01/08/2017 - 11:36

Hưởng ứng Tuần lễ Thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ 1-7/8

Sữa mẹ là nguồn thực phẩm dinh dưỡng tự nhiên tốt nhất

Nuôi con bằng sữa mẹ là cách tốt nhất để cung cấp cho trẻ sơ sinh các chất dinh dưỡng cần thiết. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo trẻ sơ sinh cần được cho bú sớm và được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu.

Cho con những giọt sữa đầu tiên

Trẻ sơ sinh được tiếp xúc “da kề da” với mẹ tại Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ.

Một buổi sáng tháng 7-2017, chúng tôi đến thăm các bà mẹ tại phòng Hồi sức sau sinh, Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ. Chị Nguyễn Thị Mộng Kiều (23 tuổi, nhà ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy) vui vẻ cho biết: “Bé cân nặng 3,6kg. Tôi cũng nghe nói sau sinh bé được bú sữa non sẽ rất tốt vì có nhiều dinh dưỡng và kháng thể”.

Theo chị Kiều, sau khi lọt lòng, bé được cán bộ y tế bệnh viện hỗ trợ tiếp xúc “da kề da” với mẹ, bé được bú mẹ những giọt sữa đầu tiên.

Bác sĩ Văn Thúy Cầm, công tác tại Khoa Sanh, Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ, cho biết trong chuyển dạ, tuyến vú của sản phụ đã có hoạt động tiết sữa để chuẩn bị sữa cho bé sắp chào đời. Đó là sữa non. Sữa non chỉ có trong giai đoạn 72 giờ đầu sau sinh, tuy ít nhưng chứa hàm lượng dinh dưỡng cao và có nhiều kháng thể.

Hiện nay để khuyến khích trẻ được bú mẹ sớm ngay sau sinh, các bệnh viện trong cả nước đã thực hiện áp dụng phương pháp “da kề da” cho bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Phương pháp này có nhiều lợi ích giúp ổn định thân nhiệt, nhịp thở, nhịp tim cho bé, tăng sự tương tác giữa mẹ và bé, tăng tỷ lệ mẹ cho con bú và thời gian cho con bú.

Mẹ và con tiếp xúc “da kề da” và bé càng bú nhiều thì hoóc môn oxytocin càng tăng tiết nhiều. Hoóc môn này dẫn tới một loạt biến đổi tích cực cho mẹ: rút ngắn thời gian phục hồi, giảm huyết áp, mẹ cảm thấy hạnh phúc hơn, ít rơi vào trầm cảm, sữa về nhiều, tử cung co hồi cầm máu sau sinh. 

Nhiều lợi ích

Bác sĩ Cầm cho biết, nuôi con bằng sữa mẹ mang lại rất nhiều lợi ích, ngoài cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho bé trong 6 tháng đầu đời, còn có tính đề kháng giúp bé chống lại bệnh tật nhiễm trùng, đặc biệt là các nhiễm trùng từ đường tiêu hóa, hô hấp và da niêm.

Các nhà khoa học đã chứng minh những em bé không bú mẹ có nguy cơ cao mắc các bệnh viêm đường tiêu hóa, viêm hô hấp, nhiễm trùng tai, hội chứng trẻ đột tử, béo phì, và thường có chỉ số thông minh thấp hơn.

Cho con bú, giúp tử cung co hồi nhanh chóng như trước khi có thai, giúp giảm cân, ngủ ngon hơn; đồng thời có thể xem là một biện pháp ngừa thai sau sanh. Ngoài ra, còn có tác dụng bảo vệ sức khỏe bà mẹ, giảm nguy cơ ung thư vú và ung thư buồng trứng.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Sữa mẹ được chứng minh giá trị dinh dưỡng và miễn dịch, là nguồn thực phẩm dinh dưỡng tự nhiên tốt nhất và không tốn kém.

Theo bác sĩ Cầm, thực ra hiếm khi mẹ không đủ sữa, chỉ có một số ít bà mẹ không thể cho con bú được vì lý do sức khỏe. Nguyên nhân thường gặp nhất làm cho lượng sữa ít là do người mẹ không cho con bú sữa mẹ thường xuyên.

Một số bà mẹ những ngày đầu sau sinh, sữa về ít, sợ con không đủ sữa bú nên dặm thêm sữa công thức cho con mà không hiểu được rằng cần phải cho con bú để kích thích sữa ra nhiều. Nếu trẻ uống sữa ngoài thay thế sữa mẹ sẽ làm mẹ giảm tiết sữa, và cũng làm cho bà mẹ không đủ sữa nuôi con, có thể trẻ sẽ chọn sữa công thức mà không chịu bú mẹ. 

Trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ, để có đủ sữa, người mẹ cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng, ăn đa dạng các nhóm thực phẩm, uống đủ nước, nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc nặng. Và quan trọng là người mẹ phải giữ tinh thần luôn thoải mái, tránh stress, cho bú theo nhu cầu của bé, bất cứ khi nào bé đòi.

Nếu đi làm trở lại sau thời gian nghỉ thai sản và vẫn tiếp tục duy trì nuôi con bằng sữa mẹ, có thể vắt sữa vào những thời điểm nhất định và trữ sữa để có đủ cho bé dùng trong ngày.

HƯƠNG GIANG

Chia sẻ bài viết