27/08/2023 - 08:37

Sản xuất kinh doanh khởi sắc, nhu cầu vay vốn cuối năm tăng 

Bài, ảnh: GIA BẢO

Với tác động của độ trễ chính sách, tín dụng có dấu hiệu tăng trở lại từ tháng 6-2023 đến nay, do mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm về gần mốc tương đương so thời điểm trước đại dịch COVID-19. Nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) cũng đưa ra cam kết giảm lãi suất cho vay với các khoản tín dụng hiện hữu và khoản vay mới, nên dự báo mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm thời gian tới, tạo động lực cho doanh nghiệp (DN) phục hồi sản xuất kinh doanh cuối năm.

Mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay đã giảm, kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cuối năm.

Lãi suất cho vay giảm

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, để hỗ trợ người dân, DN tiếp cận vốn vay từ các TCTD, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất điều hành (tính từ tháng 3-2023 đến nay), với mức giảm từ 0,5-2%/năm. Bên cạnh đó, NHNN cũng đã chỉ đạo các TCTD tiếp tục giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay; cùng với Hiệp hội Ngân hàng kêu gọi các thành viên tiếp tục giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện tối đa cho phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh và đạt được sự đồng thuận của các định chế tài chính lớn trong việc cam kết giảm lãi suất các khoản vay hiện hữu, khoản vay mới.

Thống kê của NHNN, đến nay, lãi suất cho vay đã được các ngân hàng thương mại giảm khá mạnh, nhiều loại hình tín dụng, nhiều đối tượng DN được giảm sâu đến 2-3% so với mức lãi suất cũ (lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng thương mại giảm khoảng 1,3%/năm so với cuối năm 2022). Lãi suất cho vay USD vẫn thấp hơn lãi suất cho vay VND nên DN vay USD vẫn có lợi thế trong bối cảnh tỷ giá ổn định. Theo NHNN, xu hướng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm thời gian tới, do dư địa tăng trưởng tín dụng vẫn còn nhiều và nhu cầu vốn cho sản xuất các tháng cuối năm đang tăng trở lại.

Trên thực tế, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 thấp hơn kịch bản dự kiến, do các khó khăn về tổng cầu sụt giảm, lãi suất tăng, lạm phát ở mức cao… Ðể hỗ trợ nền kinh tế, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ,… góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ DN phục hồi sản suất kinh doanh. Cùng với đó là sự chia sẻ, đồng hành của các TCTD trong việc giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, ổn định, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo NHNN, tín dụng có tín hiệu tăng trở lại từ tháng 6-2023 đến nay. Các ngân hàng thương mại cũng đưa ra nhiều chương trình, gói tín dụng với lãi suất ưu đãi cho khách hàng. Ðơn cử như BIDV triển khai gói 70.000 tỉ đồng cho vay sản suất kinh doanh với lãi suất chỉ từ 7%/năm; Agribank triển khai chương trình tín dụng cho khách hàng DN vay ưu đãi với lãi suất thấp hơn từ 1-1,5% lãi suất thông thường, quy mô chương trình lên đến 100.000 tỉ đồng và 500 triệu USD; VCB dành 100.000 tỉ đồng triển khai chương trình ưu đãi lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn dành cho khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh lãi suất từ 7,5-8,8%/năm; Vietinbank cho vay ưu đãi từ 7,1%/năm với quy mô gói vay lên đến 100.000 tỉ đồng cho khách hàng vay sản xuất, kinh doanh…

Bên cạnh việc giảm lãi suất cho vay, NHNN cũng chỉ đạo các TCTD tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm chi phí thanh toán… để góp phần hỗ trợ khách hàng, DN, hỗ trợ nền kinh tế. Dù vậy, việc tiếp cận vốn vay và năng lực hấp thụ vốn của DN vẫn còn nhiều khó khăn, do đầu ra của thị trường chưa có những phục hồi chắc chắn, nhiều DN vẫn chưa thoát khỏi vùng xoáy suy giảm. Nên để giải quyết bài toán tăng năng lực hấp thụ vốn cho DN, cho nền kinh tế cần sự chung sức của bộ, ngành, các cấp chính quyền và các chủ thể trong nền kinh tế, trọng tâm là củng cố nội lực, tái cấu trúc lại DN nhằm phù hợp bối cảnh mới.

Chung sức hỗ trợ DN

Theo các chuyên gia kinh tế, bối cảnh hiện nay, nhiều ngân hàng Trung ương trên thế giới đang tiếp tục xu hướng điều chỉnh lãi suất cơ bản và lãi suất vẫn đang neo ở mức cao, tiêu dùng vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi nhanh nên thị trường vẫn còn nhiều yếu tố bất định. Các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam thì cho rằng, chính sách tiền tệ cần tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh, nhưng việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay có thể không có tác dụng khuyến khích tăng trưởng tín dụng. Bởi cắt giảm lãi suất, nới lỏng thanh khoản, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ… dù giúp xử lý những khó khăn của thị trường tín dụng trong ngắn hạn, nhưng cũng có thể làm tăng tỷ lệ nợ xấu, phát sinh các rủi ro mới lên hệ thống ngân hàng. Việc cắt giảm lãi suất sẽ làm tăng chênh lệch lãi suất với các thị trường toàn cầu, có khả năng gây áp lực cho tỷ giá… Vì vậy, NHNN cần tăng cường hệ số an toàn vốn ngân hàng, kiểm soát dòng vốn ra thị trường, tăng cơ chế giám sát, can thiệp sớm, xử lý các ngân hàng yếu kém và quản lý tốt thị trường tài chính.

Song song với dòng chảy chính sách tài chính, tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ người dân, DN phục hồi và phát triển sản xuất hiệu quả cần sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng từ Trung ương đến địa phương. Ðồng thời cần sự nhập cuộc mạnh mẽ của các hiệp hội ngành hàng, các DN đầu chuỗi trong kết nối thị trường, tìm kiếm thị trường mới, chia sẻ rủi ro thị trường và sự nỗ lực nội tại của từng DN để biến thách thức thành các cơ hội.

Theo dự báo của WB, tăng trưởng kinh tế Việt Nam chậm lại trong năm 2023 và phục hồi dần trong những năm tiếp theo; cụ thể tăng trưởng năm 2023 dự báo ở mức 4,7%, sang năm 2024 tăng 5,5% và năm 2025 tăng 6%. Nền tảng đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế các tháng cuối năm 2023 là động lực từ đầu tư công, cầu tiêu dùng, xuất khẩu. Vậy nên các chính sách thúc đẩy 3 trụ cột tăng trưởng kinh tế này cần triển khai kịp thời, đồng bộ.

Có thể nói, tín hiệu phục hồi sản xuất kinh doanh đã khởi sắc hơn trong 2 tháng qua và đây cũng là điều kiện để DN có thêm niềm tin, động lực cho mùa sản xuất kinh doanh cuối năm 2023. Nhận định về xu hướng tín dụng các tháng cuối năm 2023 trên địa bàn TP Cần Thơ, ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết: Thời gian qua, các TCTD trên địa bàn đã tăng cường triển khai nhiều giải pháp, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, giảm lãi suất cho vay, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của thành phố. Hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay đã giảm so với các tháng trước.

Theo ông Trần Quốc Hà, nguồn vốn huy động và dư nợ cho vay trong tháng 8-2023 tăng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Ước đến cuối tháng 8-2023, tổng dư nợ cho vay đạt 146.300 tỉ đồng, tăng 3,15% so với tháng 12-2022. Nợ xấu của các TCTD trên địa bàn chiếm 1,98% trên tổng dư nợ. Riêng về lãi suất huy động giảm không nhiều, do mức lãi suất huy động hiện đã gần với mức huy động trước dịch COVID-19. Hiện dư nợ cho vay các lĩnh vực ưu tiên như phát triển nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; hỗ trợ DN nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ đều có dư nợ tăng so cuối năm 2022. Chi nhánh tiếp tục duy trì hoạt động Tổ hỗ trợ DN trong quan hệ tín dụng với ngân hàng trên địa bàn để kịp thời gỡ khó cho DN tiếp cận vốn.

Chia sẻ bài viết