22/05/2022 - 23:24

Singapore - hình mẫu để xây dựng thành phố thông minh 

“Chìa khóa” vận hành thành phố thông minh của Singapore bao gồm sử dụng dữ liệu lớn để quy hoạch đô thị và quản lý tài nguyên, xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi cho các công ty khởi nghiệp về tài chính và công nghệ, cũng như triển khai ID kỹ thuật số toàn dân.

Bayfront là không gian công cộng được yêu thích tại “thành phố thông minh” Singapore.

Bayfront là không gian công cộng được yêu thích tại “thành phố thông minh” Singapore.

Trong vài thập kỷ qua, Singapore đã phát triển từ một trong bốn “con hổ kinh tế” của châu Á thành một thành phố quốc tế thực sự. Đảo quốc này đứng đầu bảng xếp hạng toàn cầu về các thành phố và trung tâm công nghệ thông minh, cũng như có số lượng công ty khởi nghiệp trị giá tỉ đô tính theo đầu người nhiều thứ hai thế giới, chỉ sau Israel. Singapore hiện được xem là hình mẫu để chính quyền đô thị các nước học tập và xây dựng thành phố thông minh cho riêng mình, dựa trên 3 điểm đột phá công nghệ chủ chốt.

Thứ nhất, dùng dữ liệu lớn để nâng cao nguồn lực. Singapore là một thành phố ven biển với diện tích đất đai khá hạn chế. Để khắc phục tình trạng khan hiếm này, Đảo quốc Sư tử đã tận dụng dữ liệu để tối ưu hóa tiềm năng không gian đất liền và biển của mình. Năm 2019, Cơ quan Hàng hải và Cảng của Singapore đã phát triển một nền tảng thông tin để tổng hợp dữ liệu về biển, ven biển và đất liền thu thập từ 11 cơ quan của chính phủ. Nhờ đó, họ đã xây dựng một phiên bản ảo của không gian biển và ven biển có tên là GeoSpace-Sea.

Công nghệ này cho phép dữ liệu được trình bày ở định dạng 2D và 3D để các cơ quan chính phủ có thể giám sát các hoạt động ven biển và biển theo thời gian thực, phát triển các kế hoạch sử dụng bờ biển và cải tạo đất, điều phối các nhà máy khử muối và xả nước thải, quản lý nghề cá và bảo tồn đa dạng sinh học biển, cũng như tạo không gian giải trí công cộng.

Điểm đột phá thứ hai là biến các công ty khởi nghiệp thành “kỳ lân” - thuật ngữ chỉ các công ty mới thành lập đạt giá trị từ 1 tỉ USD trở lên. Những năm gần đây, Singapore đã trở thành “cái nôi nuôi lớn nhiều kỳ lân mới”. Theo tạp chí Economist, trong số 12 thành phố có nhiều “kỳ lân” nhất 10 năm qua, Singapore xếp ở vị trí thứ 7. Paul Li, chủ tịch Hiệp hội Công nghệ Tài chính Hong Kong và là một chuyên gia về thanh toán xuyên biên giới, nhận xét rằng các chính sách công nghệ tài chính hợp thời của Singapore đã khiến nước này trở nên hấp dẫn với các công ty mới thành lập muốn đặt trụ sở chính tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Lấy dịch vụ chuyển tiền quốc tế làm ví dụ. Công ty tư vấn EY ước tính tổng giá trị thanh toán xuyên biên giới toàn cầu dự kiến đạt 156 ngàn tỉ USD trong năm nay. Dự đoán những cơ hội kinh doanh to lớn mà điều này có thể mang lại, Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) đã ban hành Đạo luật dịch vụ thanh toán vào tháng 1-2020. Luật hợp lý hóa các hoạt động kinh doanh xuyên biên giới bằng cách gom 7 hình thức thanh toán, bao gồm mã thông báo thanh toán kỹ thuật số hoặc tiền điện tử, vào một khuôn khổ cho phép. Ngay cả khi tiền không chảy qua Singapore, việc chuyển tiền của các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán Singapore cũng phải tuân theo quy định MAS và đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tài chính. Điều này cho phép các công ty vừa phát triển kinh doanh vừa tuân thủ việc hợp tác với các tổ chức tài chính khác, đồng thời chống rửa tiền.

Đột phá thứ ba của Singapore là triển khai chứng minh thư điện tử, hay e-ID. Đây là một đặc điểm quan trọng của chính quyền thông minh. Nó cho phép mọi người tận hưởng các dịch vụ trực tuyến, cũng như giúp chính phủ dễ dàng áp dụng các dịch vụ kỹ thuật số mang lại lợi ích cho công dân.

Singapore đã ra mắt e-ID, còn gọi là Singpass, từ năm 2003. Nhưng nay, người dân còn có thể tải ứng dụng di động Singpass để thiết lập chứng minh thư kỹ thuật số, dùng để truy cập hầu hết các dịch vụ công, từ đặt lịch khám sức khỏe, mượn sách từ thư viện, vào các tòa nhà chính phủ cho đến xin cấp hộ chiếu hoặc thuê nhà ở. Khoảng 97% người Singapore từ 15 tuổi trở lên hiện có tài khoản Singpass và hơn 3,2 triệu người đã dùng ứng dụng Singpass.

Khái niệm thành phố thông minh đang trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Cùng với tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng, nhu cầu quản lý cơ sở hạ tầng và tài nguyên đang thúc đẩy các nước đầu tư vào các dự án thành phố thông minh, bao gồm ứng dụng các công nghệ xanh và bền vững. Về cơ bản, các thành phố này đều sử dụng nền tảng Internet vạn vật (IoT) để giám sát cơ sở hạ tầng, quản lý mọi thứ từ mạng lưới giao thông, bãi đậu xe đến chất lượng nước và không khí, đồng thời sử dụng dữ liệu thông minh để hỗ trợ chính quyền ra những quyết định lâu dài.

THANH TRÚC (Theo SCMP, Smart Energy International)

Chia sẻ bài viết