30/08/2021 - 08:43

Sóng ngầm ở Hollywood 

Phát hành phim trên nền tảng trực tuyến không chỉ phá vỡ mô hình phân phối truyền thống tồn tại hơn trăm năm qua ở Hollywood, mà còn tạo ra cơn sóng ngầm mới giữa nhà sản xuất và các diễn viên.

Phim “The Exorcist”.

Phim “The Exorcist”. 

Việc Scarlett Johansson kiện Disney để bảo vệ quyền lợi đã đặt ra không ít vấn đề mới mà Hollywood phải đối mặt giải quyết. Thời điểm Scarlett Johansson ký hợp đồng với Disney thực hiện phim “Black Widow” vào tháng 5-2017, khi đó nền tảng phát trực tuyến Disney+ chưa ra đời. Nhưng 3 tháng sau (tháng 8-2017), Disney có kế hoạch phát triển Disney+ và nền tảng này hoạt động vào năm 2019. Sau đó, để thích ứng với COVID-19, Hollywood hình thành cơ chế phát hành phim kết hợp giữa ra rạp và phát trên nền tảng trực tuyến. Vì vậy, Disney đưa “Black Widow” lên nền tảng trực tuyến Disney+ song song với lúc ra rạp vào năm 2021. Phía Scarlett Johansson khởi kiện vì cho rằng phương thức này của Disney ảnh hưởng đến thu nhập của cô từ phòng vé, vì theo hợp đồng đã ký Scarlett Johansson không được hưởng lợi nhuận từ nền tảng trực tuyến. Vụ kiện này báo hiệu mâu thuẫn giữa các nhà sản xuất và diễn viên khi dịch vụ phát trực tuyến ra đời và phát triển nhanh chóng.

Nhà sản xuất Jason Blum - người sáng lập, điều hành Blumhouse Productions - chia sẻ rằng theo cách thức truyền thống các diễn viên sẽ nhận tiền cát-xê trước và sau đó hưởng thêm lợi nhuận khi phim ra rạp. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đang gây ảnh hưởng nặng nề đến hệ thống rạp. Theo đó, phương pháp trả lợi nhuận truyền thống sẽ không còn có lợi cho các diễn viên vì phòng vé đang sụt giảm. Mặt khác, dịch vụ trực tuyến phát triển mạnh và đang trở thành xu hướng lựa chọn của nhiều người. Từ đó dẫn đến việc đàm phán lương của các ngôi sao Hollywood phải thay đổi.

Phía các nhà sản xuất cho rằng các ngôi sao điện ảnh đang đòi hỏi quá nhiều. Thực tế, sức hút phòng vé của diễn viên hạng A chỉ thực sự phát huy khi đi cùng với các phim thương hiệu từ Marvel hay DC Comics. Ngược lại nếu rời khỏi các thương hiệu đó, sức hút sẽ giảm rõ ràng. Minh chứng là sự thất bại của Robert Downey Jr. trong “Dolittle” (2020). Khi không còn là siêu anh hùng của Marvel, tầm ảnh hưởng với khán giả của Robert Downey Jr. đã giảm đi rất nhiều. Trong vụ kiện với Scarlett Johansson, Disney lập luận rằng thù lao trả cho nữ diễn viên thời điểm đó là 20 triệu USD - con số gây chấn động Hollywood vì được xem là rất cao, chưa từng có tiền lệ.

Bên nào cũng có lý lẽ và vụ kiện chưa được phán quyết, nhưng cũng khiến Hollywood thay đổi cách thức hợp tác và trả thù lao giữa các nhà sản xuất và diễn viên. Thực tế, Netflix, HBO Max, Paramount+... đều sẵn sàng chi thù lao khổng lồ cho các ngôi sao nếu họ không ngại xuất hiện trong các phim phát trực tuyến. Cụ thể, Daniel Craig có được 100 triệu USD khi đóng chính trong “Knives Out 2” và “Knives Out 3”. Các diễn viên: Julia Roberts, Leonardo DiCaprio, Jennifer Lawrence đều kiếm được hơn 25 triệu USD nhờ hợp tác với Netflix.

Mike Larocca, đồng sáng lập công ty AGBO, nói: “Trước đây, phát trực tuyến chỉ là dịch vụ đơn lẻ, nhưng nay đã phát triển mạnh và trở nên phổ biến. Điều này đòi hỏi sự đổi mới từ nhiều phía”. Jason Blum là một trong những nhà sản xuất tiên phong đổi mới, khi vào tháng 7-2021 đã ký hợp đồng trị giá 400 triệu USD để thực hiện ba phần phim tiếp theo của “The Exorcist” cho Peacock và Universal. Đây là thỏa thuận vượt cả sự tưởng tượng, vì trước đây “The Exorcist” chỉ là phim kinh dị kinh phí thấp. Jason Blum cho biết: “Tôi đang cố gắng để theo đuổi Hollywood kiểu mới. Phim và chương trình truyền hình trực tuyến sẽ hay hơn nếu được đầu tư kỹ lưỡng”. Nhà sản xuất Uri Singer nói: “Hollywood không còn giống hai năm trước. Sẽ khó còn chuyện ngôi sao được thỏa thuận trả lương theo lợi nhuận vì bây giờ không ai chắc liệu phim có ra rạp thuận lợi hay không”. Do đó, các nhà sản xuất và diễn viên sẽ phải thay đổi phương thức hợp tác để không còn những vụ kiện tụng.

BẢO LAM (Theo Variety)

Chia sẻ bài viết