28/07/2021 - 12:59

Tăng nguy cơ khởi phát bệnh tiểu đường vì nhiễm COVID-19 

Bệnh tiểu đường được biết là một yếu tố làm tăng mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng một khi nhiễm bệnh COVID-19. Mới đây, các nhà khoa học Mỹ phát hiện việc mắc COVID-19 đổi lại cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Trích máu ngón tay là phương pháp tiêu chuẩn giúp theo dõi đường huyết hiệu quả.

Trích máu ngón tay là phương pháp tiêu chuẩn giúp theo dõi đường huyết hiệu quả.

Trong nghiên cứu mới đăng trên Tạp chí Nature Metabolism, các chuyên gia tại Bệnh viện Nhi Boston đã đánh giá sức khỏe của 551 bệnh nhân COVID-19 từng nhập viện điều trị tại Ý trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5-2020. Kết quả cho thấy gần một nửa số bệnh nhân (46%) không có tiền sử bị tiểu đường đã được phát hiện khởi phát bệnh tăng đường huyết. Kết quả theo dõi sau đó cũng cho thấy trong khi đa số bệnh nhân đã khôi phục sức khỏe, khoảng 35% bệnh nhân bị tăng đường huyết vẫn còn chịu đựng tình trạng này ít nhất 6 tháng sau khi nhiễm COVID-19.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu nhận thấy so với nhóm bệnh nhân không có dấu hiệu bất thường về lượng đường glucose trong máu, nhóm bệnh nhân bị tăng đường huyết cũng có kết quả sức khỏe xấu hơn, chẳng hạn như thời gian nằm viện lâu hơn, gặp các triệu chứng nặng hơn, có nhu cầu thở ôxy cao hơn, nhu cầu thông khí cao hơn và nhu cầu chăm sóc đặc biệt nhiều hơn.

Không chỉ vậy, nhóm bệnh nhân tăng đường huyết cũng có nồng độ nội tiết tố bất thường. “Chúng tôi phát hiện ra họ bị tăng insulin máu nghiêm trọng, cũng như sản xuất quá nhiều insulin. Họ cũng có nồng độ bất thường về pro-insulin (tiền chất của insulin) và các dấu hiệu cho thấy chức năng tế bào islet-beta (tế bào sản xuất và tiết ra insulin) đã bị tổn thương”- trưởng nhóm Paolo Fiorina nhận xét. Nhóm bệnh nhân tăng đường huyết còn có những bất thường nghiêm trọng về số lượng các cytokine gây viêm, bao gồm IL-6 và các loại cytokine khác. Nhiều bệnh nhân có mức đường huyết sau ăn và các hoóc-môn tuyến tụy bất thường trong giai đoạn “hậu COVID-19” cao hơn.

Theo ông Fiorina, đây cũng là một trong những nghiên cứu đầu tiên cho thấy COVID-19 có tác động trực tiếp đến tuyến tụy. Nghiên cứu chỉ ra rằng tuyến tụy là một mục tiêu khác của virus, không chỉ ảnh hưởng đến giai đoạn cấp tính khi nhập viện, mà còn có khả năng ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe dài hạn của bệnh nhân. Phát hiện mới cũng chỉ ra tầm quan trọng của việc đánh giá chức năng tuyến tụy ở những bệnh nhân nhập viện điều trị COVID-19, gồm cả trong thời gian nằm viện và giai đoạn theo dõi sức khỏe về sau.

AN NHIÊN (Theo MedicalXpress, Times Now)

Chia sẻ bài viết