29/04/2008 - 10:37

Tăng cường hợp tác đối phó khủng hoảng lương thực

Tiếp nhận lương thực viện trợ của WFP ở Afghanistan. Ảnh: AFP

Trong hai ngày 28 và 29-4, tại Bern (Thụy Sĩ) diễn ra hội nghị Liên Hiệp Quốc bàn các biện pháp đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Dưới sự chủ trì của Tổng thư ký Ban Ki-moon, 27 cơ quan chủ chốt của LHQ sẽ phối hợp hành động nhằm đưa thế giới thoát khỏi tình trạng khan hiếm lương thực hiện nay.

Dân số gia tăng, nhu cầu tiêu thụ mạnh từ các nước đang phát triển, nhiều diện tích đất nông nghiệp chuyển sang canh tác các loại cây phục vụ cho việc sản xuất nhiên liệu sinh học, hạn hán và lũ lụt gia tăng... khiến giá lương thực tăng vọt. Tổng thư ký Ban Ki-moon kêu gọi chính phủ các nước cần phối hợp hành động tức thời để giải quyết cuộc khủng hoảng này. “Giá lương thực leo thang đang phát triển thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu thật sự”, ông cảnh báo. Theo ước tính của ông Ban Ki-moon, có khoảng 100 triệu người nghèo trên thế giới không có đủ khả năng để mua lương thực. Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) cho biết giá ngũ cốc tăng mạnh khiến 37 nước nghèo đối mặt với tình trạng khủng hoảng lương thực, từ đó dẫn đến bất ổn xã hội. Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) thì kêu gọi các nước viện trợ khẩn cấp thêm 755 triệu USD để bù đắp khoản thâm hụt do giá lương thực leo thang. Theo Giám đốc WFP Josette Sheeran, thế giới đang phải đối mặt với “một trận sóng thần thầm lặng”. Còn Jacques Diouf, người đứng đầu FAO, thì cảnh báo nội chiến sẽ bùng nổ ở một số nước vì tình trạng thiếu lương thực.

Trước tình hình đó, chính phủ Nhật vừa quyết định hỗ trợ khẩn cấp 100 triệu USD để giúp các quốc gia nghèo đối phó với tình trạng giá lương thực leo thang. Ngoài ra, Tokyo còn cam kết sẽ đưa vấn đề khủng hoảng lương thực toàn cầu vào chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh thường niên nhóm G-8 vào tháng 7 tới tại Nhật. Áo cũng cam kết chi 1 triệu euro để giúp 4 quốc gia nghèo nhất thế giới là Haiti, Ethiopia, Namibia và Burkina Faso mua lương thực. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy mới đây cho biết chính phủ của ông sẽ tăng khoản viện trợ lương thực khẩn cấp trong năm nay lên gấp đôi, tức đến 100 triệu USD. Trước đó, Tổng thống Mỹ George Bush cũng ra lệnh giải ngân 200 triệu USD từ quỹ viện trợ lương thực khẩn cấp của nước này để giúp giảm nhẹ sự thiếu hụt lương thực ở các nước châu Phi và một số khu vực khác.

Song song với những nỗ lực trợ giúp cấp bách của nhiều nước trên thế giới nhằm chống lại tình trạng giá lương thực tăng vọt, việc mở rộng diện tích canh tác cũng được tính đến mà đi đầu là Thái Lan và Ấn Độ. Trong khi đó, chính phủ Malaysia kêu gọi người dân nước này “ăn cơm ít hơn” và thay vào đó là tăng cường dùng rau cải. Theo Kuala Lumpur, điều này vừa giúp đối phó với khủng hoảng lương thực, vừa bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý hơn. Hiện trung bình mỗi người trưởng thành ở Malaysia tiêu thụ 77 kg gạo/năm.

H.A (Theo AP, AFP)

Tiếp nhận lương thực viện trợ của WFP ở Afghanistan. Ảnh: AFP

Chia sẻ bài viết