28/02/2016 - 16:18

Tận dụng lợi thế xuất khẩu

Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của TP Cần Thơ có quan hệ xuất khẩu hàng hóa với 86 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 2015 gặp không ít khó khăn, nhiều nước bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế và cắt giảm nhập khẩu song các DN vẫn giữ vững được thị trường truyền thống và đóng góp 1.276,9 triệu USD vào kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Ngay trong những tháng đầu năm 2016, nhiều DN đã ký được những đơn hàng xuất khẩu với giá trị cao và có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, tuyển thêm lao động.

Giữ vững thị trường

Năm 2016, TP Cần Thơ đặt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu và dịch vụ thu ngoại tệ đạt 1.650 triệu USD, tăng 9,8% so với năm 2015. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 1.475 triệu USD, dịch vụ thu ngoại tệ 180 triệu USD. Sở Công thương thành phố cũng đề ra tiến độ thực hiện theo từng quý so với kế hoạch năm, cụ thể, quý I phấn đấu đạt 18%, quý 2 đạt 43%, quý 3 đạt 71% và đến quý 4 sẽ đạt 100%. Tính đến cuối tháng 2-2016, ước tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thu ngoại tệ của thành phố thực hiện 205,6 triệu USD, đạt 12,4% kế hoạch và tăng 23,8% so cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa ước thực hiện 170,3 triệu USD, đạt gần 11,6% kế hoạch năm và tăng 19,9% so cùng kỳ.

 Vùng nuôi cá tra nguyên liệu của Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông đạt sản lượng 60.000 tấn/năm.

Tình hình xuất khẩu trong quý I/2016 được dự báo khá khả quan, kèm theo đó là những yếu tố tích cực thúc đẩy hoạt động xuất khẩu- các hiệp định thương mại tự do (FTA). Chẳng hạn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực từ ngày 20-12-2015; Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu (VN-EAEU) đã ký chính thức vào ngày 29-5-2015; Hiệp định Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức kết thúc đàm phán vào ngày 2-12-2015; Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được ký kết vào ngày 4-2-2016 và việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Theo đó, nhiều DN xuất khẩu gạo đã có các hợp đồng gối đầu, giao hàng đến hết quý I/2016 sang các thị trường tập trung như: Indonesia, Philippines. Một số DN thủy sản cũng đã ký được hợp đồng xuất khẩu trong quý I và tuyển thêm lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Ông Ngô Quang Trường, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thủy sản Seavina, cho biết: Công ty chúng tôi đặt ra mục tiêu xuất khẩu năm 2016 là 200 triệu USD. Tình hình rất khả quan khi những đơn hàng đầu năm mới đã được ký kết trong quý I với giá trị đạt trên 30 triệu USD. Ngoài ra, công ty chúng tôi đang tuyển thêm 1.500 lao động để mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng kịp thời các đơn hàng xuất khẩu. Công ty cũng nỗ lực thực hiện các chính sách về lương, thưởng, các chế độ hỗ trợ khác để đội ngũ công nhân gắn bó lâu dài nhằm tạo nguồn lao động ổn định phục vụ chế biến.

Tận dụng cơ hội hội nhập

Năm 2015, xuất khẩu gạo và thủy sản chiếm hơn 70% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Đây tiếp tục là 2 ngành hàng xuất khẩu chủ lực đã được thành phố tập trung đẩy mạnh trong năm 2016. Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, chia sẻ: Để đảm bảo kế hoạch xuất khẩu năm 2016, Sở đề ra các giải pháp như đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại sang các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, thị trường Liên bang Nga. Đồng thời phối hợp với các sở, ngành hữu quan thực hiện nhóm giải pháp hỗ trợ DN để sản xuất theo nhu cầu thị trường xuất khẩu, khuyến khích hỗ trợ DN gạo xây dựng thương hiệu nhằm gia tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Tạo điều kiện thuận lợi cho DN xuất khẩu trong khâu kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu, làm các thủ tục hải quan, thủ tục chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu (C/O) và các thủ tục về thuế...

Theo các chuyên gia kinh tế, để tận dụng được những ưu đãi từ các FTA thì DN cần có thời gian tương đối dài nghiên cứu, tìm giải pháp... trong khi các rào cản thuế quan của các nước thành viên FTA để bảo hộ mậu dịch trong nước cũng tăng lên. Bên cạnh đó, hàng hóa của các nước thành viên sẽ vào Việt Nam nhiều hơn, hàng hóa trong nước sẽ phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa nước ngoài… Do đó, bản thân các DN xuất khẩu buộc phải có sự thích ứng để tận dụng được những ưu đãi từ các hiệp định này. Ông Ngô Quang Trường, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thủy sản Seavina, cho biết: "Đối với mặt hàng tôm, chúng tôi là 1 trong 3 DN xuất khẩu của Việt Nam được hưởng thuế suất 0% khi vào thị trường Mỹ. Ngoài ra, công ty cũng đang xuất khẩu tôm rất tốt qua Hàn Quốc và Nhật Bản. Đối với thị trường cá tra, chúng tôi cũng được hưởng mức thuế thấp khi vào thị trường Mỹ. Đây là thị trường khó tính và đòi hỏi hết sức nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm ngay từ khâu nguyên liệu đầu vào. Hướng tới, chúng tôi sẽ liên kết với nông dân nuôi cá, các cơ sở cung cấp thức ăn, thuốc thủy sản để sản xuất theo chuỗi và đáp ứng quy trình nuôi theo tiêu chuẩn BAP của Mỹ". Theo ông Ngô Quang Trường, khi thị trường của các nước thành viên TPP rộng mở thì tiêu chuẩn về nguyên liệu cá tra nuôi phải được nâng cấp lên tương đồng với thị trường Mỹ. DN muốn tham gia vào thị trường này phải từng bước thích nghi, từng bước trang bị những điều kiện cần thiết để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Có nhiều cách để thích nghi TPP nhưng quan trọng nhất chính là ý chí của doanh nghiệp lúc nào cũng phải vững vàng và tự tin để bước vào sân chơi mới này.

Để hỗ trợ DN xuất khẩu, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng đã yêu cầu các sở, ban, ngành hữu quan, các Hiệp hội DN tiếp tục đồng hành, sát cánh cùng DN. Kịp thời nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ DN xuất khẩu trong việc thu mua nguyên liệu đầu vào phục vụ chế biến, hỗ trợ tuyển dụng lao động để đảm bảo lực lượng công nhân lành nghề cho các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu. Các DN cũng cần chủ động theo dõi, cập nhật các thông tin về hội nhập và việc tận dụng các ưu đãi thuế quan từ các FTA. Thành phố sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ cho DN tiếp cận các nguồn lực tài chính để đầu tư hạ tầng, thu mua nguyên liệu chế biến trong khuôn khổ các chính sách quy định của nhà nước. Đặc biệt là sẽ tăng cường kết nối giữa các đơn vị sản xuất kinh doanh, DN xuất khẩu với các ngân hàng thương mại để thuận lợi tiếp cận vốn vay, phục vụ sản xuất và xuất khẩu.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết