22/01/2019 - 18:16

Tạo đột phá, tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế 

Năm 2018, với phương châm “Tiên phong đổi mới, nắm bắt cơ hội” Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tiếp tục giữ vai trò là Bộ tiên phong trong đổi mới tư duy và hành động. Các đề án, báo cáo, kiến nghị của Bộ đều nhất quán theo quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước, chủ đề hành động của Chính phủ, lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng ưu tiên phục vụ, tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư, khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo... Bộ KH&ĐT xác định năm 2019 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, chuẩn bị hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và bước sang một thập niên mới. Lẽ đó, nền kinh tế phải tiếp tục có sự bứt phá mạnh mẽ hơn nữa để hoàn thành vượt mức các mục tiêu đã đề ra.

Chuyển biến rõ nét

Theo Bộ KH&ĐT, năm 2018 là năm đầu tiên sau nhiều năm, các chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội giao đều đạt và vượt mục tiêu, với kết quả toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì được ổn định với kết quả nổi bật là tăng trưởng GDP đạt mức kỷ lục, đạt 7,08% (kế hoạch giao là 6,7%), cao nhất trong 10 năm qua và cũng cao hơn mức dự báo của các tổ chức trong và ngoài nước. Chỉ số lạm phát (CPI) được kiểm soát ở mức 3,54%, mô hình tăng trưởng hình thành rõ nét, quy mô nền kinh tế tăng mạnh, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, tăng trưởng bền vững hơn, có sự chuyển biến rõ rệt, thực chất hơn trong thực hiện 3 đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, khắc phục một số tồn tại, yếu kém vốn có của nền kinh tế. Trong những thành tựu chung đó, có sự đóng góp tích cực của Bộ KH&ĐT nói riêng và ngành KH&ĐT nói chung với vai trò là cơ quan tham mưu, tổng hợp về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch đầu tư công của quốc gia, cơ chế, chính sách quản lý kinh tế, đầu tư, đấu thầu; phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã, thống kê.

Bà Beatrice Maser Mallor, Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam (bìa phải) trao đổi với Giám đốc Sở KH&ĐT TP Cần Thơ về kết quả của thành phố khi triển khai Chương trình cải cách đăng ký kinh doanh ở Việt Nam. Ảnh: MINH HUYỀN

Bà Beatrice Maser Mallor, Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam (bìa phải) trao đổi với Giám đốc Sở KH&ĐT TP Cần Thơ về kết quả của thành phố khi triển khai Chương trình cải cách đăng ký kinh doanh ở Việt Nam. Ảnh: MINH HUYỀN

Năm 2018, nền kinh tế nước ta đã có những bước phát triển tích cực, từng bước củng cố được năng lực nội tại và khả năng chống chịu của nền kinh tế nước ta trước sự thay đổi của nền kinh tế thế giới. Việc đạt tốc độ tăng trưởng GDP 7,08% và ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tài chính, thương mại thế giới có nhiều biến động, nhiều nền kinh tế tăng trưởng chậm lại là một minh chứng rõ nét. Kết quả đạt được năm 2018 không chỉ toàn diện trên các lĩnh vực mà còn toàn diện ở các địa phương. Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, năm 2018, quyết tâm cải cách, đổi mới được đẩy mạnh và lan tỏa trong toàn ngành. Bộ đã tham mưu những tư tưởng, chính sách tiến bộ với những cơ chế vượt trội trong Dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, tham mưu xây dựng Luật Quy hoạch, Luật Đối tác công tư PPP, Luật sửa đổi bổ sung Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp cũng như các Nghị định có liên quan. Tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh, thủ tục hành chính; mạnh dạn đề xuất gỡ bỏ những quy định ràng buộc dễ dẫn tới cơ chế xin cho, lợi ích nhóm như là bãi bỏ giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án BOT, dự án BT; bãi bỏ các quy hoạch về sân golf…

Đổi mới mô hình tăng trưởng

Tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ KH&ĐT, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ giao Bộ tập trung xây dựng định hướng hoàn thiện thể chế chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng nguồn lực FDI đến năm 2030; sớm có hướng dẫn triển khai Luật Quy hoạch; quan tâm hơn đến đề án phân vùng và tổ chức lập quy hoạch vùng, xây dựng giải pháp phát triển nguồn nhân lực quốc gia đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng 4.0, đề án thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, tiếp tục quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiếp tục ban hành nghị định hỗ trợ lĩnh vực này… 

Năm 2019 là năm bứt phá để thực hiện các Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng , Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020. Do đó, cần kiên định các mục tiêu, các giải pháp và nỗ lực vươn lên, sẵn sàng ứng phó với những biến động, củng cố sự vững vàng, tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế để hướng tới mục tiêu thịnh vượng và bền vững. Nhận định tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng chậm lại, cùng đó là tác động hiện hữu của căng thẳng thương mại cùng với xu hướng bảo hộ thương mại. Trong nước, việc cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh có nhiều chuyển biến rõ nét nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, bão lũ và thời tiết cực đoan tiếp tục diễn biến phức tạp…

Nhận diện những khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế đất nước trong năm 2019, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, cho rằng: “Cần phải tận dụng bằng được các cơ hội mang lại dù là nhỏ nhất để nền kinh tế phát triển bứt phá. Cụ thể là, đà tăng trưởng kinh tế tích cực đã có được trong 2 năm qua, các ngành, các lĩnh vực, các địa phương đã có xu hướng tăng trưởng tốt; nhiều quyết sách tiếp tục phát huy hiệu quả; cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhất là về công nghệ, kỹ thuật, quản lý. Làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư toàn cầu dự báo sẽ tiếp tục chảy về khu vực năng động, trong đó, Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn. Do đó, cần chuẩn bị tốt mọi điều kiện để đón nhận có chọn lọc và đẩy mạnh sự kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài. Tiến trình cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh của nước ta còn nhiều dư địa và ngày càng được đẩy mạnh, niềm tin của người dân, cộng đồng doanh nghiệp ngày càng được củng cố”. Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, nền kinh tế đất nước cần kiên định mục tiêu, giải pháp ngắn hạn và dài hạn nhằm đạt được sự phát triển bứt phá cho năm 2019 và nhiều năm tiếp theo. Phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao, thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường, tiến bộ và công bằng về xã hội.

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết