09/01/2018 - 09:29

Tái thông mạch não - Cơ hội sống cho bệnh nhân đột quỵ 

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTƯCT) vừa tổng kết quá trình theo dõi 30 bệnh nhân (BN) bị đột quỵ được điều trị tái thông mạch não cấp cứu; trong đó, khoảng 80% bệnh nhân cải thiện về tri giác và vận động. Đó là kết quả điều trị ban đầu do phân khoa can thiệp mạch não thực hiện và cũng là tin vui cho bệnh nhân đột quỵ.

Bệnh nhân bị đột quỵ, thiếu máu não được điều trị tái thông mạch não bằng thuốc tiêu sợi huyết.

Bệnh nhân bị đột quỵ, thiếu máu não được điều trị tái thông mạch não bằng thuốc tiêu sợi huyết.

Đột quỵ não là một bệnh lý phổ biến trên thế giới, hiện là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 2  ở người trưởng thành, sau ung thư. Tại Việt Nam, tần suất mới mắc đột quỵ não 137 người/100.000 người/năm. Đột quỵ có tỷ lệ tử vong cao, di chứng của đột quỵ não làm tăng tỷ lệ bệnh tật và gánh nặng y tế, kinh tế- xã hội...

Các liệu pháp điều trị đột quỵ thiếu máu não cấp đang được sử dụng là: tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch và can thiệp nội mạch bằng dụng cụ (lấy huyết khối bằng dụng cụ). Các liệu pháp này bổ sung cho nhau, có mục đích làm tái thông mạch máu não càng sớm càng tốt. BVĐKTƯCT đang triển khai cả hai kỹ thuật này. Từ tháng 12-2016 đến tháng 5-2017, BVĐKTƯCT tiếp nhận khoảng 30 BN nhập viện sớm và được chỉ định tái thông mạch não cấp cứu. Phần lớn những BN này được điều trị bằng tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch.

Trong số những BN được điều trị, độ tuổi trung bình khoảng 63, cân nặng khoảng 58kg. Các bệnh lý kèm theo thường gặp là: tăng huyết áp (53% BN), đái tháo đường (7% BN), bệnh van tim (7% BN); số BN còn lại chưa phát hiện có bệnh kèm theo. Tại thời điểm nhập viện, 53% BN bị mất chức năng vận động và tri giác khá nặng, không thể đi lại được và không tự chăm sóc bản thân. Thời gian người thân đưa BN đến BV mất trung bình khoảng 90 phút và cần thêm khoảng 70 phút để BV làm các xét nghiệm chẩn đoán bệnh trước khi được điều trị đặc hiệu. Về nguyên tắc điều trị, BN đột quỵ thiếu máu não cấp cần được tái thông mạch não càng sớm càng tốt. Theo các nghiên cứu của BV, nếu BN bị đột quỵ được điều trị tái thông mạch não trong 3 giờ đầu kể từ khi khởi phát triệu chứng thì trong 3 BN sẽ có 1 BN cải thiện về tri giác và vận động. Nếu điều trị trong khoảng 3- 4,5 giờ: 6 BN chỉ có khoảng 1 BN cải thiện. Điều quan trọng là với mọi mức độ nặng, người bệnh đều có lợi ích khi được can thiệp sớm.

Theo các bác sĩ, liệu pháp tái thông mạch não bằng thuốc tiêu sợi huyết cho thấy có khoảng 80% BN được tái thông; 20% còn lại tắc ở các vị trí động mạch cảnh trong, động mạch não giữa và động mạch thân nền. Những BN còn tắc mạch lớn này được chỉ định can thiệp nội mạch lấy huyết khối bằng dụng cụ. Sau khi được điều trị, thời gian nằm viện trung bình khoảng 3 ngày. Khoảng 60% các BN xuất viện không có di chứng, hoặc di chứng nhẹ ảnh hưởng không đáng kể đến sinh hoạt.

Trong số 30 BN nhập viện, có 2 BN tử vong. Bác sĩ Hà Tấn Đức, Phó Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Trưởng Phân khoa Can thiệp mạch não- BVĐKTƯCT cho biết, 2 trường hợp này do tổn thương quá nặng, mất nhiều thời gian đưa BN đến BV kể từ khi khởi phát bệnh. Do đó, khi phát hiện BN đột ngột mất tri giác, nói ngọng, liệt mặt (gây méo miệng), hoặc tê/ liệt nửa người, cần nhanh chóng đưa đến trung tâm y khoa có điều trị can thiệp mạch não. Mỗi phút trôi qua, BN chưa được tái thông mạch não, tổn thương não càng trầm trọng thêm. Khung giờ vàng có thể lên tới 6 giờ kể từ khi khởi phát triệu chứng, tốt nhất là trong 3 giờ đầu. Những BN có bảo hiểm y tế sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi bảo hiểm vì đây là một bệnh cảnh cấp cứu.

Ô nhiễm không khí liên quan đến đột quỵ ở người trẻ

Theo bác sĩ Hà Tấn Đức, yếu tố nguy cơ gây đột quỵ: tăng huyết áp, hút thuốc lá, lạm dụng bia rượu, sử dụng thuốc ngừa thai, béo phì, ô nhiễm không khí, đái tháo đường, rối loạn lipid, hội chứng ngưng thở lúc ngủ.

Vấn đề là rất ít người quan tâm đến yếu tố ô nhiễm không khí có thể gây đột quỵ. Theo các nghiên cứu ở quốc tế, người sống ở đô thị, gần đường giao thông, khu vực khói bụi, ô nhiễm có tỷ lệ bị đột quỵ cao hơn dân ở nông thôn. Đây là yếu tố nguy cơ có thể gây đột quỵ ở người trẻ. Trong các BN được can thiệp bằng thuốc tiêu sợi huyết tại BVĐKTƯCT, có BN chưa đến 30 tuổi.

H.HOA

Chia sẻ bài viết