02/11/2017 - 15:21

Sự lương thiện đáng quý trong “Bụi đời & Thục nữ” 

“Bụi đời & Thục nữ” là cuốn sách thứ 8 của tác giả Nguyễn Trí, cây bút gây chú ý trên văn đàn những năm gần đây với phong cách đặc trưng, “chuyên trị” những đề tài gai góc từ góc nhìn của những người bình dân nhất. Ở tiểu thuyết lần này, Nguyễn Trí xoáy sâu vào đạo đức, sự lương thiện của con người trong những môi trường sống khắc nghiệt.
Sách do NXB Văn hóa- Văn nghệ TP Hồ Chí Minh phối hợp Phương Nam Book phát hành năm 2017.

Vẫn văn phong bình dân pha chất bụi đời đặc trưng, nhưng lần này đặc biệt hơn, Nguyễn Trí để cho các “bợm nhậu” dẫn dắt câu chuyện, kể về số phận những con người đặc biệt. Bối cảnh câu chuyện trải dài từ một tiểu khu kinh tế của một lâm trường ở miền Đông đến thành phố hoa lệ, từ sau giải phóng đến thời buổi kinh tế thị trường. Tất cả tạo nên một bức tranh xã hội sống động, chân thực và đầy màu sắc.

Trong đó, nổi lên 2 số phận đặc biệt, kết nối và dẫn dắt đường dây cốt truyện. Đó là thầy Mẫn dạy Anh văn và Nguyễn Thị Huỳnh Yên, cô học trò nghèo ham học. Bối cảnh xã hội lúc bấy giờ còn nhiều khó khăn, cái nghèo đeo mang khiến nhiều người đánh mất phẩm chất, đạo đức và cả ý chí sinh tồn. Cũng có kẻ vì tiền, vì danh lợi, vì dục vọng mà làm chuyện sai trái… Thế nhưng, thầy Mẫn và Huỳnh Yên như những bông sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Thầy Mẫn đại diện cho giới trí thức, nghèo nhưng thanh sạch, sống có nghĩa, có tình. Còn Yên đại diện cho những đứa trẻ bất hạnh vượt lên số phận, tìm hạnh phúc bằng ý chí, tài năng và nghị lực.

Từng là lâm tặc, thầy Mẫn “rửa tay gác kiếm” sống bằng đủ thứ nghề: làm thuê, làm mướn và cuối cùng là dạy học… Dạy giỏi, thương học trò như con, sống nhân nghĩa nên thầy Mẫn luôn được mọi người yêu mến, kính trọng. Thầy đóng học phí giúp Yên, động viên cô học hành, vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, giấc mơ đổi đời bằng việc học của cô tan thành mây khói khi cha mẹ cô vì ham tiền mà ép gả cô cho một công tử nhà giàu ăn chơi, hư đốn. Không cam chịu số phận, Yên bỏ nhà ra đi, trải qua nhiều sóng gió, cuối cùng cô cũng tìm được tình yêu, hạnh phúc và gầy dựng sự nghiệp bằng bàn tay, khối óc của mình.

Điều thuyết phục của 2 nhân vật này là cá tính và bản lĩnh của họ. Thầy Mẫn và cha của Yên cùng rơi vào hoàn cảnh khó khăn vì dính líu đến chế độ cũ. Nhưng trong khi cha Yên thất chí, nát rượu, bị người đời khinh khi thì Mẫn làm lại từ đầu, dù nghèo nhưng đứng vững trên đôi chân của mình. Đặc biệt, đối với những điều sai trái trong xã hội và trong nghề, anh không thỏa hiệp mà đấu tranh, phê phán. Nhân cách của thầy Mẫn đã tác động mạnh mẽ đến Yên, giúp cô có thêm ý chí và nghị lực để sống tốt. 

Sức hấp dẫn của tiểu thuyết còn nằm ở những chất liệu, thông tin phong phú, chi tiết gay cấn. Trên hết là sự lương thiện đáng quý của con người.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết