MAI QUYÊN (Theo AP)
Trong nỗ lực đóng góp cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, một nhà máy gạch nung ở thành phố cảng Hamburg của Đức cho biết họ đang sản xuất loại than sinh học mới từ vỏ ca cao.
Ảnh: AP
Theo Giám đốc điều hành Circular Carbon Peik Stenlund, nhà máy thu vỏ ca cao thông qua mạng lưới các đường ống kết nối với một cơ sở sản xuất sô - cô - la lân cận. Trong quy trình xử lý vỏ ca cao bình thường, carbon bên trong sản phẩm phụ không sử dụng sẽ được giải phóng vào khí quyển khi nó bị phân hủy. Còn tại nhà máy, vỏ ca cao nghiền vụn được nung nóng trong buồng hạn chế oxy ở nhiệt độ lên tới 600 độ C (ảnh). Công nghệ nhiệt phân này không chỉ tạo ra sản phẩm là than sinh học cung cấp cho nông dân địa phương, mà còn tạo ra một lượng đáng kể khí sinh học (biogas) bán lại cho nhà máy lân cận. Trung bình mỗi năm, nhà máy này đã biến 10.000 tấn vỏ ca cao thành 3.500 tấn than sinh học và tạo ra lượng biogas tương đương 20 megawatt điện.
“Vàng đen” từ phế, phụ phẩm nông nghiệp
Than sinh học được mệnh danh là “vàng đen”, dựa trên đặc tính như một bể chứa carbon tự nhiên giúp lưu giữ khí thải carbon dioxide (CO2) trong đất. Theo Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hiệp Quốc, than sinh học có khả năng thu hồi khoảng 2,6 tỉ trong 40 tỉ tấn khí CO2 mà thế giới đang thải ra mỗi năm. Trong ước tính cụ thể, chuyên gia David Houben tại Viện UniLaSalle ở Pháp cho biết một tấn than sinh học có thể chứa tương đương 2,5 đến 3 tấn CO2. Với cấu trúc giống bọt biển, than sinh học còn được ứng dụng trong nông nghiệp nhờ tăng khả năng hấp thụ nước và chất dinh dưỡng của đất, bảo vệ vi khuẩn có lợi cho sự phát triển của cây trồng. Khi phân hủy, than sinh học còn cho ra một loại phân bón hữu cơ tốt và thân thiện môi trường.
Khó khăn hiện nay là ngành công nghiệp này vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, do đó việc mở rộng quy mô sản xuất và ứng dụng sản phẩm vẫn là thách thức lớn. Một trở ngại khác là chi phí. Theo ông Houben, với mức giá 1.070 USD/tấn than sinh học thì đây là khoản kinh phí quá cao đối với một người nông dân. Vì vậy, chuyên gia này cho rằng nên mở rộng phạm vi ứng dụng bột than từ ca cao trong đời sống, chẳng hạn như dùng để sản xuất bê tông “xanh” phục vụ ngành xây dựng.
Để tối ưu hóa lợi nhuận, ngành công nghiệp than sinh học cũng có thể bán tín chỉ carbon cho các công ty đang tìm cách cân bằng lượng khí thải carbon. Theo Giám đốc điều hành Stenlund, việc đưa than sinh học vào hệ thống chứng chỉ carbon được quản lý chặt chẽ của châu Âu sẽ tạo cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp này. Trên khắp châu Âu, các dự án than sinh học đã bắt đầu được mở rộng. Theo liên đoàn công nghiệp than sinh học, sản lượng các sản phẩm trong năm nay dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi, lên 90.000 tấn so với năm 2022.