21/05/2008 - 09:46

Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban chỉ huy PCLB-TKCN TP Cần Thơ:

Tăng cường tuyên truyền giúp người dân nâng cao ý thức chủ động phòng chống

 

Ban Chỉ đạo Phòng chống Lụt bão (PCLB) Trung ương - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn (TKCN) vừa tổ chức buổi giao ban trực tuyến với các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang và các tỉnh nội đồng ĐBSCL để triển khai công tác phòng chống lụt bão năm 2008... Trong buổi giao ban này, một vấn đề mà Ban Chỉ đạo PCLB - Ủy ban Quốc gia TKCN lo ngại là khu vực nông thôn ĐBSCL kết cấu hạ tầng yếu kém nên rất dễ bị tổn thất khi có bão xảy ra. Trong khi đó, người dân ĐBSCL lại ít có kinh nghiệm phòng, tránh bão. Trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Trưởng Ban Chỉ huy PCLB - TKCN, cho biết:

Mùa mưa, bão năm qua, TP Cần Thơ xảy ra 14 đợt lốc xoáy làm 50 căn nhà sập, xiêu vẹo, tốc mái và 8 người chết (5 người bị sét đánh, 3 trẻ em chết đuối), 2 người bị thương; triều cường làm ngập 6.050 căn nhà, 13 điểm trường, 153 km đường giao thông... ước tổng thiệt hại trên 4,5 tỉ đồng. Do thời tiết diễn biến phức tạp, ngay từ đầu mùa mưa năm 2008, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 2 đợt lốc xoáy làm sập 29 căn nhà, tốc mái 97 căn, nhiều cột điện và cây xanh bị đổ ngã, 2 điểm sạt lở bờ sông ở quận Ninh Kiều, Bình Thủy và còn một số điểm xung yếu có khả năng sạt lở trong mùa mưa, ước thiệt hại ban đầu 943 triệu đồng, không thiệt hại về người.

Ban Chỉ huy PCLB-TKCN TP Cần Thơ và các địa phương xảy ra thiên tai đã huy động lực lượng lao động, vật tư, kinh phí... trợ giúp các gia đình bị thiệt hại khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống. Trong năm qua, công tác đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân trong mùa bão, lũ được các địa phương quan tâm thực hiện. Nổi bật nhất là các quận, huyện tổ chức các trạm cứu hộ trên sông Hậu, các lớp tập bơi cho trẻ em và các điểm giữ trẻ trong mùa lũ đạt hiệu quả cao.

Tuy nhiên, ở một số địa phương vẫn còn tình trạng gia đình bất cẩn để trẻ em té sông chết đuối hoặc người dân chủ quan đi làm ruộng hay chăn vịt ngoài đồng trống khi trời mưa bị sét đánh chết... Đây là những trường hợp đáng tiếc, cần được nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động của các địa phương.

* Ban chỉ đạo PCLB-TKCN thành phố đã có biện pháp gì để hạn chế những thiệt hại do thiên tai gây ra trong mùa mưa, bão, lũ năm 2008, thưa đồng chí?

- Ban chỉ huy PCLB-TKCN các quận, huyện, phường, xã kết hợp các ngành chức năng, chính quyền địa phương phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng dân cư có ý thức phòng tránh bão. Các bậc cha mẹ phải thường xuyên tăng cường việc quản lý con em trong mùa mưa lũ, tránh những sơ hở để con em té sông chết đuối. Người dân không nên làm đồng, chăn vịt, chơi thể thao ở sân bóng trong khi trời đang mưa.

Nhằm hạn chế tình trạng trẻ em chết đuối, sét đánh, Ban Chỉ huy PCLB - TKCN chỉ đạo và tổ chức thực hiện các biện pháp như: Tuyên truyền, vận động đề phòng sét đánh trong các cuộc họp tổ, ấp, khu vực; tổ chức các điểm giữ trẻ trong mùa lũ. Đối với học sinh tiểu học ở các điểm trường vùng sâu, ngập lũ, nhà trường phải phối hợp với chính quyền và phụ huynh học sinh, tổ chức đưa, rước các cháu học sinh khi đến trường để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra. Ngay thời điểm này, các điểm tập bơi cho trẻ em cần được nhân rộng. Đây là một trong những biện pháp hữu hiệu để hạn chế trẻ em té sông bị chết đuối do không biết bơi.

* Thưa đồng chí, năm nay kế hoạch PCLB - TKCN của thành phố được thực hiện ra sao?

- Trước tiên, chúng tôi củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy PCLB-TKCN các cấp, từ thành phố đến quận, huyện, xã, phường. Ngay thời điểm này, các Ban chỉ đạo PCLB-TKCN phải thực sự đi vào hoạt động, xây dựng kế hoạch phòng chống dựa vào điều kiện tự nhiên của từng địa phương. Chúng tôi cũng yêu cầu các ngành, các địa phương phải xây dựng kế hoạch, biện pháp PCLB-TKCN một cách cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình của từng ngành, từng địa phương để chủ động ứng phó với mọi bất trắc của thiên tai.

Các hoạt động PCLB-TKCN theo phương châm chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục hậu quả khẩn trương và có hiệu quả; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” là: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ để ứng phó và cứu hộ, cứu trợ kịp thời khi có thiên tai; sống chung với lũ bằng việc thực hiện các chương trình: Kiểm soát lũ, xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ, xây dựng các tiểu vùng thủy lợi khép kín, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp... Trong đó, nêu cao sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các ngành, các cấp để huy động sức mạnh tổng hợp trong công tác PCLB-TKCN, nhất là công tác cứu hộ, cứu trợ, nhân rộng các trạm cứu hộ trên sông...

Chúng tôi đang đề nghị Chính phủ có chương trình chống ngập của quốc gia đối với các đô thị ở khu vực ĐBSCL, trong đó quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa cho chương trình chống sạt lở ở TP Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung. Về lâu dài, Chính phủ nên nghiên cứu thành lập Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn cho khu vực ĐBSCL, nâng cao chất lượng dự báo, đặc biệt là công tác cảnh báo thiên tai. Đề nghị Ủy ban Quốc gia TKCN sớm tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng TKCN cho các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL về công tác TKCN trên sông; cung cấp trang thiết bị TKCN cho TP Cần Thơ như xuồng (660ST), áo phao, phao cứu sinh, nhà bạt, dụng cụ y tế... Hiện nay Cần Thơ còn thiếu các thiết bị này.

* Đồng chí có những khuyến cáo gì để người dân tham gia công tác PCLB cũng như bảo vệ tài sản, tính mạng của mình?

-Theo tôi, bà con nên theo dõi thông tin mưa, bão, lũ, lụt và sự chỉ đạo của chính quyền địa phương qua báo, đài và hệ thống truyền thanh ở cấp xã, phường để thực hiện phòng tránh mưa bão, lũ có hiệu quả hơn. Đặc biệt, người dân nên tích cực tham gia công tác giáo dục cộng đồng về phòng tránh bão, lũ và đừng quên dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men, các nhu yếu phẩm khác trong mùa mưa, bão, lũ; gia cố nhà cửa, nhất là các nhà cây, mái lá. Đối với khu vực thấp, vùng trũng, người dân nên chủ động sơ tán, đưa gia đình ra khỏi khu vực này khi có mưa bão, lũ xuất hiện và chấp hành chỉ đạo sơ tán của chính quyền địa phương; sẵn sàng tham gia và tập trung phương tiện như xuồng, ghe, tàu máy... khi chính quyền địa phương huy động để cứu hộ, cứu nạn. Ngoài ra, các bậc phụ huynh nên chủ động cho con em nghỉ học trong trường hợp mưa, lũ lớn, không an toàn. Tham gia bảo vệ trẻ em, học sinh đi học và sinh hoạt trong mùa mưa, lũ; chủ động tham gia công tác khắc phục hậu quả, ổn định đời sống, phục hồi sản xuất, xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh do mưa lũ gây ra; tham gia cứu trợ theo truyền thống: “lá lành đùm lá rách”...

* Xin cảm ơn đồng chí!

HÀ VĂN (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết