02/10/2017 - 21:45

Tầm soát phát hiện sớm 2 loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ 

Theo giới chuyên môn, ung thư (UT) vú và cổ tử cung (CTC) là loại UT phổ biến hàng đầu ở phụ nữ Việt Nam. Hiện nay, ước tính mỗi năm cả nước có trên 11.000 ca mới mắc và khoảng 4.500 ca tử vong do UT vú. UT CTC đứng hàng thứ 2 với khoảng 5.100 ca mắc mới và 2.400 ca tử vong. Đa số người bệnh đến khám khi UT đã tiến triển, di căn nên tiên lượng thường xấu, thời gian sống trên 5 năm chỉ đạt 18% - 85%, tùy giai đoạn. Tầm soát là biện pháp hữu hiệu nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh, điều trị sớm, giảm tử vong...

“Ngại” khám

UT, căn bệnh ám ảnh của tất cả mọi người. Tuy nhiên, nhiều bệnh UT có thể tầm soát, phát hiện sớm và điều trị hiệu quả. Đơn cử như hai loại UT phổ biến ở phụ nữ là UT vú và CTC. Với UT CTC, giai đoạn Zero, I; tỷ lệ sống 5 năm 100%; II là 86%; III là 57% và giai đoạn IV còn 27%.

Bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ siêu âm vú. Ảnh: H.HOA

Tuy nhiên, phần lớn chị em phụ nữ chưa có thói quen khám, tầm soát 2 căn bệnh này do nhiều nguyên nhân khác nhau. Chị Nguyễn Thị Nhung, nhà ở đường Nguyễn Văn Cừ, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ rất ngạc nhiên khi biết có thể tầm soát, phát hiện sớm bệnh UT.

Chị Nhung cho biết: “Tôi biết UT là bệnh nan y, tôi tưởng “trời kêu ai nấy dạ”, chứ không biết bệnh này có thể phát hiện sớm và điều trị khỏi”. Nhiều phụ nữ lại ngại đi khám tầm soát.

Chị Lê Thị Thu Thủy, ấp Trường Khương, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền nói: “Ở xã gởi thơ mời đi khám tầm soát UT vú, CTC và đại trực tràng ở Bệnh viện (BV) Ung bướu TP Cần Thơ, tôi mắc cỡ, thấy trong mình cũng bình thường nên không muốn đi nhưng con làm việc trong ngành y tế năn nỉ, chị em trong xóm rủ đi, lại được khám miễn phí nên tôi mới đi”.

Qua hỏi thăm ngẫu nhiên 5 chị phụ nữ từ 50-70 tuổi tại buổi khám thì tất cả 5 chị đều chưa từng đi khám tầm soát UT. Hiện nay, nhiều cơ quan, đơn vị thấy được tầm quan trọng của việc khám, tầm soát bệnh UT nên tổ chức cho cán bộ, nhân viên đi khám nhưng số lượng người đi khám còn ít; thậm chí ngay cả cán bộ, nhân viên y tế cũng vậy.

Giữa tháng 9-2017, tại TP Cần Thơ, Quỹ hỗ trợ bệnh nhân UT - Ngày mai tươi sáng, BV K, Quỹ  Thiện tâm và BV Đa khoa quốc tế Vinmec phối hợp BV ở các địa phương, trong đó có TP Cần Thơ, thực hiện khám, sàng lọc 3 bệnh UT: CTC, vú và đại trực tràng. Qua khám tầm soát 350 ca, nghi ngờ 2 ca bị UT CTC và 2 ca UT vú. Bệnh viện đang mời bệnh nhân đến tư vấn và làm các cận lâm sàng, xét nghiệm… chẩn đoán chính xác bệnh. 

Từ tháng 9 đến tháng 12-2017, dự án “Thúc đẩy kiểm soát UT tại Việt Nam” được triển khai khám sàng lọc UT vú và CTC cho 10.000 phụ nữ ở TP Cần Thơ. Cả hai hoạt động này đều nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng và phát hiện sớm bệnh UT, tạo thói quen cho người dân chủ động khám sàng lọc định kỳ để phát hiện UT.

