21/02/2019 - 09:08

Sản phẩm làng nghề truyền thống thu hút người tiêu dùng Việt 

Dù còn gặp những khó khăn nhất định, nhưng các làng nghề truyền thống tại TP Cần Thơ vẫn có triển vọng phát triển khi nhiều hộ dân tâm huyết gắn bó với làng nghề và được ngành chức năng quan tâm, hỗ trợ. Đặc biệt, nhiều sản phẩm làm ra từ làng nghề đang được người tiêu dùng đón nhận rất tích cực...

Hút khách

Những năm gần đây, cùng với sản xuất các loại ngư cụ phục vụ nuôi trồng và đánh bắt thủy sản nước ngọt, làng nghề đan lưới Thơm Rơm ở quận Thốt Nốt còn sản xuất nhiều loại ngư cụ cung cấp cho ngư dân đánh bắt trên biển. Các loại lú và ngư cụ đánh bắt cá biển của làng nghề đã có mặt tại thị trường các tỉnh ven biển từ Cà Mau đến các tỉnh duyên hải miền Trung và được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng do bền chắc, có khả năng đánh bắt cá rất tốt. Ông Phạm Phước Phong, chủ tiệm lưới Năm Tấn ở làng nghề đan lưới Thơm Rơm, cho biết: "Nhờ phát triển sản xuất các ngư cụ phục vụ đánh bắt cá biển và đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, hiện nay, các tiệm lưới tại làng nghề hoạt động sản xuất kinh doanh quanh năm, chứ không chỉ tập trung làm các loại ngư cụ đánh bắt thủy sản nước ngọt vào mùa lũ như trước đây. Các sản phẩm chài lưới của làng nghề có chất lượng cao, giá cả cạnh tranh so với hàng nhập khẩu ". Theo nhiều tiệm lưới tại làng nghề đan lưới Thơm Rơm, đầu ra ngư cụ phục vụ đánh bắt cá biển khá mạnh, nhiều cơ sở thuê thêm lao động, hoặc đưa nguyên liệu cho người lao động đem về nhà gia công, mới đáp ứng kịp các đơn hàng.

 Sản xuất bánh tráng tại làng nghề bánh tráng Thuận Hưng.

Nhiều hộ dân tại làng nghề bánh tráng Thuận Hưng ở phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt sản xuất bánh quanh năm và phát triển nhiều sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường. Các sản phẩm bánh tráng của làng nghề làm từ bột tươi, bánh ngon nên được người tiêu dùng tại nhiều tỉnh, thành ưa chuộng. Sản phẩm cũng đã được "xuất ngoại" sang Campuchia và một số nước lân cận. Bà Hà Thị Sáu gắn bó với nghề làm bánh tráng hơn 30 năm nay tại làng nghề, cho biết: "Trước đây, gia đình chủ yếu sản xuất bánh tráng mặn và bánh tráng lạt; khoảng 7-8 năm nay, đã chuyển sang sản xuất loại bánh ngọt (bánh giòn) vì thị trường có nhu cầu nhiều. Đây là loại bánh tráng có đường, mè, nước cốt dừa và bột gạo, nướng ăn rất ngon. Không chỉ vào dịp Tết Nguyên đán mà ngay cả ngày thường, bánh tráng ngọt cũng được tiêu thụ mạnh...".

Sản phẩm bánh tráng ngọt tại làng nghề sản xuất thủ công nên nguồn cung thường không đảm bảo cầu, nhất là những dịp lễ Tết... Nhiều lúc bà con tại làng nghề phải từ chối các đơn hàng với số lượng lớn để đảm bảo nguồn hàng cho mối quen. Đối với việc sản xuất bánh mặn, bước đầu đã có  2 hộ dân tại làng nghề đầu tư máy sản xuất nhưng sản phẩm nhiều lúc cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Theo ông Trần Văn Thành ở làng nghề bánh tráng Thuận Hưng, ông đã đầu tư các máy móc, thiết bị khá hiện đại. Cơ sở sản xuất bánh tráng do ông quản lý đang giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 17 lao động. Mỗi ngày, cơ sở sử dụng khoảng 400kg gạo để sản xuất ra hơn 20.000 cái bánh mặn các loại, với nhiều kích cỡ khác nhau.

