23/06/2014 - 22:38

Tam Bình phát triển thương hiệu cam sành

Mùa cam sành ở miền Tây.

Ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, nằm hai bên bờ sông Măng Thít, cách TP Vĩnh Long 32 km, cách TP Cần Thơ 28 km - từ lâu nổi tiếng thương hiệu cam sành ngọt lịm. Huyện có 7.400 ha vườn cây ăn trái, những năm gần đây Tam Bình nhân rộng phong trào cải tạo vườn tạp thành vườn chuyên canh, đã có trên 2.000 ha vườn cam sành trái ngon, cho thu nhập ổn định...

* Chuyển đổi cách làm

Về Tam Bình mùa thu hoạch trái cây năm nay, râm ran nghe nhà vườn bàn tính: Năm nay hàng trái cây miền Tây có hai loại trái "hốt bạc" là bưởi da xanh và cam sành, không rớt giá. Tuy nhiên, với cách làm ăn riêng lẻ thiếu liên kết, kỹ thuật chăm sóc không đồng đều giữa các nhà vườn là điểm yếu lớn nhất khiến cam sành Tam Bình khó đạt giá trị tăng cao.

Ở xã Bình Ninh, anh Nguyễn Văn Năm nhà nghèo, có vỏn vẹn 3 công đất. Anh cần mẫn vét ao, đắp bờ sửa sang lại vườn nhà, học kỹ thuật trồng cam sành. Năm nay hái lứa trái đầu anh bán cho nhà vựa giá 28.000 đồng/kg, thu được trên 18 triệu đồng. Nhưng trong vườn vẫn còn lứa trái trên cây anh hy vọng sẽ thu được nhiều hơn số tiền bán cam đợt vừa rồi... Thay đổi cách làm đúng hướng, bài toán thu nhập cho nông hộ nghèo - như trường hợp của anh tạm gọi đã tìm ra lời giải.

Ông Phan Kiên Nhẫn, nông dân nhạy bén với kỹ thuật trồng cam sành ở xã Tường Lộc, huyện Tam Bình "bắt mạch" được cách làm mới, anh dẫn giải: Cây cam sành rất phù hợp với đất Tam Bình, cho thu nhập cao. Nhưng nông dân chưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thiếu chăm sóc hoặc đầu tư không đúng sẽ làm tuổi thọ cây và năng suất trái giảm. Nhà vườn trồng cam lo sợ bệnh vàng lá gân xanh (Greening). Từ năm 2001, tôi đăng ký tham gia dự án JICA-SOFRI (Tăng cường hệ thống khuyến nông để áp dụng hệ thống canh tác và kỹ thuật trồng trọt hiệu quả hơn) do tổ chức JICA (Nhật Bản) tài trợ. Trên đất vườn 5.000m2, tôi trồng 200 gốc cam sành, áp dụng theo kỹ thuật mới trên bờ bao trồng cây chắn gió là dừa xiêm lùn xen cây xà cừ. Sau 2 năm thu lứa trái đầu 1,5 tấn bán được 20 triệu đồng. Từ đầu năm 2014 đến nay tôi thu 1,5 tấn bán được giá, thu trên 30 triệu đồng. Từ nay đến cuối năm cam trong vườn còn khoảng 4 tấn. Vườn cây tốt tươi, chỉ có khoảng 20 cây, chiếm khoảng 10% nhiễm bệnh vàng lá.

Nếu chí thú làm vườn, chịu học hỏi ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tốt, thậm chí thuê đất trồng cam vẫn có thể khá giàu. Đó là cách làm vườn của ông Phan Hữu Kiệt, ở xã Tường Lộc, huyện Tam Bình. Ông Kiệt kể: Từ năm 2008-2009 tôi tham quan những vườn trồng cam đạt hiệu quả. Trở về, năm 2009 tôi thuê 7.000 m2 đất ở xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn mua 1.700 cây giống cam sành trồng. Sau 20 tháng, tôi thu hoạch được 18 tấn bán 270 triệu đồng, trừ chi phí 150 triệu đồng và tiền thuê đất 105 triệu đồng trong 4 năm, tôi còn lãi 15 triệu đồng. Năm tiếp theo thu hoạch 45 tấn bán 750 triệu đồng, trừ chi phí 150 triệu đồng, còn lãi 600 triệu đồng. Đến năm sau đó tuy năng suất có phần giảm sút, nhưng cứ 2 tháng hái trái bán thu 30 triệu đồng, tính gộp cả năm 140 triệu đồng. Sau đó tôi trở về xã Tường Lộc mua 6.500 m2 đất và thuê thêm 6.500 m2 lập vườn mới, trồng 3.500 cây cam sành.

