10/11/2012 - 20:21

Sao lại “dị ứng” với đề tài lịch sử?

Liên hoan Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012 đã khép với rất nhiều huy chương được trao. Tuy nhiên, người làm nghề và khán giả mộ điệu vẫn băn khoăn không hiểu vì sao các nhà quản lý lại "dị ứng" với đề tài lịch sử - vốn đã từng làm rạng danh cải lương?

 Vở cải lương “Món nợ vùng ven” của Đoàn Cải lương Tây Đô tham gia Liên hoan Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2012. 

Ban tổ chức Liên hoan Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2012 (LHSKCL) quy định các tác phẩm tham dự phải khai thác đề tài hiện đại, bối cảnh xảy ra từ năm 1930 đến nay. Ai cũng biết cội nguồn của cải lương vẫn là những tuồng tích xưa cũ, tuồng lịch sử với cổ trang màu sắc, để lại ấn tượng đẹp trong lòng biết bao thế hệ khán giả. Không kể các vở tuồng kinh điển, những năm qua, các đoàn cải lương đã bắt tay dựng các vở lịch sử mới như: "Cung phi điểm bích", "Trọn đời trung hiếu với Thăng Long", "Đế đô sóng cả", "Chất ngọc không tan"…được nhiều khán giả yêu thích. Dĩ nhiên, cải lương cũng như nhiều môn nghệ thuật khác, phải cập nhật những vấn đề thời sự của xã hội nhưng cách làm "đả cựu nghinh tân" của ban tổ chức LHSKCL vẫn khiến nhiều người băn khoăn.

Để đáp ứng điều kiện của ban tổ chức LHSKCL, các đoàn cải lương trong Nam ngoài Bắc phải loay hoay tìm các kịch bản đề tài hiện đại. Điều đó dẫn đến tình trạng trong số 27 vở tham gia liên hoan, có đến khoảng 2/3 vở chuyển thể từ các kịch bản kịch nói đã dàn dựng trước đó như: "Một phút một thời" (Đoàn cải lương Hương Tràm, Đoàn cải lương Cao Văn Lầu), "Tiếng vạc sành" (Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang), "Cơn hồng thủy" (CLB cải lương xã hội hóa Sen Việt trực thuộc Trường ĐH Sân khấu và điện ảnh TP Hồ Chí Minh)…Nguyên nhân được cho là hiện đội ngũ viết kịch bản cải lương khá ít và không thể sống bằng nghề; mặt khác là do các đoàn "dựa hơi" các vở kịch đã nổi tiếng trước đó. Xem một số vở "hai trong một" kiểu này, người xem khó chịu bởi liều lượng những câu thoại kịch nhiều hơn nghệ thuật ước lệ của cải lương. Người xem vẫn thấy thiếu tính trữ tình, lãng mạn vốn có của cải lương truyền thống khi nhiều vở thiếu tính toán về bố cục, mạch diễn để đưa các bài bản tài tử, vọng cổ vào một cách hợp lý. Có một số vở nhân vật mải mê thoại cả một trường đoạn mà quên ca, diễn. Mặt khác, người xem cảm thấy buồn lòng với cách "hiện đại hóa" cải lương một cách "thô bạo" từ sân khấu, cảnh trí đến trang phục của các đạo diễn, thiết kế.

NSND Thanh Tòng, "cây đại thụ" của cải lương tuồng cổ hiện nay, bức xúc: "Các phương tiện truyền thông đã liên tục cảnh báo thực trạng giới trẻ không biết cội nguồn lịch sử của dân tộc khi mà phim ảnh các nước được phát sóng liên tục. Nay liên hoan của ngành nghề thì không cho những vở diễn đề tài lịch sử tham gia, chẳng khác nào đi ngược lại nhu cầu giáo dục khá cấp bách của xã hội hôm nay". Ba năm một lần, LHSKCL chuyên nghiệp toàn quốc là sân chơi để các nghệ sĩ giao lưu, học hỏi và để tìm ra những tác phẩm hay phục vụ công chúng. Vậy mà các nhà quản lý chuyên môn lại đưa mình vào chỗ khó khi "trói chân" các đoàn trong phạm vi đề tài.

Người mộ điệu cải lương rất cần những vở diễn hay, cả cổ trang lẫn hiện đại, để thưởng thức. Cách làm khô cứng này vô tình bó hẹp sự sáng tạo của giới nghệ sĩ và làm cho "thực đơn" của khán giả yêu cải lương thêm nghèo nàn.

Bài ảnh: Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết