16/08/2021 - 21:05

Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan 

Sau khi chiếm Phủ Tổng thống Afghanistan ở thủ đô Kabul mà không cần phải giao tranh, Taliban tuyên bố chiến tranh đã kết thúc và kêu gọi hòa bình với cộng đồng quốc tế.

Lực lượng Taliban bên trong Phủ Tổng thống Afghanistan hôm 15-8. Ảnh: Al Jazeera

Taliban chiếm được Kabul hôm 15-8 sau một đợt tấn công chớp nhoáng kéo dài 11 ngày vào các thành phố của Afghanistan. Trước đó, phe nổi dậy này đã kiểm soát hầu hết khu vực nông thôn ở quốc gia Tây Nam Á cùng với các cửa khẩu quan trọng. Khi Taliban tiến vào Kabul, Tổng thống Ashraf Ghani đã rời khỏi đất nước (có tin là đến Uzbekistan) với lý do muốn tránh đổ máu, đưa nhóm phiến quân Hồi giáo tiến đến việc tiếp quản đất nước sau 20 năm bị liên quân do Mỹ dẫn đầu lật đổ.

Tại Phủ Tổng thống, phát ngôn viên văn phòng chính trị của Taliban Mohammad Naeem khẳng định họ đã “đạt được mục tiêu tự do cho đất nước và độc lập cho người dân”. Ông Naeem nhấn mạnh Taliban tôn trọng quyền và tự do của phụ nữ và các dân tộc thiểu số trong khuôn khổ luật Hồi giáo. Taliban cam kết sẽ không cho phép bất cứ ai sử dụng lãnh thổ Afghanistan để tấn công nước khác và lực lượng này cũng không muốn làm hại người khác.

Ồ ạt tìm đường rời khỏi Afghanistan

Trong lúc kiểm soát Kabul, Taliban cho biết không cơ quan ngoại giao hay bất cứ trụ sở nào ở Afghanistan bị nhắm mục tiêu, đồng thời hứa sẽ đảm bảo an toàn cho công dân và các phái bộ ngoại giao. Tuy nhiên, nhiều phái đoàn ngoại giao, công dân nước ngoài và một số người Afghanistan đã hối hả dồn về sân bay quốc tế Hamid Karzai ở Kabul để chuẩn bị rút đi. Tình hình tại sân bay trở nên hỗn loạn đến mức lực lượng an ninh Mỹ có lúc phải bắn chỉ thiên để giữ trật tự. Sân bay này hiện do quân đội Mỹ điều hành và là một trong những địa điểm cuối cùng chưa bị Taliban chiếm giữ ở Kabul.

Các nước cũng điều thêm máy bay quân sự đến sân bay để sơ tán công dân sớm nhất có thể. Toàn bộ nhân viên sứ quán Mỹ tại Kabul đã di chuyển về sân bay Hamid Karzai. Ít nhất 500 nhân viên Chính phủ Mỹ được cho là đã rời đi trên các máy bay của quân đội và Bộ Ngoại giao. Theo kế hoạch, lực lượng Mỹ sẽ giúp hàng ngàn người sơ tán mỗi ngày nhưng cần mất vài ngày để mở rộng tần suất các chuyến bay. Ðến nay, tổng số binh sĩ Mỹ được điều động hỗ trợ việc sơ tán khỏi Afghanistan đã lên tới 6.000 người.

Chen chúc ở sân bay Hamid Karzai để rời Afghanistan. Ảnh: New York Times

Sáng 16-8, Mỹ và hơn 65 quốc gia đã kêu gọi Taliban để người Afghanistan có nguyện vọng rời đi, cảnh báo hậu quả nếu nhóm này ngăn cản người di tản. Hãng tin Reuters dẫn lời một thủ lĩnh giấu tên của Taliban cho rằng lực lượng này đang tập hợp các tay súng từ những tỉnh khác về Kabul và đợi đến khi toàn bộ người nước ngoài rời khỏi Afghanistan mới bắt đầu lập chính quyền mới.

Tương lai Afghanistan thời hậu chiến

Sau khi tuyên bố kiểm soát Phủ Tổng thống Afghanistan, Taliban cho biết sẽ sớm công bố cách thức điều hành đất nước và hình mẫu thể chế.

Trong cuộc phỏng vấn với Kênh CNN, phát ngôn viên của Taliban là Sohail Shaheen nói rằng chính phủ mới do Taliban lãnh đạo sẽ bao gồm cả những người Afghanistan không thuộc lực lượng này. Khi được hỏi liệu Taliban có kêu gọi cảnh sát và binh sĩ Afghanistan tham gia lực lượng an ninh Taliban hay không, ông Shaheen cho biết tất cả những ai giao nộp vũ khí và gia nhập Taliban sẽ được ân xá và được đảm bảo về tính mạng, cuộc sống và tài sản. Trước đó, Taliban thông báo sẽ sớm công bố Tiểu vương Hồi giáo Afghanistan. Tên gọi này nếu được công bố sẽ mang nhiều ý nghĩa tượng trưng cho tên gọi dưới chính quyền của Taliban từ năm 1996, trước khi bị các lực lượng do Mỹ dẫn đầu phế truất vào năm 2001 sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9 ở Mỹ.

Trong giai đoạn 1996-2001, Taliban thiết lập các quy tắc Hồi giáo nghiêm ngặt, đặc biệt là đối với phụ nữ Afghanistan. Trẻ em gái thời kỳ đó không được tiếp cận với giáo dục, phụ nữ bắt buộc mặc trang phục trùm kín từ đầu đến chân. Giới chuyên gia nhận định sự trở lại của Taliban có thể sẽ đảo ngược nhiều cải cách cởi mở hơn đối với phụ nữ nước này trong 20 năm qua.

