31/10/2021 - 09:21

Tạo lập không gian mạng cho điện ảnh Việt Nam 

Phát hành và quảng bá phim Việt Nam qua Internet không phải là cách làm mới nhưng đang phát huy hiệu quả rõ rệt trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay. Ðó cũng là xu hướng phát triển của ngành công nghiệp giải trí thế giới. Ðiện ảnh nước ta đã và đang có những cách làm thích nghi cụ thể.

Kênh YouTube giới thiệu phim trực tuyến của Viện Phim Việt Nam. Ảnh chụp màn hình

Sau rất nhiều đợt phim, liên hoan phim được tổ chức bằng hình thức trực tuyến thì Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII - 2021 cũng lần đầu tiếp cận công chúng thông qua Internet. Một kỳ liên hoan phim chưa có tiền lệ nhưng được kỳ vọng mở ra cánh cửa mới cho điện ảnh Việt Nam. Phim tham dự liên hoan sẽ được phát trên sóng Ðài Truyền hình Việt Nam và trên nền tảng kỹ thuật số VTVGo (đối với phim có thỏa thuận về bản quyền được chiếu, phát sóng) từ ngày 1-11 đến 26-11. Ông Tạ Quang Ðông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhấn mạnh trong buổi họp báo về liên hoan phim: Ngoài mục đích tôn vinh những người làm nghệ thuật điện ảnh nước nhà, Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII sẽ là cầu nối để các tác phẩm điện ảnh đến với công chúng theo hình thức phổ biến trên nền tảng số, thể hiện sự thích nghi của điện ảnh trong bối cảnh đặc biệt mà cả thế giới đang phải đối mặt: đại dịch COVID-19.

Ngày 18-10 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng ban hành quyết định về việc xây dựng Ðề án “Trung tâm phát hành phim trực tuyến”. Việc xây dựng đề án sẽ tạo “cú hích” cho thị trường phim Việt tiếp cận gần hơn với thế giới trong bối cảnh công nghệ 4.0 hiện nay.

Trước đó, từ giữa tháng 7-2021, Viện Phim Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ra mắt kênh YouTube “Viện Phim Việt Nam” với mục đích quảng bá những bộ phim có giá trị của nền điện ảnh Việt Nam. Khán giả chỉ cần truy cập YouTube là có thể thưởng thức trọn vẹn những thước phim Việt Nam kinh điển như “Nhìn ra biển cả”, “Mùa ổi”, “Ðừng đốt”, “Chung cư”, “Cuộc đời của Yến”... Việc triển khai lập kênh YouTube được Viện phim tiến hành căn cứ trên cơ sở những quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ sở lưu trữ phim tại Luật Ðiện ảnh hiện hành; Ðề án khai thác, sử dụng phim tư liệu thuộc sở hữu Nhà nước đang lưu trữ tại Viện phim Việt Nam được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt.

Hiệu quả, sự tiện lợi của việc phát hành phim trực tuyến là điều dễ thấy. Tuy nhiên, điều làm nhiều người phân vân là việc lợi dụng kẽ hở trong việc kiểm soát, quản lý... để phát hành những bộ phim, sản phẩm điện ảnh không lành mạnh, trái thuần phong mỹ tục. Vấn đề này cũng được các đại biểu Quốc hội bàn bạc, thảo luận về Dự án Luật Ðiện ảnh (sửa đổi) trong chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, đang diễn ra. Các đại biểu đánh giá, việc phổ biến phim trên không gian mạng đang có khoảng trống pháp lý. Vì vậy, dự thảo luật quy định việc phổ biến phim trên không gian mạng là rất cần thiết.

Cụ thể, Ðiểm b Khoản 1 Ðiều 22, dự thảo Luật Ðiện ảnh (sửa đổi) quy định: tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim theo quy định tại Ðiều 33 Luật Ðiện ảnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại phim. Nhà phát hành, phổ biến phim thực hiện theo các quy định về nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh (Ðiều 10) và phân loại phim (Ðiều 33) để tự phân loại và hiển thị kết quả phân loại, cảnh báo cần thiết về nội dung phim cho người xem. Trình bày tờ trình dự thảo Luật Ðiện ảnh (sửa đổi), ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho rằng: Ðây là cách tiếp cận mới và linh hoạt trong bối cảnh phát triển không ngừng của dịch vụ phát hành, phổ biến phim trực tuyến, giúp giảm thiểu gánh nặng về chi phí và nhân sự cho các nhà quản lý điện ảnh.

Dù còn nhiều ý kiến khác nhau trong việc tạo hành lang pháp lý cho phổ biến phim trực tuyến nhưng sự cần thiết là điều ai cũng đồng tình. Những cách làm mang tính tập dượt vừa qua cũng cho thấy hiệu quả rõ nét, giúp điện ảnh Việt hội nhập quốc tế, tăng cường thương mại điện tử xuyên biên giới.

DUY LỮ

Chia sẻ bài viết