* Liên kết mở rộng thị trường

Năm nay mùa nóng kéo dài, thị trường các loại trái cây có tính giải nhiệt tiêu thụ giá tốt. Vào mùa cao điểm, tổng số lượng cam ở Tam Bình lên tới 50-70 tấn/ngày vẫn tiêu thụ hết. Thị trường trong nước, nhất là các tỉnh phía Bắc và các nước trong khu vực như Trung Quốc, Campuchia tiêu thụ cam sành rất mạnh. Tuy nhiên, theo các chủ vựa kinh doanh hàng trái cây tại Tam Bình, cam sành năm nay hút hàng còn do nguồn cung không đáp ứng được nhu cầu. Sản lượng thu mua giảm 50% so cùng kỳ các năm trước. Vừa qua lúc vào mùa cao điểm thu mua chỉ được 1-2 tấn/ngày, trong khi so cùng kỳ các năm trước mức thu mua bình quân trên 4-5 tấn/ngày. Hiện nay một số nhà vườn gặp khó bởi tình trạng dịch bệnh vàng lá gân xanh, vàng lá thối rễ đã làm ảnh hưởng chất lượng, trái nhỏ, da cám, da sần, độ ngọt không cao.

Anh Tại, chủ vựa cam ở Tam Bình, nói: Cam Tam Bình có đăng ký thương hiệu, chất lượng ngon dễ bán. Tôi có hai vựa cam, tổng lượng hàng thu mua ít nhất 20 tấn/ngày, sản phẩm chủ yếu bán các tỉnh phía Bắc giá hàng lựa 42.000 đồng/kg, hàng rớt lại giá 18.000-25.000 đồng/kg.

Các nhà vườn như ông Nhẫn, ông Kiệt, cho rằng: Để có sản lượng cam tăng lên, chất lượng cam ngon ngọt hơn, nhà vườn đang cần sự hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ nông nghiệp địa phương hay nhân rộng mô hình như dự án JICA-SOFRI, tập huấn chuyển giao kỹ thuật quản lý dịch hại. Mặt khác muốn cam sành tiêu thụ ổn định, các nhà vườn cần liên kết, thành lập hợp tác xã hay tổ sản xuất nâng cao hiệu quả trồng cam sành sản xuất theo tiêu chuẩn hàng ngon bán vào siêu thị giá sẽ tốt hơn. Đây cũng chính là chủ trương của huyện Tam Bình mở hướng kết nối cung-cầu nâng cao giá trị nông sản.

Ông Phan Nhật Ái, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, cho biết: Hướng phát triển nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long định hình rõ rệt nhiều vườn cây ăn trái chuyên canh lớn, như: cam sành trên 7.800 ha, nhãn 9.000 ha; xoài trên 4.000 ha… Sản lượng của mỗi huyện tuy ít, nhưng toàn tỉnh gộp lại sẽ có sản lượng lớn. Các cơ quan chuyên ngành nông nghiệp trong tỉnh đang thực hiện hỗ trợ kỹ thuật sản xuất mới, tiên tiến, vườn cây ăn trái liên kết sản xuất như trên cánh đồng lớn và tiến tới cơ giới hóa. Muốn như vậy cần có hợp tác xã làm đầu mối tổ chức sản xuất, ký kết, mở rộng khâu tiêu thụ nông phẩm. Hiện nay, Vĩnh Long có 3 hợp tác xã nông nghiệp đạt chuẩn GlobalGAP, VietGAP. Đó là bước chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng sản xuất nông phẩm đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu đặt hàng của doanh nghiệp.

Bài, ảnh: HỮU ĐỨC

Chia sẻ bài viết