24/01/2023 - 09:45

Sôi động cuộc đua thống lĩnh chip bán dẫn toàn cầu 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chip bán dẫn là thành phần cốt lõi không chỉ trong ôtô mà còn máy bay, điện thoại, CPU máy tính và gần như tất cả các thiết bị điện tử khác. Chip bán dẫn giữ vai trò quan trọng đến nỗi sự thiếu hụt của thành phần công nghệ này do đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều ngành công nghiệp.

Tổng thống Mỹ Biden ký đạo luật Khoa học và Chip. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Biden ký đạo luật Khoa học và Chip. Ảnh: Reuters

Theo ước tính, “cơn khát chip” hồi năm 2022 đã khiến 3,8 triệu chiếc xe không thể xuất xưởng. Thiệt hại do thiếu chip mà các hãng xe phải gánh lên tới 210 tỉ USD. Giới chuyên gia lo ngại, chuỗi cung ứng thiết bị điện tử có thể đón những thách thức mới ngay từ đầu năm 2023, khi sự thiếu hụt các chip tiên tiến nhất có thể lên tới 20% hoặc cao hơn, từ đó khiến những công nghệ mới, đòi hỏi tính toán hiệu suất cao, xử lý trí tuệ nhân tạo (AI)... khó được triển khai rộng rãi, đặc biệt trên điện thoại thông minh, xe tự lái. Tình trạng thiếu chip cũng làm cho việc triển khai mạng viễn thông 5G tại nhiều quốc gia phải lùi lại.

Chính tầm quan trọng của chip bán dẫn mà nhiều nước đẩy mạnh đầu tư với tham vọng có thể thống lĩnh lĩnh vực này.

Mỹ, Trung quyết liệt cạnh tranh

Trung Quốc hồi tháng 3-2021 đã công bố kế hoạch chi tiết về tham vọng thống trị trong ngành công nghiệp bán dẫn cùng với kế hoạch 5 năm lần thứ 14. Đây là một chiến lược nhiều lớp, gồm thay thế các nhà cung cấp chất bán dẫn Mỹ, đối đầu với Washington trong khi chế tạo ra những con chip “Made in China” bằng các công nghệ mới nổi. Kế hoạch đòi hỏi trong giai đoạn 2021-2025 phải tạo ra lượng sản phẩm bán dẫn đủ dùng cho ôtô điện, thậm chí cho cả các ứng dụng quân sự, từ đó giúp Trung Quốc có thời gian tập trung vào các lĩnh vực như sản xuất chip thế hệ thứ ba mà chưa có quốc gia nào chi phối. Bắc Kinh cũng hy vọng tạo ra một loạt “gã khổng lồ” trong các lĩnh vực như máy móc, phần mềm, vật liệu mới... và cuối cùng là “soán ngôi” các công ty công nghệ như Cadence và Synopsys của Mỹ trong thiết kế phần mềm hay ASML (Hà Lan) trong phát triển thiết bị sản xuất chip.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi đó cam kết đầu tư số tiền lên tới 1.400 tỉ USD đến năm 2025 cho các công nghệ từ mạng không dây đến AI, phần lớn trong số này sẽ dành cho việc phát triển chất bán dẫn.

Tuy nhiên, tham vọng thống trị lĩnh vực bán dẫn toàn cầu của Trung Quốc không dễ dàng khi Mỹ cũng như các cường quốc khác không chịu ngồi yên. Theo đó, nhằm gia tăng cạnh tranh với Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 8-2022 đã ký ban hành đạo luật Khoa học và Chip trị giá 280 tỉ USD nhằm thúc đẩy sản xuất công nghệ cao trong nước.

Mặt khác, Washington hồi tháng 10 năm ngoái cũng đã công bố quy định mới về kiểm soát xuất khẩu chip và thiết bị bán dẫn nhằm hạn chế khả năng mua và sản xuất chip cao cấp của Trung Quốc. Quy định yêu cầu các nhà sản xuất hàng đầu của Mỹ như KLA Corp, Lam Research và Applied Materials tạm dừng gửi thiết bị cho các nhà máy 100% thuộc sở hữu Trung Quốc sản xuất chip logic tiên tiến. Mỹ còn thúc giục các đồng minh cùng tham gia áp đặt hạn chế xuất khẩu chip tiên tiến và công nghệ liên quan sang Trung Quốc.

