đường giao thông,... trên địa bàn thành phố. Bà Đỗ Thị Minh Hương (Chủ nhiệm dự án), Trung tâm Nghiên cứu và Quy hoạch môi trường đô thị-nông thôn, cho biết: “Quy hoạch phát triển hệ thống cây xanh TP Cần Thơ là một bộ phận hữu cơ trong nhiệm vụ thực hiện quy hoạch chung toàn thành phố. Trong đó, việc tổ chức hệ thống cây xanh là sự phối hợp hài hòa giữa điểm, tuyến và diện. Song song đó, các hành lang thông gió được bố trí trên các tuyến đường để đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường và đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý, chăm sóc cây xanh”.

Theo đề xuất của đơn vị tư vấn, giai đoạn từ năm 2015-2020, TP Cần Thơ sẽ tập trung hình thành hệ thống cây xanh cách ly, công viên trung tâm cây xanh mặt nước, không gian mở quảng trường… Sang giai đoạn 2020-2030, tiếp tục phát triển mảng xanh tại khu nhà ở, biệt thự, nhà vườn cao cấp gắn với hệ thống công viên cây xanh, không gian mở trung tâm. Đồng thời hình thành dải công viên, vườn hoa, tuyến đi bộ phía Nam kết hợp cảnh quan nông nghiệp công nghệ cao, vườn sinh thái phía Bắc. Ngoài ra, quy hoạch cũng đề ra cấu trúc mảng xanh đô thị được tổ chức theo 3 hướng: Chuỗi đô thị phân tán có tổ chức, điều chỉnh trục xương sống đô thị và điều chỉnh hình thái không gian cảnh quan. Ngoài ra, Quy hoạch tổng thể Hệ thống cây xanh TP Cần Thơ còn có sự liên kết với các dự án liên quan đang triển khai trên địa bàn thành phố như: Dự án Biến đổi khí hậu và quy hoạch đô thị TP Cần Thơ; Dự án xây dựng khu đô thị Tây Đô; Dự án Cây xanh trục đường từ sân bay Cần Thơ về trung tâm thành phố; Dự án Khu công viên đô thị bố trí ven sông Hậu, sông Cần Thơ và tại các khu đô thị…

* Tạo nét đặc trưng

Theo đánh giá của các sở ngành hữu quan và một số quận, huyện, Quy hoạch tổng thể hệ thống cây xanh TP Cần Thơ đến năm 2030 cơ bản bám sát và cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng của TP Cần Thơ. Tuy nhiên, ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho rằng: TP Cần Thơ có nhiều ao, hồ, mạng lưới sông ngòi chằng chịt; hệ thống giao đường giao thông nông thôn, vườn cây ăn trái, các khu đô thị mới... Vì vậy, quy hoạch cần bám sát những nguyên tắc mang tính nguyên lý như: không gian, sinh hoạt và sinh cảnh, mỹ quan, địa hình và địa chất. Ngoài ra, TP Cần Thơ nằm trong vùng nhạy cảm đối với biến đổi khí hậu, vì vậy đơn vị tư vấn cần quy hoạch trồng các loại cây giữ đất, chống sạt lở tại các bờ kè, các cồn dọc sông Hậu…

Thời gian qua, trên địa bàn thành phố diễn ra tình trạng trồng một số loại cây không phù hợp; thiết kế, thi công hạ tầng không thực hiện đồng bộ với việc trồng cây xanh. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc trồng cây xong lại phải chặt, tiêu tốn rất nhiều kinh phí. Ông Võ Văn Chính, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, cho biết: “Hoa sứ trên các tuyến đường Ngô Quyền, Trương Định, Lý Tự Trọng ra hoa rất đẹp nhưng sâu bệnh thường xuyên tấn công. Trong khi đó ngành chức năng không thể xử lý bằng thuốc trừ sâu vì ảnh hưởng đến sinh hoạt và hoạt động kinh doanh người dân. Điều này đặt ra vấn đề quy hoạch cây xanh như thế nào cho phù hợp, vừa tạo được vẻ mỹ quan vừa thuận tiện trong khâu chăm sóc, bảo dưỡng cây”. Ngoài ra, theo ông Chính, cần lựa chọn cây trồng sao cho phát huy được thế mạnh, điều kiện đặc trưng từng vùng. Chẳng hạn các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch nên trồng cây ăn trái; ở các cồn bên cạnh cây ăn trái nên trồng thêm các loại cây bần, dừa nước...

Theo các chuyên gia, hệ thống cây xanh đô thị cần có sự đa dạng về chủng loại, song phải chọn một giống cây đặc thù để tạo điểm nhấn cho thành phố.  Ông Trần Văn An, Giám đốc Công ty Quy hoạch Thiết kế An Gia, đề xuất: “Bằng lăng, đủng đỉnh, cau vườn… là các loại cây phù hợp với đô thị Cần Thơ. Đây là các giống cây truyền thống, rẻ tiền, sức sống mãnh liệt thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và gần gũi với người dân ĐBSCL. Ngoài ra, trong phạm vi nội đô, mạng lưới cây xanh phải thiết kế, bố trí hài hòa và được khống chế độ cao phù hợp để đảm bảo an toàn và mỹ quan”. Một số ý kiến cho rằng, để đạt mục tiêu 12-15m2/người vào năm 2030, quy hoạch phát triển cây xanh của thành phố cần có “tầm nhìn xa” vì dân số thành phố sẽ gia tăng, các khu dân cư mới mọc lên càng nhiều…

Tại buổi làm việc với Trung tâm Nghiên cứu và Quy hoạch môi trường đô thị-nông thôn, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh, nhấn mạnh: Tốc độ đô thị hóa trên địa bàn thành phố diễn ra nhanh chóng, vì vậy, Quy hoạch tổng thể Hệ thống cây xanh TP Cần Thơ phải mang tính đón đầu. Ngoài ra, để quy hoạch sát hợp với thực tiễn, đơn vị tư vấn tiếp tục khảo sát hiện trạng hệ thống cây xanh tại các quận, huyện để chọn các giống cây phù hợp cho từng khu vực. Đồng thời lưu ý, cần ưu tiên chọn lựa các loại cây dễ trồng, tỷ lệ sống cao, nhẹ công chăm sóc nhưng vẫn tạo được đặc trưng riêng cho đô thị Cần Thơ. Đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến đóng góp, nhanh chóng hoàn thiện Dự án thông qua UBND thành phố xem xét để sớm trình Bộ Xây dựng phê duyệt.

Bài, ảnh: MỸ THANH

 

Chia sẻ bài viết