Hỗ trợ làng nghề

Để gìn giữ và phát triển các làng nghề truyền thống, cơ quan chức năng địa phương và thành phố đã quan tâm, cùng các làng nghề đẩy mạnh thông tin quảng bá sản phẩm; tạo điều kiện cho người dân tại các làng nghề tham gia thường xuyên các hội thảo, hội chợ để giới thiệu sản phẩm, cập nhật kiến thức về thị trường, thương hiệu sản phẩm và tầm quan trọng về bảo vệ tài sản trí tuệ. Đồng thời, hỗ trợ người dân tiếp cận tín dụng để có nguồn vốn đầu tư, đổi mới thiết bị, công nghệ, máy móc... nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của sản phẩm.

Ông Phan Văn Tấn Tài, Phó Chủ tịch UBND phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cho biết: "Làng nghề bánh Thuận Hưng hình thành gần 200 năm nay, được công nhận là làng nghề truyền thống tại địa phương từ năm 1998. Để duy trì và phát triển làng nghề, UBND phường đã tạo thuận lợi người dân phát triển sản xuất kinh doanh và củng cố các hồ sơ, thủ tục gửi về quận, các cấp thẩm quyền để có chương trình, chính sách hỗ trợ làng nghề phát triển, công nhận nhãn hiệu, thương hiệu cho làng nghề…". Theo Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, làng nghề bánh tráng Thuận Hưng có khoảng 70 hộ hoạt động thường xuyên và khoảng 35 hộ sản xuất theo thời vụ Tết Nguyên đán. Làng nghề thường xuyên giải quyết việc làm cho hơn 450 lao động tại địa phương và hơn 600 lao động vào dịp Tết, với mức thu nhập bình quân từ 80.000 -200.000 đồng/người/ngày. Sản lượng bánh tráng năm qua ước đạt 120 triệu bánh, tăng 18,9% so cùng kỳ và doanh thu làng nghề ước đạt 45 tỉ đồng. Làng nghề đan lưới Thơm Rơm có 35 hộ tham gia sản xuất chính và gần 320 hộ gia công cho các hộ sản xuất chính. Tại làng nghề hiện có khoảng 700 lao động chuyên nghiệp và khoảng 500 lao động thời vụ. Thu nhập bình quân mỗi lao động từ 70.000- 150.000 đồng/người/ngày. Năm qua, doanh thu của làng nghề ước đạt 52 tỉ đồng.

Quận Ô Môn  có một làng nghề truyền thống khá độc đáo đã tồn tại trên 60 năm và  giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Đó là làng nghề bánh kẹo Ba Rích ở phường Thới An. Các sản phẩm bánh kẹo của làng nghề được nhiều người tiêu dùng tại các tỉnh, thành ĐBSCL ưa chuộng do có mẫu mã đẹp, chất lượng và giá cả phải chăng. Theo bà Trần Thị Hồng Yến, Phó Trưởng Phòng Kinh tế quận Ô Môn, làng nghề bánh kẹo Ba Rích được công nhận làng nghề truyền thống từ tháng 7-2015. Hiện làng nghề có trên 50 cơ sở lớn và nhỏ, tạo việc làm cho khoảng 1.000 lao động, trong đó có một số cơ sở có quy mô khá lớn, máy móc thiết bị hiện đại, sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Từ khi làng nghề được công nhận, lãnh đạo quận luôn quan tâm tạo điều kiện để làng nghề phát triển tốt hơn. Phòng Kinh tế quận đã tổ chức, hướng dẫn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách của làng nghề. Khuyến khích các cơ sở mở rộng quy mô, thay đổi máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại để tạo ra những sản phẩm đẹp, có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, hiện thành phố có 4 làng nghề truyền thống được công nhận: làng nghề bánh tráng Thuận Hưng, làng nghề đan lưới Thơm Rơm, làng nghề bánh kẹo Ba Rích và làng hoa kiểng Phó Thọ- Bà Bộ. Doanh thu hằng năm từ 4 làng nghề đạt trên 120 tỉ đồng. Hoạt động của các làng nghề đã góp phần tích cực vào việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần ổn định và phát triển kinh tế- xã hội cho địa phương.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết