07/06/2020 - 06:49

Stress gây già nua từ trong tế bào

Telomere là những đoạn trình tự lặp lại của ADN, được coi là “mũ bảo vệ” các đầu mút của nhiễm sắc thể (NST). Về cơ bản, telomere càng dài thì NST càng được bảo vệ tốt và giữ cho ADN được khỏe mạnh. Theo thời gian, các telomere rút ngắn và tế bào sẽ lão hóa dần, chúng ta bắt đầu xuất hiện các bệnh liên quan tuổi tác. Đây là điều tự nhiên, nhưng các nhà khoa học tin các yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng quá trình lão hóa.

Theo báo cáo khoa học năm 2004, độ dài telomere ở phụ nữ bị căng thẳng tinh thần (tress) ngắn hơn nhiều so với người khỏe mạnh. Tiến sĩ tâm lý học lâm sàng Kristoffer Månsson tại Viện Karolinska (Thụy Điển) cho biết đây là một trong những nghiên cứu tiên phong phản ánh mối liên hệ giữa stress và độ dài telomere. Gần đây, nghiên cứu của ông và các đồng nghiệp đã chứng minh stress mạn tính ảnh hưởng tới enzyme telomerase có chức năng bảo vệ các telomere.

Cụ thể, các nhà khoa học đã đánh giá sức khỏe của 46 người mắc chứng rối loạn lo âu xã hội được điều trị trực tuyến với Liệu pháp Hành vi – Nhận thức (CBT) trong 9 tuần. Qua phân tích mẫu máu, nhóm nghiên cứu phát hiện so với trước khi áp dụng CBT, mức độ lo âu ở bệnh nhân đã giảm rõ rệt, trong khi hoạt động của enzyme telomerase và men chống ôxy hóa glutathione peroxidase tăng lên. Tuy chưa đánh giá được độ dài telomere có thay đổi hay không, nhưng kết quả này ít nhất đã chứng minh CBT có hiệu quả giảm stress ở những người không đáp ứng điều trị với khác liệu pháp thông thường.

Tiến sĩ Månsson hy vọng phát hiện mới có thể gia tăng hiệu quả điều trị stress, thậm chí giúp các chuyên gia tìm ra cách mới trì hoãn quá trình lão hóa ở cấp độ tế bào.

ĐƯỜNG THẤT (Theo Inverse)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Stressgià nua