(TTXVN) - Kết luận cuộc làm việc với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả những tháng đầu năm 2025 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới vào sáng 14-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thành lập Tổ công tác đặc biệt, mở đợt cao điểm tấn công truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm bản quyền, sở hưu trí tuệ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đánh giá, thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa vi phạm về nhãn hàng hóa, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng hóa không hóa đơn, chứng từ… tiếp tục diễn ra trên hầu hết các tỉnh, thành phố.
Các đơn vị, địa phương bắt giữ, xử lý hơn 34.000 vụ việc vi phạm. Trong đó, hơn 8.200 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; hơn 25.100 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; hơn 1.100 vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 4.897 tỉ đồng; khởi tố hình sự gần 1.400 vụ, hơn 2.100 đối tượng.
Tuy nhiên, tình trạng hàng nhập lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp; tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ vẫn hoạt động công khai; tình trạng mua bán trái phép hóa đơn, gian lận thuế và lợi dụng điều kiện thuận lợi, thông thoáng trong chính sách nhập khẩu để buôn lậu, gian lận thương mại chưa được phát hiện, xử lý kịp thời.
Các đại biểu cho rằng, nguyên nhân của tồn tại, hạn chế nêu trên là do hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật chưa đầy đủ, nhất là trong thương mại điện tử; trách nhiệm, nhận thức của một số người đứng đầu chưa rõ ràng, còn có biểu hiện né tránh, đùn đẩy; việc trao đổi, chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan chưa tốt; công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng còn chưa nhịp nhàng, nhất là trong bối cảnh có sự thay đổi, sắp xếp bộ máy của một số lực lượng.
Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là đáng khích lệ, đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa… vẫn diễn biến phức tạp, trên phạm vi rộng, nhiều lĩnh vực, số đối lượng lớn, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm lý người dân và uy tín của đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, nguyên nhân của yếu kém là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt, sâu sát, chưa bám vào các nội dung, nhất là nội dung mới, địa bàn mới, đối tượng mới xuất hiện; các cơ quan, địa phương có liên quan còn buông lỏng quản lý; thể chế còn thiếu, lạc hậu, chưa sát tình hình, nhất là những vấn về mới, nhạy cảm nổi lên; quản lý Nhà nước của một số bộ, ngành chưa chặt chẽ; công tác tổ chức, quy định chức năng nhiệm vụ còn chồng chéo, bỏ sót, có khoảng trống; công tác tham mưu chưa kịp thời, hiệu quả.
Cùng với đó, công tác kiểm tra, đôn đốc, xử lý còn hạn chế; chưa tạo được phong trào, huy động toàn dân trong việc phòng, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa; công tác tuyên truyền chưa đáp ứng yêu cầu; người dân chưa hiểu hết các hành vi tinh vi của các đối tượng; giải pháp quản lý quảng cáo, kinh doanh điện tử chưa hiệu quả; việc áp dụng, sử dụng cơ sở dữ liệu chưa được đẩy mạnh; một số tổ chức, cá nhân đồng lõa và tiếp tay cho vi phạm…
Cho rằng tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả còn diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng không rõ xuất xứ; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp; góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, phục vụ phát triển nhanh, bền vững của đất nước, bảo vệ trật tự xã hội, an ninh, an toàn, an dân.
Theo Thủ tướng, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, không có xuất xứ, không rõ nguồn gốc, vi phạm sở hữu trí tuệ là công việc quan trọng của cả hệ thống chính trị, cần sự huy động sự vào cuộc của toàn dân; do đó phải làm thường xuyên, liên tục, không ngừng nghỉ; đặt sức khỏe, quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân, người tiêu dùng lên trên hết, trước hết; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, uy tín đất nước, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thành lập ngay Tổ công tác đặc biệt, do Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 làm Tổ trưởng, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương mở đợt cao điểm tấn công, đấu tranh, truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm bản quyền, sở hưu trí tuệ trên phạm vi cả nước trong vòng 1 tháng, từ ngày 15-5 đến ngày 15-6-2025.
PHẠM TIẾP