06/11/2016 - 09:36

Tác động toàn diện của âm nhạc đối với sức khỏe

Âm nhạc không chỉ khuấy động những buổi tiệc tùng, giúp bạn hồi tưởng những kỷ niệm đã qua hoặc mang đến một buổi tối thư giãn, "món ăn tinh thần" này còn ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe tổng thể của bạn.

Liều thuốc của tinh thần. Nghiên cứu cho thấy nghe nhạc có thể ảnh hưởng đến não một cách tích cực, từ đó làm giảm căng thẳng tinh thần (stress) cũng như các triệu chứng trầm cảm. Các chuyên gia ở Anh thậm chí còn cho rằng một số bài hát có thể làm giảm tới 65% mức độ lo âu. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu phát hiện âm nhạc có thể giúp cảm xúc của bạn thăng hoa và khiến bạn cảm thấy hạnh phúc hơn.

Âm nhạc là một “nguồn năng lượng” đối với cả thể chất lẫn tinh thần. Ảnh: Huffington Post. 

Tăng cường hoạt động cho não. Nghiên cứu cho thấy những người nghe nhạc thường xuyên đã cải thiện đáng kể sự tương tác giữa não trái và não phải. Do đó, âm nhạc được cho có vai trò như một bài tập thể dục dành cho não, giúp kích thích cơ chế truyền tín hiệu trong não.

Nâng cao hiệu quả rèn luyện thể thao và năng lực trí óc. Nghe nhạc có thể là chìa khóa thúc đẩy lưu thông sắt trong máu, nhờ đó tăng hiệu quả vận động. Không chỉ giúp tăng cường năng suất tập luyện, âm nhạc còn kích thích bạn chạy nhanh hơn và nâng cao sức bền.

Trong khi đó, một số nghiên cứu chứng minh rằng nhạc nền (background music) có khả năng cải thiện năng lực trí tuệ khi chúng ta cần tập trung cho công việc hoặc thi cử. Còn những bài hát sôi động thì có thế giúp bạn hoàn thành tốt nhiệm vụ có nhiều áp lực.

Giúp xoa dịu cơn đau thể chất và chữa lành "vết thương lòng". Một giai điệu giản đơn cũng giúp bạn dễ dàng vượt qua cơn đau thể chất do một căn bệnh mãn tính gây ra. Các nghiên cứu gần đây khẳng định âm nhạc có thể làm giảm cơn đau tới 21%, đồng thời mở ra hướng suy nghĩ tích cực hơn nhờ tác dụng cải thiện tâm trạng.

Khoa học cũng đã chứng minh nghe đi nghe lại những bài nhạc buồn sau khi tan vỡ một mối quan hệ sẽ giúp ích cho bạn. Điều này có vẻ lạ nhưng theo một nghiên cứu năm 2014, khi nghe những bài hát có giai điệu sầu muộn, người ta dễ đồng cảm và thấu hiểu nỗi buồn của người nghệ sĩ nhưng lại nhận thấy điều đó là không thật trong cuộc sống, từ đó cảm thấy nhẹ nhõm hơn.

Cải thiện giấc ngủ. Theo một nghiên cứu năm 2008, thưởng thức nhạc cổ điển có thể giúp giảm bớt các triệu chứng mất ngủ ở các sinh viên đại học, trong khi một nghiên cứu khác phát hiện âm nhạc có thể đưa bạn đến với trạng thái thiền định, tĩnh tâm.

Ổn định nhịp tim và cải thiện chức năng hô hấp. Đây là lợi ích bất ngờ của âm nhạc. Các chuyên gia cho rằng nhạc êm dịu có thể giúp tim thư giãn, đồng thời xoa dịu các cơ và mô ở phổi, từ đó ổn định hơi thở. Do vậy, nếu thường xuyên nghe nhạc, chức năng hệ hô hấp của bạn sẽ được cải thiện đáng kể, còn trong trường hợp bạn đang mắc các bệnh như viêm phổi, lao phổi hoặc cảm lạnh thông thường…, nghe nhạc được xem là "liều thuốc" đơn giản.

TRÍ VĂN (Theo Huffington Post, Times of Oman)

Chia sẻ bài viết