27/08/2010 - 09:21

Somalie căng thẳng

Quân đội Chính phủ Somalie. Ảnh: AP

Sau vụ tấn công vào Khách sạn Huna, nơi thường xuyên lui tới của lực lượng an ninh và chính khách Somalie, hôm 24-8 làm ít nhất 33 người thiệt mạng (trong đó có 10 nghị sĩ), các tay súng của tổ chức Hồi giáo cực đoan Al Shabab đang tiếp tục “cuộc chiến tranh tổng lực cuối cùng” nhằm vào lực lượng gìn giữ hòa bình Liên minh châu Phi (AU) và các cơ quan chính phủ tại Thủ đô Mogadishu, kể cả Dinh Tổng thống. Từ khi bạo lực bùng phát ngày 23-8 đến nay đã có hơn 80 người thiệt mạng, trong đó có nhiều thường dân.

Tờ Thời đại của Mỹ ngày 25-8 dẫn lời các quan chức Chính phủ Somalie thừa nhận việc Al Shabab có thể tấn công một địa điểm được bảo đảm an ninh nghiêm ngặt như Khách sạn Huna cho thấy sự bất lực và nguy cơ đổ vỡ vào bất kỳ thời điểm nào của Chính quyền Liên bang Chuyển tiếp Somalie được phương Tây hậu thuẫn. Đáng nói là cuộc tấn công này diễn ra chỉ vài ngày sau khi AU thông báo nhóm 2.000 binh sĩ đầu tiên trong số 4.000 quân bổ sung như cam kết hồi đầu tháng 8 đã tới Mogadishu để hỗ trợ 6.000 lính AU đang có mặt tại đây từ năm 2007. Chính quyền Liên bang Chuyển tiếp Somalie được thành lập cách đây 3 năm, sau khi quân đội nước này được sự hỗ trợ của binh sĩ Éthiopie đánh bật nhóm phiến loạn Hồi giáo ra khỏi Mogadishu. Sự tồn tại của chính quyền này chủ yếu nhờ vào lực lượng gìn giữ hòa bình AU. Tuy nhiên, sự có mặt của binh sĩ AU đã không thể giúp quân đội Chính phủ Somalie đánh bại Al Shabab và ngược lại, lực lượng Hồi giáo cực đoan này đang kiểm soát gần như hoàn toàn miền Nam, trong đó có một khu vực rộng lớn ở Thủ đô Mogadishu. Thế lực của Al Shabab được coi là mạnh nhất ở Somalie với khoảng vài ngàn tay súng hiếu chiến. Bọn chúng không từ thủ đoạn nào, cả đánh bom tự sát để đạt mục tiêu. Đặc biệt, sau khi tuyên bố sáp nhập với mạng lưới ủng bố quốc tế al-Qaeda hồi tháng 2-2010, Al Shabab đã tiếp nhận nhiều tay súng nước ngoài được đào tạo tại Iraq, Afghanistan và Yemen, đồng thời còn tìm cách lôi kéo những đối tượng cực đoan trong cộng đồng người Somalie rất lớn ở hải ngoại như Mỹ, Anh, Đan Mạch, Úc. Kẻ đánh bom liều chết vào một trường y tế tại Mogadishu tháng 12-2009 là người Đan Mạch gốc Somalie, trong khi một trong những thủ lĩnh cấp cao hiện nay của Al Shabab là người Mỹ gốc Somalie... Theo các nhà phân tích, Al Shabab lợi dụng sự hiện diện của quân đội nước ngoài để lấy cớ phát động và tiến hành cuộc thánh chiến trong lòng những thanh niên mộ đạo cực đoan. Việc Al Shabab tổ chức vụ đánh bom kép vào một địa điểm xem trận chung kết Cúp bóng đá thế giới trên truyền hình hồi tháng 7-2010 ở Thủ đô Kampala của Uganda làm 76 người thiệt mạng được coi là hành động cảnh cáo việc quân đội nước này tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình AU tại Somalie.

Trong khi đó, Chính quyền Liên bang Chuyển tiếp non kém của Tổng thống Sheikh Sharif Ahmed ngày càng “sa sút phong độ” vì tình trạng đấu đá nội bộ, bè phái, tham nhũng và thiếu thốn tài chính. Cựu đại diện của Liên Hiệp Quốc Ahmedou Ould Abdallah hồi tháng 7 cho biết Chính phủ Somalie chỉ nhận được 3,5 triệu USD trong số 213 triệu USD mà cộng đồng quốc tế cam kết tài trợ năm 2009.

Trước tình hình như vậy, người ta lo ngại cuộc chiến khốc liệt giành quyền kiểm soát lãnh thổ từ năm 2007 đến nay ở Somalie, làm hơn 21.000 người chết và ít nhất 1,5 triệu người phải đi lánh nạn, còn lâu mới kết thúc.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết