Cục Đường sắt Việt Nam và đơn vị tư vấn đang trong quá trình lấy ý kiến các địa phương về phương án tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh-Cần Thơ. Việc làm này nhằm đảm bảo sự thống nhất cao của các địa phương trước khi trình phê duyệt Quy hoạch tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh-Cần Thơ và triển khai các bước đầu tư tiếp theo...
Theo đơn vị tư vấn - Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam (Tedi South), ngày 15-1-2004, tại Quyết định số 154/QĐ-BGTVT, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã giao cho Cục Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư Lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt Sài Gòn-Mỹ Tho, đoạn đầu của tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh-Cần Thơ. Ngày 27-7-2009, Bộ GTVT thay đổi chủ trương cho lập báo cáo đầu tư tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh-Cần Thơ, thay cho tuyến đường sắt Sài Gòn-Mỹ Tho. Tuy nhiên, trong quá trình lập báo cáo đầu tư, Bộ GTVT xét trên điều kiện thực tế và các qui định điều chỉnh sửa đổi về quản lý quy hoạch, quản lý đô thị nên đã điều chỉnh từ lập báo cáo đầu tư dự án sang thành lập qui hoạch chi tiết để xác định hướng tuyến, thống nhất với các địa phương về phạm vi sử dụng đất của dự án là phù hợp. Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo và được Thủ tướng chấp thuận cho lập quy hoạch chi tiết đường sắt TP Hồ Chí Minh-Cần Thơ...
Theo định hướng của Bộ GTVT, tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh-Cần Thơ sử dụng công nghệ Hàn Quốc - đường sắt cấp I vừa chở khách vừa chở hàng hóa, có tốc độ thiết kế 200km/h, đường đôi, khổ đường sắt 1,435m
Tuyến đường sắt dự kiến có chiều dài gần 180 km, đi qua các địa phương: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP Cần Thơ. Điểm đầu tuyến đường sắt là Ga lập tàu An Bình (tỉnh Bình Dương) và điểm cuối tuyến Ga Cái Răng (TP Cần Thơ). Tuyến đường đoạn đi qua địa bàn TP Cần Thơ dự kiến có chiều dài khoảng 8,5 km. Trong đó, điểm đầu (km 168+000) ranh giới giữa tỉnh Vĩnh Long và TP Cần Thơ (cách cầu Cần Thơ khoảng 3,3 km về phía hạ lưu); điểm cuối (km 176+500) thuộc phường Thường Thạnh-quận Cái Răng (cách quốc lộ 1A khoảng 2,5 km về phía Đông).
Mới đây, Cục Đường sắt Việt Nam và đơn vị tư vấn đã báo cáo với lãnh đạo UBND TP Cần Thơ về phương án tuyến Dự án đường sắt TP Hồ Chí Minh-Cần Thơ (đoạn đi qua TP Cần Thơ) và xin ý kiến thống nhất phương án tuyến. Theo đơn vị tư vấn, trên đoạn tuyến đi qua TP Cần Thơ, đường sắt phải đi cao vượt qua sông Hậu và Khu đô thị Nam Cần Thơ để tránh giao cắt với hệ thống giao thông đường bộ, qua khu đô thị tuyến đường sắt chuyển xuống đi trên mặt đất đi về Ga Cái Răng được bố trí trên mặt đất. Đơn vị tư vấn cũng đề xuất 2 phương án tuyến đoạn đi qua địa bàn TP Cần Thơ. Phương án 1: đường sắt đi theo trục đường 2C Khu Công nghiệp Hưng Phú. Phương án 2: đi theo trục đường 3C Khu Công nghiệp Hưng Phú (phương án 2 hướng tuyến nằm ở hạ lưu hơn so với phương án 1)...
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Sơn cho rằng: TP Cần Thơ chọn phương án tuyến về phía hạ lưu (phương án 2). Tuy nhiên, Cục Đường sắt Việt Nam và đơn vị tư vấn cần xem xét đưa vị trí nhà ga lại gần quốc lộ 91C để tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh-Cần Thơ khai thác đạt hiệu quả cao nhất khi đi vào hoạt động
Ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, cho biết: Sau khi có ý kiến bằng văn bản thỏa thuận phương án tuyến đường sắt của TP Cần Thơ, đơn vị tư vấn sẽ chuyển tuyến đường sắt sang dạng bản đồ, các sở-ngành thành phố có thể kiểm soát lại lần nữa mức độ phù hợp của quy hoạch này. Trên cơ sở này, Cục Đường sắt Việt Nam sẽ trình phê duyệt Quy hoạch đường sắt TP Hồ Chí Minh-Cần Thơ để tiến hành các bước đầu tư tiếp theo đối với tuyến đường sắt này...
Tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh-Cần Thơ khi được triển khai xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng hứa hẹn tạo điều kiện thuận lợi cho TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL phát triển, nhất là sẽ rút ngắn thời gian đi lại và vận chuyển hàng hóa giữa TP Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh rất nhiều so với đường bộ như hiện nay...
ANH KHOA