14/02/2019 - 15:20

Tăng giá trị nông sản xuất khẩu 

ĐBSCL là vùng sản xuất và xuất khẩu nông sản trọng điểm của cả nước, chiếm 90% sản lượng gạo xuất khẩu và gần 70% sản lượng thủy sản của cả nước. Song, trong bối cảnh thương mại toàn cầu và khu vực như hiện nay, các mặt hàng có tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu, như: nông sản, nhất là gạo và thủy sản sẽ rất dễ đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và vướng các quy định về hàng rào kỹ thuật của nước nhập khẩu... Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Các tỉnh vùng ĐBSCL muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng giá trị hàng hóa xuất khẩu bằng giá trị chất lượng, ngoài chú trọng tăng trưởng về sản lượng cho ngành hàng gạo, thủy sản thì cần củng cố chiến lược xuất khẩu, chú trọng đến các chương trình, kế hoạch hành động riêng cho từng ngành hàng. Cùng với đó, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vùng ĐBSCL cần thiết lập quan hệ với hệ thống phân phối ở nước sở tại, giải quyết vấn đề thuế quan, chủ động nắm bắt thị trường. Song song đó, chú trọng đầu tư, thay thế công nghệ sản xuất và có chiến lược quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu riêng cho từng thị trường, tuyệt đối tuân thủ các quy định về sở hữu trí tuệ và có giải pháp giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường.  

Hoạt động sản xuất tại doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu ở Khu Công nghiệp Trà Nóc.

Theo bà Nguyễn Vũ Minh Tâm, Giám đốc Công ty GOL, cho biết: Trong bối cảnh thương mại toàn cầu, các doanh nghiệp xuất khẩu ở vùng ĐBSCL cần chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0, phát triển kênh thương mại điện tử. Bởi đây là hình thức kinh doanh giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí, gia tăng lợi nhuận, rút ngắn thời gian giao dịch và tiếp cận tối đa lượng khách hàng tiềm năng. Cùng với đó, để gia tăng giá trị hàng nông sản xuất khẩu, doanh nghiệp cũng cần phát triển thương hiệu riêng, thay vì các hình thức xuất khẩu nguyên liệu hay xuất khẩu gia công,... Ngoài ra, khi xuất khẩu hàng nông sản, doanh nghiệp cần chú trọng đảm bảo chất lượng hàng hóa, thực hiện nghiêm chữ “sạch” - nghĩa là hoàn toàn tự nhiên, không can thiệp hóa chất hay hương liệu từ khâu chọn giống, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, bảo quản, xuất khẩu và cần nâng cao hơn, hướng tới sản xuất theo chuẩn organic,...  

Theo ông Trần Anh Tuấn, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, để tránh vướng vào các vụ kiện chống bán phá giá hàng hóa, doanh nghiệp xuất khẩu vùng ĐBSCL nhất thiết phải nghiên cứu hệ thống pháp luật của thị trường xuất khẩu; xây dựng và thực hiện hệ thống sổ sách rõ ràng, minh bạch, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật của Việt Nam và phù hợp với quy định của nước xuất khẩu. Mặt khác, doanh nghiệp cần nhận thức các vụ kiện liên quan đến hàng hóa nhập khẩu chỉ là công cụ thương mại của nước sở tại bảo vệ nền sản xuất trong nước; doanh nghiệp nên chủ động chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tham gia vào vụ kiện để bảo vệ lợi ích của mình... Nếu làm tốt các điều này, doanh nghiệp sẽ dễ dàng giải trình khi vướng vào các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp. Bên cạnh sự chủ động, phòng vệ và ứng phó với các vụ kiện quốc tế của các doanh nghiệp xuất khẩu, các cơ quan quản lý nhà nước tại các địa phương cần có sự trợ giúp về chủ trương, chính sách; tạo sự gắn kết giữa các hiệp hội doanh nghiệp với các doanh nghiệp… Từ đó, tạo sự đồng hành, cùng giúp các doanh nghiệp vượt qua thách thức, ngày càng am hiểu về thị trường xuất khẩu, xây dựng chiến lược xuất khẩu, để nâng cao giá trị nông sản ĐBSCL trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Bài, ảnh: M. Hoa

Chia sẻ bài viết