Tầm soát bằng các biện pháp đơn giản

Theo thạc sĩ Bùi Thị Hải Đường, BV K (Hà Nội), đối tượng nên sàng lọc UT CTC từ  21-70 tuổi, đã có quan hệ tình dục. Trong đó, từ 21-29 tuổi: sàng lọc 2 năm/lần; từ 30-70 tuổi: 2 năm/lần (nếu 3 lần liên tiếp âm tính thì 3 năm/lần).

Các kỹ thuật sàng lọc UT CTC gồm: Quan sát CTC với acid acetic (VIA), quan sát CTC với Lugol (VILI), xét nghiệm tế bào CTC, xét nghiệm ADN HPV.

Dự án “Thúc đẩy kiểm soát UT tại Việt Nam” triển khai tầm soát bằng VIA. Đây là nghiệm pháp chấm CTC bằng dung dịch acid acetic 3-5% và quan sát bằng mắt thường để phát hiện những bất thường bao gồm các tổn thương tiền UT.

Đây là phương pháp đơn giản, rẻ tiền, dễ thực hiện, cho kết quả nhanh, không lệ thuộc vào phòng xét nghiệm, tương đối chính xác, rất thích hợp cho những nơi có điều kiện kinh tế và y tế hạn chế như các trạm y tế, trung tâm y tế ở vùng xa, vùng sâu.

VIA có thể thực hiện vào bất kỳ lúc nào, ngay cả khi có kinh nguyệt (trừ khi ra huyết quá nhiều), trong khi có thai, khám hậu sản hoặc kiểm tra sau nạo thai.

Với UT vú, ở độ tuổi 45 - 54 thì nên khám tầm soát bằng nhũ ảnh mỗi năm một lần. Từ 55 tuổi trở lên, người bệnh có thể khám tầm soát 2 năm/lần hoặc họ có thể chọn lựa tiếp tục mỗi năm một lần.

Những phụ nữ nên tầm soát UT vú từ độ tuổi 30, mỗi năm/lần bằng nhũ ảnh và MRI gồm:

- Nhóm phụ nữ có đột biến gen BRCA1 và BRCA2 (khi bản thân mang gen đột biến này nguy mắc bệnh UT vú trong suốt cuộc đời là 85%);

- Có mẹ, chị em hoặc con có đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2 mà bản thân người này chưa xét nghiệm gen này; có mẹ, chị em hoặc con bị mắc UT vú trước tuổi mãn kinh;

- Có xạ trị vào thành ngực trước đây ở độ tuổi 10 - 30 tuổi; có các hội chứng bệnh di truyền như: Li-Fraumeni, Cowden, Bannayan-Riley-Ruvalcaba hoặc có cha mẹ, anh, chị hoặc con bị các bệnh này;

- Đã bị mắc UT vú trước đây, UT vú ống tuyến tại chỗ (DCIS), UT vú tiểu thùy tại chỗ (LCIS), tăng sản ống tuyến không điển hình (ADH) hay tăng sản tiểu thùy không điển hình (ALH) hoặc UT buồng trứng;

-Người có mô tuyến vú quá dầy trên phim nhũ ảnh. 

Ngoài ra, phụ nữ từ 20 tuổi trở lên nên tự khám vú sau khi sạch kinh từ 5-10 ngày, chú ý các đặc điểm sau: Mất cân đối 2 bên vú mới đây; thay đổi màu sắc da; tiết dịch núm vú bất thường; da ghồ ghề hoặc lõm; tụt đầu vú mới đây; có khối u hạch nách. Đối với phụ nữ còn kinh nguyệt thì nên khám vú vào thời điểm vài ngày sau khi hành kinh.

Ngày nay có rất nhiều phương tiện để tầm soát phát hiện sớm UT vú, tuy nhiên nhũ ảnh vẫn là phương tiện chính. MRI và siêu âm hỗ trợ nhũ ảnh trong nhiều trường hợp cần thiết.

Hiện nay, vẫn chưa có một quy chuẩn bắt buộc phụ nữ ở độ tuổi nào thì phải tầm soát mà còn tùy thuộc nhiều vào từng cá thể. Xét nghiệm máu CA 15-3 không giúp phát hiện sớm UT vú. Khi khám và chụp nhũ ảnh có nghi ngờ UT vú, bệnh nhân sẽ được làm FNA (chọc hút tế bào bằng kim nhỏ) và sinh thiết (có thể bằng phẫu thuật hoặc bằng kim lõi).

H.HOA

Chia sẻ bài viết