11/10/2022 - 08:07

Sóng gió mới trong quan hệ Mỹ - Saudi Arabia 

MAI QUYÊN (Theo Politico, CNN, TTXVN)

Nhiều nhà lập pháp Mỹ đang kêu gọi Nhà Trắng “trả đũa” Saudi Arabia, sau khi Riyadh bị tố “thông đồng” với Nga trong quyết định cắt giảm sản lượng dầu toàn cầu.

Tổng thống Biden (trái) gặp gỡ Thái tử Mohammed bin Salman Al Saud trong chuyến thăm Saudi Arabia hồi tháng 7. Ảnh: Reuters

Tại cuộc họp mới đây của 13 nước thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) mà Saudi Arabia giữ vai trò chủ chốt với 10 quốc gia đối tác do Nga dẫn đầu, các quan chức nhất trí từ tháng 11 giảm sản lượng dầu ở mức 2 triệu thùng dầu/ngày, tương đương 2% tổng nguồn cung dầu thế giới. Mức giảm này cao gấp đôi so với con số dự báo đưa ra trước thềm cuộc họp của OPEC+ diễn ra hôm 5-10 ở Vienna (Áo) và đánh dấu đợt giảm sản lượng lớn nhất kể từ giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch COVID-19 vào năm 2020.

Ðộng thái trên đã ngay lập tức kéo giá dầu tăng trở lại, trong đó, Nga được cho là bên hưởng lợi nhiều nhất vì sản lượng thực tế của họ đang thấp hơn hạn ngạch. Trong số các nước ngoài OPEC, Nga là nước thiếu sản lượng nhiều nhất, với sản lượng dầu trong tháng 8 thiếu 1,2 triệu thùng/ngày so với hạn ngạch.

Trong buổi họp báo ngày 9-10, người phát ngôn Ðiện Kremlin Dmitry Peskov mô tả quyết định của OPEC và nhóm đối tác là hành động “có trách nhiệm”, giúp chống lại tình trạng “hỗn loạn” mà Mỹ gây ra. Ngược lại, các nhà lập pháp ở Washington chỉ trích động thái trên làm trầm trọng thêm lạm phát vốn đã leo lên mức kỷ lục ở nhiều quốc gia, làm suy yếu những nỗ lực giảm giá dầu của Mỹ và tiếp sức cho chiến dịch quân sự của Mát-xcơ-va ở Ukraine. Bất mãn trước “hành động thù địch” phản ánh thái độ “đứng về phe Nga” của Saudi Arabia, nhiều nghị sĩ Cộng hòa cũng như Dân chủ cho biết Washington có thể nắm lấy một số đòn bẩy kinh tế - an ninh nhất định để buộc Riyadh quay lại thương lượng với Mỹ một cách thiện chí.

Trong số này bao gồm đề xuất mở rộng luật chống độc quyền trong nước sang thương mại quốc tế. Ngoài ra còn có dự luật của phe Dân chủ ở Hạ viện, yêu cầu rút tất cả lực lượng và thiết bị quân sự Mỹ khỏi Saudi Arabia cũng như Các Tiểu Vương quốc Arab Thống Nhất (UAE). Văn kiện này tương tự một dự luật của đảng Cộng hòa đưa ra tại Thượng viện vào năm 2020, lúc đó chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump cũng đang gây áp lực với Saudi Arabia về sản lượng dầu. Cùng dự luật nói trên, ý kiến của một số đảng viên Ðảng Dân chủ tại Thượng viện cho rằng nên đánh giá lại mối quan hệ giữa Washington - Riyadh sau động thái của OPEC, thậm chí một tương lai không có liên minh với Saudi Arabia.

Một đề xuất lưỡng viện còn kêu gọi đình chỉ tất cả hoạt động chuyển giao thiết bị quân sự và công nghệ vũ khí chiến lược cho Riyadh. Ðộng thái này được cảnh báo tạo ra thách thức nghiêm trọng đối với Saudi Arabia khi lĩnh vực quốc phòng nước này hiện phụ thuộc nhiều vào Mỹ với phần lớn vũ khí được viện trợ hoặc mua từ Washington. Giả dụ Riyadh thay thế các nhà cung cấp quốc phòng từ Nga hoặc Trung Quốc, thì hệ thống mới nhiều khả năng không tương thích vũ khí hiện có của họ. Quan trọng hơn, Saudi Arabia còn đang hợp tác với nhiều tập đoàn Mỹ nhằm tăng cường năng lực phát triển công nghiệp quốc phòng trong nước và hầu hết các thỏa thuận chuyên sâu và nhạy cảm khởi xướng từ năm 2017 đều không nằm dưới bất kỳ sự kiểm soát nào.

Trước sự bất bình của giới lập pháp Mỹ, đánh giá của nhà phân tích Ali Shihabi trên tờ New York Times bác bỏ bất kỳ động cơ chính trị nào khi cho rằng động thái gần đây của Saudi Arabia đơn thuần là vì giữ giá dầu trong biên độ chấp nhận được. Chung quan điểm, một số nhà bình luận trong lĩnh vực năng lượng nhận định mối quan tâm của Riyadh có thể chỉ nằm ở lợi nhuận tài chính đang bị đe dọa của họ. Trong khi đó, cựu đặc phái viên về Trung Ðông của Nhà Trắng trong chính quyền Tổng thống Trump, Jason D. Greenblatt cảnh báo ý tưởng rút toàn bộ lực lượng và thiết bị quân sự chắc chắn phản tác dụng và khiến Trung Ðông thêm bất ổn. Theo ông Greenblatt, sự hỗ trợ của Mỹ là không thể phủ nhận nhưng Washington thông qua mối quan hệ với các đồng minh ở Trung Ðông cũng giành được lợi ích đáng kể ở khu vực. Vì vậy, người này cho rằng đã đến lúc Mỹ công nhận thực tế là Saudi Arabia, UAE và nhiều quốc gia khác không ngừng phát triển, có lợi ích và chiến lược riêng chứ không phải là các nước “chư hầu” của Mỹ.

Saudi Arabia là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ. Trong chuyến thăm Saudi Arabia vào tháng 7 vừa qua, Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi các nhà lãnh đạo nước này nâng sản lượng nhằm kiềm chế giá dầu - nguyên nhân khiến lạm phát ở Mỹ leo lên mức cao nhất trong 40 năm qua và đe dọa ảnh hưởng đến triển vọng của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử sắp tới. Tuy nhiên, Tổng thống Biden đã không đạt được bất kỳ cam kết nào về năng lượng khi kết thúc chuyến thăm Trung Ðông. Trước cuộc họp mới đây của OPEC+, Mỹ được cho đã tìm cách gây áp lực các nước đồng minh Trung Ðông, như Kuwait, Saudi Arabia và UAE, bỏ phiếu chống lại việc cắt giảm sản lượng. Với quyết định “đi ngược” lại mong muốn của Mỹ, dường như OPEC và các đối tác đang tìm cách khẳng định vị thế chi phối thị trường dầu mỏ thế giới.

 

Chia sẻ bài viết