Dù vậy, trong cuộc phỏng vấn với chuyên san Foreign Policy cách đây 2 tháng, người phát ngôn Zabihullah Mujahid của Taliban tuyên bố nhóm muốn toàn bộ phụ nữ đều được đảm bảo có quyền nhưng phải phù hợp với quy tắc và luật pháp địa phương. Người này mô tả Afghanistan thời hậu chiến sẽ là đất nước tuân thủ luật pháp, là một thành viên của cộng đồng quốc tế, mở mang kinh doanh, hòa thuận cả bên trong lẫn với láng giềng và thế giới. Theo ông Mujahid, mục tiêu của Taliban là tạo ra một chính quyền Hồi giáo dành cho toàn bộ người Afghanistan.

Những năm qua, Taliban đã đầu tư nhiều vào nỗ lực tiếp xúc ngoại giao, giảm sự phụ thuộc vào Pakistan và tìm cách nâng cao sự công nhận của quốc tế. Bằng chứng là nỗ lực của Taliban để mở văn phòng chính trị tại Doha (Qatar) năm 2013. Từ cuối năm 2018, Mỹ và Taliban tham gia vào cuộc đối thoại trực tiếp tại Doha và đạt thỏa thuận vào tháng 2-2020, đặt nền tảng cho đối thoại nội bộ Afghanistan. Taliban cũng tham gia đối thoại với các bên tại Mát-xcơ-va (Nga). Các cuộc đối thoại đã giúp gia tăng sự công nhận của quốc tế đối với Taliban.

Taliban hôm 15-8 khẳng định họ không muốn bị cô lập và hy vọng thiết lập các mối quan hệ với cộng đồng quốc tế. Phát ngôn viên Naeem cho biết Taliban hiện có một số kênh liên lạc với các quốc gia bên ngoài và mong muốn phát triển những kênh này. Người phát ngôn Taliban nói: “Chúng tôi sẽ đề nghị tất cả các quốc gia và thực thể ngồi lại với chúng tôi để giải quyết mọi vấn đề”.

Trước những diễn biến mới nhanh chóng tại Afghanistan, giới chức ngoại giao Nga đã có những tuyên bố đầu tiên. Ngày 16-8, Zamir Kabulov, Ðại diện đặc biệt của Tổng thống Nga tại Afghanistan, bày tỏ hy vọng thiết lập mối quan hệ hữu nghị giữa Mát-xcơ-va và ban lãnh đạo mới của Afghanistan. Vị này cũng khẳng định Nga sẽ không vội vàng công nhận chế độ Taliban và cho biết Ðại sứ quán Nga tại Kabul tiếp tục hoạt động bình thường. Theo ông Kabulov, Nga là một trong số các nước được Taliban đảm bảo rằng các phái bộ ngoại giao của họ không bị đe dọa.

Mỹ thừa nhận sai lầm

Sự sụp đổ nhanh chóng của quân đội Afghanistan đã khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden và các quan chức cấp cao trong chính quyền bất ngờ. Chỉ mới tháng trước, Washington tin rằng chính quyền Afghanistan có thể trụ vững trong vài tháng, đủ thời gian để lực lượng Mỹ rút quân trong trật tự. Thế nhưng cuộc rút quân giờ biến thành nhiệm vụ sơ tán khẩn cấp. “Chúng tôi thấy rằng lực lượng vũ trang quốc gia Afghanistan đã không thể phòng thủ đất nước. Và điều đó đã xảy ra nhanh hơn chúng tôi dự tính”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói hôm 15-8.

Một số nghị sĩ Quốc hội đang yêu cầu chính quyền cung cấp thêm thông tin về việc vì sao tình báo Mỹ đánh giá sai lầm tình hình thực địa và vì sao các kế hoạch sơ tán mạnh mẽ hơn để chuẩn bị cho tình huống bất thường không được triển khai. Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Mỹ - ông Kevin McCarthy gọi tình hình ở Kabul là “kết quả tồi tệ nhất có thể xảy ra”.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, tuy Lầu Năm Góc đã lên kế hoạch cho “những khả năng tiềm tàng” tại Afghanistan, nhưng sự phản kháng yếu ớt của quân đội nước này trước lực lượng Taliban khiến Washington “vô cùng bối rối”. Ông nhấn mạnh: “Họ (quân đội Afghanistan) có mọi lợi thế, họ đã được lực lượng liên quân của chúng tôi huấn luyện trong suốt 20 năm, có một lực lượng không quân hiện đại, trang thiết bị và vũ khí chất lượng. Nhưng bạn không thể mua được ý chí và bạn không thể mua được quyền lãnh đạo. Và đó thực sự là những gì còn thiếu trong tình huống này.”

Bình luận về diễn biến trên, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng ông Biden nên từ chức vì những điều đã làm tại Afghanistan là một trong những thất bại nặng nề nhất trong lịch sử xứ cờ hoa.

Trong cuộc họp thông báo nhanh tình hình tại Afghanistan cho các thượng nghị sĩ Mỹ ngày 15-8, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân - Tướng Mark Milley cho biết các tổ chức khủng bố như Al-Qaeda có thể tái hợp ở Afghanistan sớm hơn hai năm so với thời điểm giới chức quốc phòng Mỹ từng dự báo. 

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết