16/05/2011 - 08:23

KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY BÁC HỒ RA ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC (5/6/1911 – 5/6/2011)

Sự kiện Nguyễn Tất Thành đi tìm đường cứu nước -
Ý nghĩa lịch sử và thời đại

* PGS.TS PHẠM HỒNG CHƯƠNG
Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

(ĐCSVN) - Ngày 5-6-1911, từ Bến cảng Nhà Rồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh - lúc này mang tên Nguyễn Tất Thành, bắt đầu cuộc hành trình ra nước ngoài tìm đuờng cứu nước, cứu dân. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lịch sử đấu tranh vì sự sinh tồn và phát triển của dân tộc Việt Nam. Nhìn từ góc độ hội nhập quốc tế, bài viết hy vọng làm sáng tỏ thêm ý nghĩa lịch sử và thời đại của sự kiện lịch sử vĩ đại này.

Bến cảng Nhà Rồng, nơi người thanh niên Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước (năm 1911). Ảnh: T.L.

Từ tuổi 13, Nguyễn Tất Thành đã khát vọng “muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp”, “muốn làm quen với nền văn minh Pháp”, nhưng không chỉ để thỏa mãn ước mơ hiểu biết của tuổi trẻ, mà là “muốn tìm xem ẩn giấu đằng sau” những gì đã làm nên văn minh và sức mạnh của phương Tây; muốn “xem cho rõ” sự “làm ăn ra sao” của những cường quốc mà các nhà yêu nước Việt Nam đương thời kì vọng có thể giúp đất nước mình thoát khỏi ách thống trị thực dân; và, “sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta” [1] .

Với hành trang chủ nghĩa yêu nước-nhân văn Việt Nam và mục đích xác định trước, bằng lao động, Người bắt đầu cuộc hành trình sang phương Tây tìm con đường mới để cứu nước cứu, dân.

Trong khoảng thời gian này, không chỉ có Nguyễn Tất Thành phát hiện ra cái mới, muốn làm quen, đi tìm và học cái đã tạo nên văn minh, sức mạnh của phương Tây để trở về mưu độc lập, tự cường cho dân tộc, giải phóng cho đồng bào của mình. Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh là những người tiên phong như vậy.

Mang chung hành trang là chủ nghĩa yêu nước - nhân văn Việt Nam và cùng mục đích, nhưng giữa hai Cụ Phan với Nguyễn Tất Thành có những khác nhau. Một bên là tìm, học cái mới mà dân tộc chưa có và xem đó như một chỗ dựa, một cứu cánh; một bên là muốn tìm hiểu giá trị thật của cái mới và cả cái ẩn giấu đằng sau nó; bên này chỉ mới tiến đến ở sự tiếp nhận, còn bên kia là đến tận nơi và xem cho rõ cách làm. Cho dù có cùng hành trang, cùng mục đích, nhưng sự khác nhau về tầm nhìn và phương pháp của họ đã tạo ra kết quả khác biệt. Bên này, là tiếp nhận và đưa về cái mới mà dân tộc chưa có nhưng không biết nó đã bắt đầu trở nên lỗi thời so với sự phát triển của lịch sử nhân loại. Bên kia với sự khảo sát trực tiếp, phân tích, so sánh giữa lý thuyết với kết quả thực tế của các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới (đã có đến thời điểm đó) để lựa chọn nhằm tiếp nhận những giá trị chung và mới của nhân loại đặng tìm ra con đường cứu nước, cứu dân thích hợp với hoàn cảnh cụ thể của nước nhà và tương thích với sự vận động, xu thế phát triển mới trong quá trình tiến hóa của loài người. Cũng vì vậy, những cố gắng cao nhất của hai cụ Phan cũng chỉ làm bùng phát một phong trào dân tộc, nuôi dưỡng ngọn lửa yêu nước trong nhân dân, bởi những cái được cho là chưa có và được xem là mới đối với dân tộc mà hai Cụ đưa về đã bị lịch sử nhân loại và chính phong trào cách mạng dân tộc vượt qua.

Bằng lao động và hòa vào dòng chảy của các sự kiện trên thế giới, cuộc hành trình của Nguyễn Tất Thành được tiến hành trong gần một thập kỷ ở nước ngoài không chỉ để biết thế giới mà chính là quá trình học tập, khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm thấu hiểu để chọn lọc và tiếp thu những giá trị văn hóa-văn minh của nhân loại. Thông qua quá trình của cuộc hành trình vĩ đại đến với các dân tộc, chủng tộc ở các châu lục, đặc biệt là trải qua thực tiễn đấu tranh cách mạng ở nhiều nước đã nâng cao trí tuệ, làm giàu văn hóa và mở rộng thế giới quan cho Người - từ tầm mức dân tộc đến nhân loại. Đó là cơ sở giúp cho Người thấu hiểu được sự tương đồng và khác biệt giữa triết lý phương Đông và phương Tây; đã nhận thấy nguồn gốc trực tiếp nỗi khổ đau chung của các dân tộc thuộc địa và những người lao động, không phân biệt chủng tộc, màu da, trên hành tinh này và đi tới khẳng định: Vấn đề giải phóng dân tộc, giải phóng con người không chỉ là nhu cầu của dân tộc và con người Việt Nam mà là của các dân tộc bị áp bức và nhân dân cần lao trên thế giới.

Bằng trực tiếp khảo sát tại quê hương của các cuộc cách mạng tư sản điển hình (Pháp, Anh và Mỹ), với trí tuệ thiên tài của mình, Nguyễn Tất Thành đã phát hiện và tiếp nhận “những lời bất hủ” mang giá trị chung của nhân loại về quyền dân tộc và quyền con người được ghi trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của nước Pháp. Đồng thời, Người cũng thấy rõ hạn chế giữa lý thuyết và thực tế mà nổi bật là tính chất “không đến nơi” của các cuộc cách mạng này.

