03/12/2011 - 19:45

"Sành điệu" có cứu được "phim teen"?

 Ngay từ poster, phim teen “From Prada to Nada” đã thể hiện sự sành điệu.

Những năm 1990 là thời phim dành cho tuổi mới lớn luôn chiếm vị trí quan trọng trong mùa phim chào đón Giáng sinh và năm mới. Các phim với dàn diễn viên trẻ tuổi được mệnh danh “công chúa”, “hoàng tử” của Hollywood cùng cốt truyện mang hơi hướng cổ tích trong bối cảnh trường học và gia đình quen thuộc được gọi là “phim teen” từng đạt doanh thu phòng vé ngất ngưởng. Sau nhiều năm trầm lắng, “phim teen” giờ trở lại với hình thức mới...

Phim dành cho tuổi mới lớn đã phát triển ở Hollywood từ những năm 1950. Đây là đối tượng khán giả dễ tính. Họ chỉ cần một câu chuyện nhẹ nhàng, hài hước, lãng mạn và gần gũi là đủ. Đến những năm 1990, các hãng giải trí đã đào tạo hằng loạt ngôi sao tuổi teen như Katie Holmes, Michelle Williams, Joshua Jackson, Hilary Duff, Lindsay Lohan, Justin Long, Anna Hathaway... thu hút khán giả tuổi mới lớn. Nói về quan hệ mẹ và con gái đã có “Freaky Friday”, về nạn bắt nạt trong trường học có “Mean Girls”, chuyện tình cảm lãng mạn có “A Cinderella Story”, chuyện “vịt con xấu xí” biến thành thiên nga có “The Princess Diaries”, về khủng hoảng của tuổi teen khi rời trường phổ thông có “Dawson Creek”... Công bằng mà nói những phim này tuy mục đích giải trí nhưng luôn gởi gắm thông điệp ý nhị dành cho tuổi mới lớn về cách “điều khiển” cá tính, khuyến khích giới trẻ theo đuổi ước mơ và quý trọng tình thân, tình bạn, xa rời thói hư tật xấu.

“Phim teen” sau hồi bùng nổ đã rơi vào trầm lắng. Trong 5 năm gần đây, dường như chỉ có loạt phim nhạc kịch của Walt Disney, như “High School Musical” mang hơi hướng “phim teen” là đáng chú ý.

Gần đây, với sự xuất hiện trở lại của các ngôi sao trẻ tuổi như Miley Cyrus, Selena Gomez, Vanessa Hudgens, Kristen Steward, Ashley Tisdale, Zac Efron... các nhà sản xuất đã đưa “phim teen” trở lại với nhiều dự án được quảng cáo rầm rộ như “I am Number Four”, “From Prada to Nada”, “Gossip Girls”, “Beastly”, “Monte Carlo”. Tuy nhiên, “phim teen” ngày nay không còn giữ được “hồn vía” của thể loại này, mà chủ yếu chạy theo hình thức, thiên về thỏa mãn phần nhìn của khán giả. Nhân vật chính trong “phim teen” ngày nay không còn học tập ở trường hay sinh hoạt bên gia đình, mà vi vu tại những thành phố được xem là thiên đường mua sắm, ở trong các khách sạn 5 sao, khoác trên mình những bộ cánh hàng hiệu đắt tiền, theo đuổi giấc mơ thời trang hay làm người nổi tiếng phi thực tế. Cất công thống kê nhãn hiệu mỹ phẩm, túi xách, trang phục, phụ kiện, giày dép... của các nữ diễn viên chính trong các phim kể trên, một số nhà phê bình rút ra kết luận: “phim teen” đang trở thành nơi quảng cáo cho các nhãn hiệu thời trang đắt đỏ. Tình tiết và nhịp điệu phim vì vậy mà khiên cưỡng, không để lại dấu ấn trong lòng khán giả bởi phim không hề có thông điệp sâu xa.

Không ai cấm các nhà sản xuất đầu tư mạnh tay cho hình thức trong phim dành cho tuổi mới lớn, bởi đó cũng là một phần ước mơ của giới trẻ: được mặc đẹp, được đi du lịch đó đây. Tuy vậy giá trị một “phim teen” nằm ở câu chuyện khơi gợi cảm xúc và thế giới quan của tuổi mới lớn về cuộc sống.

XUÂN VIÊN

Chia sẻ bài viết