12/03/2013 - 10:32

Sáng tạo, hiệu quả...

Giáo viên (đứng bên trái) thuyết trình mô hình ĐDDH tại Hội thi Sáng tạo ĐDDH cấp quận
năm học 2012-2013.

Những vật liệu đơn giản thậm chí vật dụng phế thải, tưởng chừng như vô dụng nhưng qua bàn tay khéo léo và khả năng sáng tạo của các thầy cô giáo, đã biến thành đồ chơi, đồ dùng dạy học (ĐDDH) đẹp mắt có ý nghĩa rất lớn trong thực hiện chủ trương đổi mới phương pháp giảng dạy trong nhà trường. Đó là những ấn tượng đáng ghi nhận tại hội thi sáng tạo ĐDDH tự làm, do Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ninh Kiều tổ chức vào cuối tháng 2-2013.

Ông Trần Văn Thiếu, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ninh Kiều, cho biết: “Đây là hội thi truyền thống của ngành giáo dục quận. Qua hội thi này, đã phát hiện nhiều thầy cô giáo tâm huyết với ngành nghề. Cùng trí sáng tạo và tấm lòng vì học sinh thân yêu đã âm thầm, lặng lẽ chuyển những tiết học khô khan thành tiết học sinh động, vui tươi và bổ ích, thông qua việc ứng dụng ĐDDH vào tiết dạy”. Tại hội thi, các ĐDDH đều được chuẩn bị chu đáo, sản phẩm giàu sáng tạo, đa màu sắc. Những mô hình mô tả cách khái quát bài học, giúp học sinh tiếp thu bài thành hệ thống, dễ nhớ. Từ ý tưởng đến nguyên vật liệu là “cây nhà lá vườn” nên giá thành không cao thậm chí không tốn kém chi phí. Điều cốt yếu là dù những sản phẩm này dùng vật liệu phế thải nhưng phải đảm bảo sức khỏe và an toàn cho trẻ.

Theo ghi nhận từ nhiều trường, việc đưa thiết bị tự làm vào giờ học, nhằm cải thiện chất lượng dạy và học theo phương pháp mới, đã khắc phục phần nào cách dạy cứng nhắc, truyền thụ kiến thức một chiều, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện. Các bộ ĐDDH đa dạng và phong phú ở nhiều môn khác nhau như: “Mô hình nhà Rông” của tập thể giáo viên khối 4, Trường Tiểu học An Lạc; mô hình vừa học vừa chơi “Nấc thang kiến thức” của tập thể giáo viên Trường Tiểu học Cái Khế 3…

Trong những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các văn bản về đổi mới phương pháp dạy học, đó là dạy học phải gắn với thực tiễn, xem học sinh là chủ thể giáo dục, thực hiện chương trình cải cách giáo dục, chú trọng phần trực quan sinh động, từ thực tiễn rút ra bài học, lý luận; từ đó, quan tâm đến việc rèn luyện kỹ năng thực hành cho học sinh. Từ chủ trương đó, các phòng học bộ môn đã được quan tâm đầu tư xây dựng, trang thiết bị dạy học; đồ chơi ngoài trời, đồ chơi trong từng nhóm lớp đối với các trường mầm non, mẫu giáo; đồ dùng dạy học của từng cấp lớp tiểu học, THCS đã cung cấp và tạo điều kiện tốt cho thầy trò dạy và học trực quan sinh động ở tất cả môn học.

Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy, với tâm huyết đầu tư tiết dạy đạt hiệu quả, thầy cô đã không dừng lại và bằng lòng với những đồ chơi, ĐDDH  được trang bị. Từ đó, đội ngũ thầy cô với tính sáng tạo đáng trân trọng, thường xuyên suy nghĩ, phát huy sáng tạo để thiết kế và sử dụng rất nhiều đồ chơi, ĐDDH tự làm phục vụ cho các tiết dạy lý thuyết và thực hành. Ngành giáo dục rất trân trọng những việc làm thầm lặng nhưng đạt hiệu quả trong giảng dạy, nên hàng năm đã tổ chức hội thi sáng tạo đồ dùng dạy học để đánh giá và khen thưởng những ý tưởng, việc làm đáng quý của các thầy cô, góp phần động viên, khích lệ và nâng cao tính chủ động, không ngừng sáng tạo đó.

Khá ấn tượng với chúng tôi tại hội thi là những ĐDDH tuy đơn giản nhưng lại có giá trị sử dụng cao ở tất cả các bộ môn tự nhiên, xã hội... Đối với bộ môn Công nghệ thì ĐDDH càng không thể thiếu trong tiết dạy, nên ngoài các ĐDDH do Bộ Giáo dục cấp, giáo viên phải chịu khó mày mò, sưu tầm thêm những thiết bị mới để sử dụng trong giảng dạy. Qua đó nhằm trang bị cho học sinh một số kiến thức về khoa học đời sống mà con người đã và đang áp dụng vào điều kiện sống. Mô hình Nhà máy thủy điện của giáo viên Phạm Minh, Tổ Lý - Công Nghệ, Trường THCS Trần Ngọc Quế, trông khá công phu và bắt mắt, dùng giảng dạy bộ môn Công nghệ lớp 8. Từ  những vật liệu và thiết bị dễ kiếm, đơn giản hoặc sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau và thông qua ĐDDH này, có thể giúp học sinh ĐBSCL hình dung tổng quát và khá toàn diện về nhà máy thủy điện.

Với tiêu chí an toàn, tiết kiệm, hầu hết sản phẩm đều làm từ phế liệu, biến tiết học vốn tẻ nhạt thành sinh động có giá trị khám phá. Như bộ ĐDDH Cây phát sinh - Bộ rễ cọc của cô Trần Thị Nhật Hạnh, Trường THCS An Hòa 2, đã tận dụng nhánh cây chưng sau Tết, vỏ thùng bánh cũ, giấy lịch cũ... Cô Hạnh chia sẻ: “Từ những đồ vật đã sử dụng xong, tôi thấy hình dạng gần giống với mẫu vật trong bài nên nảy ra ý tưởng tận dụng để làm ĐDDH này, minh họa cho bài giảng. ĐDDH này nhìn đơn sơ như vậy nhưng được các em học sinh tiếp cận rất hào hứng và tiếp thu bài học nhanh”.

Ông Trần Văn Thiếu phấn khởi nói: Qua hội thi phát hiện nhiều đồ chơi, ĐDDH thiết thực, đạt hiệu quả sư phạm, kinh tế, dễ thực hiện, không tốn kém chi phí và điều quan trọng là có thể nhân rộng trong toàn ngành, nhằm phục vụ tốt nhất cho việc đổi mới phương pháp giáo dục trong nhà trường, theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bài, ảnh: Minh Hoàng

Chia sẻ bài viết