04/01/2009 - 21:46

Ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở Công Thương, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Hợp tác Kinh tế Quốc tế TP Cần Thơ:

Tăng cường thông tin và dự báo, xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa

 

Năm 2007, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Cùng với cả nước TP Cần Thơ có được cơ hội to lớn để hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, tạo thuận lợi cho xuất khẩu (XK) hàng hóa, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài phát triển kinh tế – xã hội. Ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở Công Thương, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Hợp tác Kinh tế Quốc tế TP Cần Thơ đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ về một số công việc thành phố đã làm được trong hai năm gia nhập WTO.


* Ngành thương mại, dịch vụ, tài chính ở TP Cần Thơ hai năm qua đã phát triển như thế nào để cùng cả nước hội nhập kinh tế thế giới, thưa ông?

- Để trở thành trung tâm thương mại – dịch vụ của vùng ĐBSCL, việc phát triển thương mại, dịch vụ, tài chính đã được thành phố đặc biệt quan tâm. Tạo nền tảng phát triển cho các ngành này, Cần Thơ đã tạo điều kiện cho các loại hình thương mại hiện đại phát triển. Trong đó, có thể kể đến là sự xuất hiện của các siêu thị Citimart, Co.opMart, Trung tâm Thương mại Vinatex, Trung tâm Metro Hưng Lợi, Maximark, Trung tâm Điện máy Best Carings Cần Thơ. Trên địa bàn thành phố còn có các cửa hàng bán lẻ tiện lợi như Daily, G7 Mart và nhiều trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng đã và đang được xây dựng; càng nhiều nhà sản xuất, phân phối lớn tham gia thị trường bán lẻ...

Hiện nay trên địa bàn thành phố có hơn 30 chi nhánh ngân hàng thương mại. Trong đó, có 2 văn phòng đại diện ngân hàng nước ngoài là HSBC và ANZ. Ngoài hệ thống các ngân hàng thương mại, các công ty tài chính, bảo hiểm, công ty cho thuê tài chính của các tập đoàn lớn cũng đang hoạt động trên địa bàn như: Prudential, Manulife, Groupama, Bảo Việt, dầu khí... góp phần thúc đẩy phát triển thành phố trong tiến trình hội nhập.

* Ngày 1-1-2009, thời điểm bắt đầu mở cửa thị trường bán lẻ theo cam kết gia nhập WTO. Theo ông, các doanh nghiệp ở Cần Thơ đã làm gì để thích nghi trong tình hình mới?

- Trên địa bàn thành phố đã dần hình thành các siêu thị, trung tâm thương mại mang phong cách văn minh, hiện đại, tạo diện mạo mới cho ngành phân phối, bán lẻ của TP Cần Thơ. Để đứng vững trên sân nhà, các doanh nghiệp trong ngành phân phối đã hình thành được tư duy quản lý và chuẩn mực kinh doanh mới. Việc thực thi các cam kết về mở cửa thị trường, áp dụng nguyên tắc không phân biệt đối xử, xóa bỏ bao cấp và các loại trợ cấp bị cấm, công khai minh bạch các cơ chế chính sách kinh tế,... chẳng những thúc đẩy hình thành tư duy mới, các chuẩn mực quản lý mới trong nhà nước mà còn buộc các doanh nghiệp quan tâm đến việc xây dựng chiến lược kinh doanh, tiếp cận thị trường, tạo dựng thương hiệu, hình thành chuẩn mực kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp.

Ở TP Cần Thơ ngày càng xuất hiện nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi... góp phần nâng cao năng lực của ngành bán lẻ thành phố trong tiến trình hội nhập WTO. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại Siêu thị Maximark. Ảnh: đỗ chí thiện 

* Ngành công thương của thành phố đã có những động thái như thế nào trước tình hình này, thưa ông?

- Thành phố đã chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với các cơ quan Bộ Công Thương xây dựng sàn giao dịch điện tử giúp các doanh nghiệp tăng cường hội nhập, tăng cơ hội giao thương. Đặc biệt, theo Quyết định 4379/QĐ-BCT của Bộ Công Thương, Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực Cần Thơ, trụ sở đặt tại số 19-21 Lý Tự Trọng, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ chính thức hoạt động từ 1-1-2009. Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực Cần Thơ có nhiệm vụ cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cho hàng hóa xuất khẩu (XK) hoặc Giấy chứng nhận XK, nhập khẩu hàng hóa cho các doanh nghiệp XK ở ĐBSCL, giúp các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế quan trong các hiệp định song phương được ký kết giữa Việt Nam với các đối tác nước ngoài.

