Ai cũng nghĩ rằng tán gẫu hàng ngày là trao đổi những ý tưởng hữu ích, nhưng thật ra lại nói về người khác. Gần đây, lý do chúng ta “tám” chuyện đã được giải thích dưới góc độ khoa học.
Ảnh: Chicago Tribune
Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ đăng trên tạp chí Khoa học tính cách và Tâm lý xã hội phát hiện trung bình một người dành khoảng 52 phút/ngày để tán gẫu. Điều ngạc nhiên là đa số không thì thầm vào tai đồng nghiệp những câu như “Chị có biết chuyện gì xảy ra cuối tuần qua không?”. Thay vào đó, họ chia sẻ thông tin của người khác cho bạn bè xung quanh. Theo các tác giả nghiên cứu, định nghĩa của tán gẫu là nói “sau lưng” người khác và chỉ trao đổi thông tin về đối tượng đó, chứ không nhất thiết phát tán tin đồn xấu hoặc những chuyện gây bối rối. Phần lớn trong ngần ấy thời gian là kể cho nhau nghe về những điều vô hại, đôi khi buồn tẻ trong cuộc sống thường nhật.
Vậy tại sao chúng ta lại bỏ ra gần một tiếng đồng hồ để “tám” như thế? Theo lý giải của Tiến sĩ Mark Leary- giáo sư về khoa học thần kinh và tâm lý tại Đại học Duke, tán gẫu vốn là một bản năng cơ bản của con người vì cuộc sống của chúng ta phụ thuộc rất lớn vào các nhóm. Chúng ta không chỉ sống theo nhóm, mà còn dựa vào những người trong nhóm để sinh tồn. “Con người cần thu thập thông tin của những người xung quanh nhiều nhất có thể để biết họ thuộc dạng nào, có thể tin tưởng hay không cũng như quan điểm và tính cách của họ…”- Tiến sĩ Leary lập luận.
Bản thân bạn cũng đang phụ thuộc vào gia đình để được yêu thương, trong một số trường hợp còn vì thức ăn và nhà ở. Bạn dựa vào bạn bè để có thể tương tác xã hội và gắn kết. Bạn cũng phải dựa vào “sếp” của mình để có tiền. Thế nên, trong trường hợp mẹ bạn cho hay là cha bị thất nghiệp, thì bạn biết rằng bản thân có thể phải tìm cách khác để có tiền thanh toán các chi phí. Tán gẫu là cách chúng ta tồn tại và thật ra điều này đã có từ rất lâu. Thời tiền sử, mỗi người đều phải dựa vào các thành viên khác trong bộ lạc để có thức ăn, nơi che mưa che nắng và được bảo vệ. Giả sử thành viên thường tìm kiếm thức ăn cho bạn đột ngột ngã bệnh, thì bạn có thể chết đói nếu không ai thông báo tin này.
Tham gia vào các cuộc tán gẫu không chỉ giúp chúng ta biết về đối tượng khác mà còn hiểu được người đang trò chuyện với mình. Bằng cách để ý người đối diện nói về ai/chủ đề gì, chúng ta có thể biết được nhiều điều về thái độ, niềm tin của họ và cái cách họ xử sự với người khác. Một nghiên cứu xuất bản hồi năm 2014 còn chỉ ra rằng “tám” chuyện cải thiện sự hợp tác trong nhóm và giúp các thành viên bớt ích kỷ hơn. Thậm chí nếu chúng ta không tham gia tán gẫu, mà chỉ nghe người trong cuộc kể lại về những gì họ suy nghĩ cũng rất quan trọng, bởi nhờ đó mà biết được họ có đáng tin hay không.
HẠNH NGUYÊN (Theo Health)