Những kết luận trên đây không phải chỉ là kết quả của sự trải nghiệm. Chỉ với tầm trí tuệ không ngừng được nâng cao, trên cơ sở được làm giàu về các giá trị văn hóa-văn minh nhân loại và với một tầm nhìn thế giới trong phân tích lý luận và kiểm nghiệm thực tiễn, Nguyễn Tất Thành mới có thể đúc rút thành những kết luận khoa học đúng đắn có giá trị quan trọng như vậy. Do đó, Người không chỉ dừng lại ở phân tích lý luận và thực tiễn để chọn lọc và thâu thái các giá trị văn hóa - văn minh nhân loại, mà còn trên cơ sở các kết luận đó, tìm lời giải đáp những vấn đề đang được đặt ra trong lịch sử tiến hóa của loài người. Đây chính là sự chuẩn bị - cả trên phương diện lý luận và thực tiễn để Người, không chỉ đi từ DÂN TỘC đến NHÂN LOẠI trong nhận thức các giá trị văn hóa - văn minh mà còn tiến tới năng lực phát hiện và nắm bắt được quy luật tiến hóa của lịch sử nhân loại, xu thế của THỜI ĐẠI bằng thế giới quan khoa học và cách mạng của Chủ nghĩa Mác - Lênin.

Đi từ Dân tộc đến nhân loại, tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin là quá trình từ nhận thức cảm tính đến khoa học. Với thế giới quan khoa học và cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đã phát hiện và nhận thức được quy luật tiến hóa, xu thế phát triển trong tiến trình đi lên của loài người và đi tới khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[2] .

Đặt cách mạng giải phóng dân tộc trong quỹ đạo của cách mạng vô sản và chỉ rõ “cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn”[3] , Người đã chỉ rõ: cách mạng giải phóng dân tộc phải hướng đích tới sự giải phóng triệt để đối với con người theo quy luật tiến hóa tự nhiên của lịch sử nhân loại. ĐỘC LẬP DÂN TỘC phải đưa tới TỰ DO - HẠNH PHÚC cho con người. Với con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã chỉ ra, cách mạng Việt Nam hàm chứa sâu sắc các nội dung Dân tộc – Nhân loại và Thời đại, và do đó, với đường lối đúng đắn thuận theo quy luật tiến hóa của nhân loại, được sự ủng hộ của toàn dân và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, cách mạng Việt Nam đã hội đủ các yếu tố Thiên thời – Địa lợi- Nhân hòa đảm bảo cho sự thắng lợi.

Với tất cả các ý nghĩa đó, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà nội dung là giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng con người là triết lý phát triển Việt Nam. Đây là nội dung căn bản nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, chi phối mọi hoạt động lý luận và thực tiễn của cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng xã hội mới, xã hội xã hội chủ nghĩa, đem lại tự do, hạnh phúc cho con người. Tìm ra con đường cứu nước đúng đắn là công lao vĩ đại đầu tiên, là cống hiến lý luận sáng tạo hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là di sản có giá trị vĩnh hằng đối với cách mạng Việt Nam.

* * *

Đi ra nước ngoài để “xem xét họ làm thế nào” nhằm “trở về giúp đồng bào chúng ta” - với những hoạt động và kết quả trên đây, có thể nhìn nhận quá trình đó của Nguyễn Tất Thành, trên nền tảng giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thực chất là quá trình hội nhập quốc tế để nghiên cứu, lựa chọn, tiếp nhận, vận dụng và phát triển các giá trị tinh hoa văn hóa văn minh nhân loại nhằm tìm ra con đường đi lên cho dân tộc, hướng tới mục tiêu vì sự giải phóng con người. Chính từ mục tiêu và bản chất của toàn bộ quá trình tiếp biến các giá trị văn hóa văn minh đó đã mặc định tư tưởng và sự nghiệp cách mạng mà Người lãnh đạo thực hiện ở Việt Nam cũng như những đóng góp của Người với dân tộc và nhân loại thấm đậm giá trị văn hóa văn minh. Giá trị cao cả và đích thực của tư tưởng, sự nghiệp ấy chính là ở chỗ: Người đã lãnh đạo nhân dân đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại độc lập cho dân tộc, xây dựng xã hội mới vì tự do và hạnh phúc của con người Việt Nam, đồng thời góp phần cùng các dân tộc đấu tranh loại trừ chủ nghĩa thực dân - một trở lực lớn trên con đường tiến tới văn minh của nhân loại, đóng góp to lớn vào cuộc đấu tranh xây dựng một thế giới mới hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội, thúc đẩy sự phát triển của lịch sử loài người.

(Còn tiếp)

[1] Trước khi thực hiện ý định ra nước ngoài, Nguyễn Tất Thành đã tâm sự với một người bạn: “Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”. Hơn mười năm sau, trả lời một nhà báo về lí do đi ra nước ngoài, Người cho biết: “Khi tôi độ 13 tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp Tự do, Bình đẳng, Bác ái... Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy”.

Một lần khác, Người nói: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”.

Thực hiện ý chí của mình, ngày 2-6-1911, Người xin việc làm trên tàu AmiranLatusơ Tơrêvin đang đậu ở bến Nhà Rồng. Ngày 3-6-1911, Người bắt đầu làm việc trên tàu này với thẻ làm việc mang tên Văn Ba. Ngày 5-6-1911, tàu Amiran Latutsơ Tơrêvin rời bến Nhà Rồng, Nguyễn Tất Thành bắt đầu cuộc hành trình đi ra thế giới tìm con đường mới để cứu nước cứu dân.

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2000, tập 9, tr314

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2000, tập 12, tr305

Chia sẻ bài viết