Ngoài việc chuyển đổi cơ cấu XK theo hướng tăng tỷ trọng chế biến, giảm tỷ lệ sản phẩm thô, sơ chế trong hàng hóa XK, ngành công thương thành phố tập trung các nhóm mặt hàng XK chủ lực như nông thủy sản, may mặc, da giày. Thành phố đã và đang quy hoạch lại mạng lưới thương mại và các chợ trung tâm. Trong đó, 4 địa bàn đầu mối là Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Thốt Nốt; các vệ tinh là quận Ô Môn và hai huyện Cờ Đỏ, Phong Điền. Đến năm 2010, thành phố tập trung cải tạo nâng cấp các chợ ở trung tâm quận, huyện, xóa bỏ các chợ tự phát, huy động nguồn lực xây dựng các siêu thị, trung tâm thương mại ở quận, huyện. Hướng đến giai đoạn 2011- 2015 hình thành tại mỗi quận, huyện có ít nhất một trung tâm thương mại hoặc siêu thị, xây dựng các chợ đầu mối cấp vùng nhằm đẩy mạnh khâu thu mua, chế biến và tạo đầu ra XK. Đồng thời liên kết thương mại với các tỉnh ĐBSCL và các tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh.

* Theo ông, TP Cần Thơ còn những khó khăn, vướng mắc nào khi nước ta ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới?

- Rõ ràng hai năm qua, còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải có sự tập trung chỉ đạo, tìm giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Đó là, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, công nghiệp sản xuất tư liệu và công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, hàng công nghiệp XK chủ yếu là gia công, sức cạnh tranh còn yếu, hàm lượng công nghệ tri thức chưa cao, giá trị gia tăng còn thấp, chưa xây dựng được nhiều thương hiệu nổi tiếng. Trong lĩnh vực XK, các doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng triệt để cơ hội khi Việt Nam đã là thành viên của WTO để mở rộng thị trường, nâng cao kim ngạch XK; chủng loại hàng hóa XK chưa đa dạng. Thị trường nội địa còn tiềm ẩn không ít các yếu tố bất lợi đến sản xuất và đời sống nhân dân; hai mặt hàng XK chủ yếu của thành phố là gạo và cá tra còn gặp nhiều khó khăn, chưa có giải pháp khắc phục mang tính chiến lược. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp còn khó khăn do giá vật tư, phân bón, chi phí sản xuất tăng cao, dịch hại trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp; nông dân còn gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ nông sản, thủy sản... Ngoài ra, kết cấu hạ tầng còn thiếu và chưa được đầu tư đồng bộ; việc triển khai các dự án đầu tư nước ngoài chậm, tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện so với vốn đăng ký chưa cao; công tác cải cách hành chính đã đạt được kết quả nhất định nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc, chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới...

Để công tác hội nhập kinh tế quốc tế của thành phố đạt hiệu quả cao, các bộ, ngành cần tăng cường công tác thông tin và dự báo cung cầu thị trường đối với hàng hóa XK; đồng thời, giới thiệu, cung cấp thông tin về hàng hóa và dịch vụ của địa phương cho các đối tác nước ngoài, giúp các doanh nghiệp thuận lợi trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu. Ban Chỉ đạo Chương trình hỗ trợ kỹ thuật hậu gia nhập WTO cần hỗ trợ TP Cần Thơ phổ biến thông tin, kiến thức mới về hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện các đề tài như: Hỗ trợ phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ TP Cần Thơ giai đoạn 2008 – 2009; Hỗ trợ các doanh nghiệp Cần Thơ nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến mở rộng thị trường và thu hút đầu tư; Hỗ trợ tăng cường năng lực cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn TP Cần Thơ thực hiện cam kết WTO...

* Xin cảm ơn ông!

Hà Triều (thực hiện)

Chia sẻ bài viết