Và trong nỗ lực nhằm tạo khoảng cách với Trung Quốc trong cuộc đua thống lĩnh thị trường chip toàn cầu, Mỹ kêu gọi các công ty nước ngoài đầu tư sản xuất chip tại nước này. Theo CNN, Tập đoàn Sản xuất Bán dẫn Ðài Loan (TSMC) đã bắt đầu kế hoạch đầu tư 12 tỉ USD để xây dựng nhà máy ở bang Arizona, dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động từ năm 2024. GlobalWafers, một nhà sản xuất khác của Đài Loan, gần đây cũng cam kết chi 5 tỉ USD để xây dựng nhà máy ở bang Texas. Trước đó, các công ty SK Group hay Samsung của Hàn Quốc cũng tăng cường sự hiện diện trong lĩnh vực sản xuất công nghệ tại Mỹ bằng các kế hoạch hàng chục tỉ USD để xây dựng nhà máy.

Chip bán dẫn được trưng bày tại một hội nghị bán dẫn thế giới ở Trung Quốc. Ảnh: Oriental Image

Chip bán dẫn được trưng bày tại một hội nghị bán dẫn thế giới ở Trung Quốc. Ảnh: Oriental Image

Nhật, Hàn,  EU “vào cuộc”

Nhật Bản đang tái gia nhập đường đua công nghệ chip với chiến lược hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng trung tâm sản xuất mới ở nước này. Ðể đổi lấy những khoản trợ cấp, Tokyo yêu cầu bên tham gia cam kết ưu tiên hơn trong cung cấp chip cho thị trường Nhật. Các hãng nước ngoài còn phải thỏa yêu cầu duy trì hoạt động sản xuất tại xứ Mặt trời mọc trong 10 năm để đủ điều kiện nhận khoản trợ cấp mới.

Mở đầu cho kế hoạch này là gói hỗ trợ trị giá 3,5 tỉ USD dành cho dự án xây dựng nhà máy bán dẫn hợp tác giữa tập đoàn Nhật Bản Sony và TSMC. Với tổng vốn đầu tư ước tính 7 tỉ USD, nhà máy dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2024 với công suất 45.000 tấm bán dẫn/tháng, phục vụ nhu cầu sử dụng chip trong cảm biến hình ảnh camera, ôtô cùng các sản phẩm khác trong ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng.

Trong nỗ lực tăng cường cạnh tranh, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã công bố kế hoạch chi khoảng 450 tỉ USD vào nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn đến năm 2030. Tổng cộng có 152 công ty sẽ hợp lực thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất chip của xứ kim chi trong thập niên tới nhằm bảo vệ ngành kinh tế quan trọng nhất đất nước. Theo kế hoạch, Seoul sẽ khuyến khích ngành chip bằng việc giảm thuế, giảm lãi suất, nới lỏng các quy định, đồng thời hướng tới mục tiêu đào tạo 36.000 chuyên gia chip giai đoạn 2022-2031.

Không đứng ngoài cuộc, Liên minh châu Âu (EU) vừa công bố đạo luật chip mới, đầu tư 49 tỉ USD nhằm thúc đẩy năng lực của khối trong lĩnh vực này. Khoản tiền đó sẽ được cấp cho các nhà sản xuất chất bán dẫn để khuyến khích họ thiết lập các địa điểm sản xuất ở lục địa già. Bên cạnh đó, hơn 2 tỉ USD cũng sẽ được cấp cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn.

Mỹ chiếm khoảng 12% thị phần bán dẫn toàn cầu, trong khi Nhật Bản chiếm 15%, còn Đài Loan và Hàn Quốc đều nắm giữ khoảng 20%. Hiện Washington đang nỗ lực thúc đẩy thành lập “Bộ tứ siêu chip”, gồm bốn nền kinh tế này với mong muốn tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, giảm sự phụ thuộc vào các sản phẩm của Trung Quốc. Giới phân tích cho rằng nếu việc hợp tác này thành công, chuỗi cung ứng chip, công nghệ và thiết bị cho Trung Quốc từ bên ngoài sẽ bị suy yếu, khiến Bắc Kinh không thể mua được, cũng như không thể sản xuất được chip cao cấp.
Chia sẻ bài viết