14/08/2012 - 20:48

Syrie rơi sâu vào khủng hoảng chính trị

Lo ngại của quốc tế về một Syrie thấp thoáng những tay súng al-Qaeda lên đến đỉnh điểm khi có thông tin cho thấy những lá cờ của các tay súng thuộc mạng lưới khủng bố này đã hiện hữu tại những khu vực do phe nổi dậy kiểm soát. Trong khi đó, phương Tây và phe đối lập tại Syrie ngày càng trở nên nghi kỵ lẫn nhau.

Phương Tây mất lòng tin ở SNC

Mỹ, Anh và Pháp đang cố giữ ảnh hưởng của họ đối với phe nổi dậy tại Syrie trong nỗi lo các quốc gia vùng Vịnh có thể chuyển sự ủng hộ của họ sang các nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan.

Cảnh tượng đổ nát của một tòa nhà ở thành phố Homs có thể phác họa hình ảnh một Syrie đang chìm sâu trong bất ổn. Ảnh: Guardian 

Washington, Luân Đôn và Paris hiện đều nhận thấy, những nỗ lực khuyến khích lực lượng đối lập thống nhất xung quanh Hội đồng Dân tộc Syrie (SNC) - tổ chức lưu vong chỉ huy cuộc nổi dậy hòng lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, đã thất bại.

Ausama Monajed, thành viên SNC đặt tại Anh thừa nhận: “SNC có thể thực hiện nhiệm vụ tốt và hiệu quả hơn khi thiết lập những hình thái trên mặt đất và vấn đề chính hiện nay là thống nhất các nhóm tham chiến trong một số khuôn khổ khác nhau. Nhưng điều đó không có nghĩa SNC sẽ đứng bên lề cuộc chơi. SNC vẫn là một tổ chức chính trị lớn nhất và có vai trò ngoại giao và chính trị trong cuộc nổi dậy ở Syrie”.

Syrie bị đình chỉ tư cách thành viên OIC

Một ngày trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) tại thánh địa Mecca của Arabie Séoudite,  Ngoại trưởng các nước thành viên OIC hôm 13-8 đã tham dự cuộc họp trù bị thảo luận các vấn đề liên quan tới Syrie tại thành phố Jeddah của Arabie Séoudite và đưa ra một nghị quyết, trong đó bao gồm việc đình chỉ tư cách thành viên của Syrie.

Tổng thư ký OIC Ekmeleddin Ihsanoglu cho biết Syrie không được tham dự và có thể hội nghị sẽ thông qua quyết định đình chỉ tư cách thành viên của nước này. Phản ứng trước động thái trên, Iran đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ và cho rằng điều này không mang ý nghĩa giải quyết vấn đề, ngược lại đang làm phức tạp thêm tình hình. “Mỗi quốc gia, đặc biệt những nước Hồi giáo là thành viên của OIC, nên hợp tác giải quyết vấn đề theo hướng mang lại hòa bình và ổn định trong khu vực” - Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi phát biểu trước báo giới tại Jeddah. Ngoài ra, ông Salehi cũng cho biết Tehran không tán thành bất kỳ sự can thiệp bên ngoài vào Syrie, bao gồm cả việc thiết lập “vùng cấm bay”.


VI VI (Theo Reuters, AFP)

Hôm 12-8, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã bay sang Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ tham dự cuộc gặp với các nhà hoạt động đối lập Syrie và thúc đẩy hợp tác quân sự và tình báo với Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ngăn chặn bạo lực lan rộng sang biên giới. Trước đó hai ngày, Anh cũng đưa ra tuyên bố sẽ dành cho các nhóm đối lập tại Syrie khoản viện trợ phi quân sự trị giá 5 triệu bảng Anh, động thái được cho là nhằm khẳng định tất cả đối tượng tiếp nhận phải là những tổ chức bên trong Syrie, vì vậy không có tên SNC. Cuộc gặp của bà Clinton tại Istanbul cũng có ý né tránh đề cập đến các nhóm lưu vong, vốn có ít ảnh hưởng đối với nội tình Syrie.

Trong khi đó tại Pháp, chính phủ của Tổng thống Francois Hollande đang đứng trước sức ép, cụ thể từ cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy, buộc can thiệp trực tiếp vào công việc của phe đối lập. Fabrice Balanche, chuyên gia về tình hình Syrie tại Đại học Lyon của Pháp cho rằng, Ngoại trưởng Laurent Fabius “nhận thấy Pháp đã đổ quá nhiều tiền vào SNC”. Ông Balanche nhận định, chính phủ đáng lẽ vứt bỏ gánh nặng phía sau Tướng Manaf Tlass - cựu Chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cộng hòa của Syrie - đào tẩu hồi tháng 7. Pháp hy vọng Quân đội Syrie Tự do (FSA) sẽ hợp nhất tổ chức xung quanh Tướng Tlass bằng cách tạo sự gắn kết với tay súng khác.

Những lá cờ đáng sợ của al-Qaeda

Thời gian gần đây, giới truyền thông Mỹ, từ Thời báo New York cho đến hãng tin AP, đều tranh cãi xung quanh sự hiện diện của các tay súng al-Qaeda trong các nhóm nổi dậy ở Syrie. Tuy nhiên, cuối cùng, nghi vấn trên đã gần như sáng tỏ qua các vụ đánh bom tự sát rung chuyển Syrie hay hàng loạt đoạn video cho thấy lực lượng nổi dậy treo cờ đen đặc trưng của al-Qaeda tại các vùng đất họ chiếm đóng.

Trong chuyến thăm các thị trấn bị phe nổi dậy chiếm giữ gần thành phố Aleppo, nhà báo người Đức Daniel Etter cho rằng sự hiện diện của các tay súng Hồi giáo cực đoan bên trong phe nổi dậy không phải là nhỏ. Tại cuộc gặp với chỉ huy phe nổi dậy Abu Anas ở thị trấn Azaz, nhà báo Etter đã miêu tả căn phòng của nhân vật này, ở đó có với một quyển kinh Koran, “thanh gươm bạc” trên bàn và một lá cờ đen treo phía trên.

Tương lai của Syria trở nên u ám bởi cái gọi là “cuộc cách mạng dân chủ” hiện nay ở Syrie đang bị al-Qaeda và các nhóm Hồi giáo quá khích “đánh cắp” - theo nhận định của nhà báo Rod Nordland trên Thời báo New York số ra gần đây.

THANH BÌNH (Theo Guardian, Atimes)

Chia sẻ bài viết