12/03/2012 - 20:57

PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ SAU THU HOẠCH

Sản xuất lúa gạo bền vững

ĐBSCL tập trung đầu tư cho khâu thu hoạch và sau thu hoạch góp phần làm giảm thất thoát, nâng cao giá trị hạt gạo và tăng thu nhập cho người nông dân.

Hàng năm, với diện tích gieo trồng gần 4 triệu ha lúa, sản lượng đạt trên 21 triệu tấn, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chiếm 50% tổng sản lượng lúa và 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Trong bối cảnh sản xuất lúa gạo phải đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu, thị trường xuất khẩu chịu sự cạnh tranh, ĐBSCL xác định giảm tổn thất sau thu hoạch là khâu then chốt nhằm nâng cao giá trị hạt gạo, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, góp phần cải thiện đời sống của người trồng lúa.

Vì sao chưa tạo bước đột phá?

Theo số liệu thống kê của Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thất thoát lúa trong công đoạn thu hoạch và sau thu hoạch hiện nay gần 3,2 triệu tấn lúa, tương đương 760 triệu USD. Riêng tổn thất ở khâu sấy làm thất thoát khoảng 970.000 tấn, tương đương 233 triệu USD. Công đoạn sấy lúa có mối liên hệ và ảnh hưởng rất lớn đến các khâu sau thu hoạch khác như: bảo quản, xay xát, chế biến... nhưng mức độ cơ giới hóa trong sấy lúa ở ĐBSCL chỉ đạt 39%.

PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng: “Quy trình công nghệ sau thu hoạch lúa hiện nay ở ĐBSCL là một quy trình ngược. Chẳng hạn, trong việc xuất khẩu gạo, lẽ ra sản xuất phải theo nhu cầu của thị trường thì chúng ta lại mua tất cả những gì “nông dân có”. Sau đó đem phơi sấy, xay xát và lau bóng qua loa rồi đem đi tiêu thụ. Sự đảo lộn trật tự công nghệ này đang làm tình trạng tổn thất sau thu hoạch trở nên trầm trọng, hơn nữa chất lượng, giá trị và uy tín hạt gạo ĐBSCL bị giảm sút”. Theo TS Phạm Văn Tấn, Phó Giám đốc Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (SIAEP), bảo quản là khâu yếu nhất trong chuỗi cung ứng lúa gạo hiện nay ở ĐBSCL (chỉ mới đạt 13-15% nhu cầu). Tình trạng “thắt cổ chai” này làm chất lượng và giá trị lúa gạo Việt Nam giảm đi đáng kể. Tổng công suất kho chứa lúa gạo hiện nay ở ĐBSCL khoảng 1,5 triệu tấn. Trong khi để đáp ứng nhu cầu bảo quản lúa gạo phục vụ xuất khẩu, tổng công suất kho bảo quản phải đạt ít nhất 4 triệu tấn...

Bên cạnh đó, do yêu cầu khống chế các loại dịch bệnh, rầy nâu... việc gieo sạ đồng loạt trong thời gian ngắn đã dẫn đến tình trạng thu hoạch tập trung tương ứng khiến hệ thống lò sấy, kho bảo quản trở nên quá tải. “Chúng ta không sấy lúa mà lại sấy gạo, hạt lúa sau khi bóc vỏ thành gạo lức phải “lang thang” vài ngày đến vài tuần rồi mới được xát trắng và lau bóng. Như vậy, thay vì sấy 5 triệu tấn lúa giảm ẩm từ 24% xuống 14%, doanh nghiệp chỉ sấy khoảng 3 triệu tấn gạo, giảm ẩm từ 16-17% xuống còn 14%, lợi năng lượng gấp 5-7 lần. Còn trước đó nông dân muốn phơi hay sấy thì tùy họ. Khởi đầu như một biện pháp đối phó với tình trạng thiếu máy sấy nhưng thực chất đây là quá trình chuyển gánh nặng sấy từ doanh nghiệp qua nông dân...” - ông Nguyễn Văn Xuân, Giám đốc Trung tâm Năng lượng - máy nông nghiệp, Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, phân tích.

Thất thoát sau thu hoạch có những khâu dễ thấy như thu hoạch hoặc xay xát, nhưng lại có những khâu gây hậu quả tiềm ẩn như sấy và bảo quản. Ngoài ra, diện tích sản xuất lúa còn nhỏ lẻ, manh mún là rào cản trong khâu tổ chức sản xuất và áp dụng các thiết bị sau thu hoạch. Hiện nay, công tác khuyến nông chỉ tập trung chủ yếu vào các hoạt động phát triển sản xuất như chuyển đổi cơ cấu giống, lịch thời vụ, khâu chăm sóc, tưới tiêu... chứ chưa chú ý đến việc nâng cao nhận thức và hỗ trợ nông dân giải quyết những tồn tại ở công đoạn sau thu hoạch. Bên cạnh đó, các chính sách của nhà nước chưa đồng bộ và đủ mạnh để thúc đẩy nông dân, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, tạo bước đột phá trong lĩnh vực sau thu hoạch.

Cần giải pháp đồng bộ

Giảm tổn thất sau thu hoạch lúa gạo từ 11-12% xuống còn 5-6% vào năm 2020 theo Nghị quyết 48/NQ-CP của Chính phủ “về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông, thủy sản” là một việc làm không dễ dàng. Tuy nhiên, theo các ngành hữu quan với những kinh nghiệm trong sản xuất và chế biến lúa gạo của Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng thì đây cũng không phải là vấn đề quá khó. TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nhấn mạnh: “Thời gian qua, ĐBSCL đã có những bước đột phá trong thu hoạch lúa. Từ vài trăm máy gặt đập liên hợp năm 2006, đến nay, toàn vùng đã có hơn 6.000 máy gặt đập liên hợp, giải quyết cơ giới hóa khâu thu hoạch hơn 35% diện tích lúa. Người nông dân đã biết được hiệu quả thiết thực của việc thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp nên một số hộ đã mạnh dạn đầu tư làm dịch vụ, giá máy công thu hoạch không còn là vấn đề lớn mà chất lượng máy luôn được đưa lên hàng đầu”.

Theo TS Phạm Văn Tấn, Phó Giám đốc Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (SIAEP), sử dụng silo (kho chứa, bảo quản nông sản dạng hạt) nhằm giảm thiểu tổn thất trong bảo quản lúa gạo ở ĐBSCL là một giải pháp hữu hiệu. Tuy chi phí đầu tư khá cao nhưng bảo quản bằng silo đáp ứng được tất cả các khâu của một phương tiện bảo quản hiện đại như: bảo quản trong thời gian dài, tiết kiệm được mặt bằng và không gian chứa, tiện lợi trong vận hành, tiết kiệm lao động... tạo thế chủ động cho các hoạt động xay xát, kinh doanh và xuất khẩu của doanh nghiệp và đặc biệt phù hợp với xu thế sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn ở ĐBSCL trong tương lai.

PGS.TS Mai Thành Phụng, Trưởng đại diện Trung tâm Khuyến nông quốc gia tại TP Hồ Chí Minh, nói: “Nhờ sấy máy, gạo có chất lượng tốt hơn nên giá bán tăng từ 50-100 đồng/kg nhưng chưa đủ bù vào chi phí sấy khoảng 80-100 đồng/kg... Tuy nhiên, sản xuất lúa hàng hóa với quy mô lớn đòi hỏi chúng ta phải giải quyết rốt ráo bài toán sấy lúa và coi đây là quy trình bắt buộc để bảo vệ hạt lúa và giảm thất thoát sau thu hoạch. Chi phí sấy lúa sẽ được hạch toán vào giá thành sản xuất lúa. Nếu chúng ta chứng minh được sấy lúa mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với chi phí bỏ ra để sấy lúa, chắc chắn sẽ được sự đồng tình từ phía người nông dân”. Bên cạnh việc nâng cấp, đổi mới công nghệ và trang bị thêm các thiết bị bảo quản, ĐBSCL cần hoàn thiện chuỗi cung ứng sau thu hoạch từ khâu sấy lúa, tồn trữ đến khi xay xát ra gạo thành phẩm. Thời gian qua, việc thực hiện mô hình “cánh đồng mẫu lớn” đã thể hiện được mối liên kết “4 nhà” trong việc cung ứng vật tư đầu vào và hỗ trợ đầu ra cho hạt lúa. Điển hình như Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang đã đầu tư trọn gói từ khâu giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật đến khâu sấy lúa, bảo quản cho người nông dân... Đây là một hình thức tổ chức sản xuất tiến bộ, nhằm giảm bớt các khâu trung gian đem lại lợi ích lâu dài cho ngươi trồng lúa, đồng thời nâng cao tính cạnh tranh của hạt gạo Việt - PGS.TS Mai Thành Phụng cho biết thêm.

Để đáp ứng nhu cầu sản xuất lúa hàng hóa trong giai đoạn hội nhập, việc ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất để tăng năng suất, đảm bảo chất lượng sản phẩm, giảm tối đa tổn thất sau thu hoạch là nhu cầu bức thiết. Do đó, Nhà nước cần tiếp tục bổ sung hoàn thiện một số chính sách thúc đẩy ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa; đẩy mạnh quy hoạch xây dựng mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, nhằm phát huy tối đa vai trò liên kết “4 nhà”, đặc biệt là vai trò chủ động của các DN kinh doanh, xuất khẩu gạo trong việc đầu tư hệ thống lò sấy, kho chứa... để thu mua, tạm trữ lúa, nhất là giai đoạn thu hoạch rộ. Đây chính là giải pháp thiết thực góp phần ổn định sản xuất, khắc phục tình trạng “được mùa, mất giá” trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết