 |
Khách hàng lựa chọn sản phẩm và nhờ nhân viên tư vấn tại gian hàng của Công ty CP Xuất nhập khẩu y tế Domesco Đồng Tháp trong dịp hội chợ thương mại An Giang - 2009. |
Suy giảm kinh tế toàn cầu tác động trực tiếp đến thị trường xuất khẩu và sản xuất công nghiệp trong nước. Song, các chuyên gia kinh tế nhận định, đây lại là thời cơ để doanh nghiệp (DN) nhận diện lại thị trường nội địa đầy tiềm năng, Bộ Công thương đã thông qua phương án giải ngân 51 tỉ đồng hỗ trợ DN kích cầu tiêu dùng nội địa. Đây thực sự là cơ hội cho DN khi quay về sân nhà?
Củng cố thị trường
TP Cần Thơ hiện có khoảng 70 DN xuất khẩu. Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, 7 tháng đầu năm 2009, giá trị kim ngạch xuất khẩu và doanh thu dịch vụ thu ngoại tệ của TP Cần Thơ hơn 447,4 triệu USD, đạt 48,2% kế hoạch năm và tăng 0,48% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt hơn 431,9 triệu USD, chỉ tăng 0,65% so cùng kỳ. Gạo và thủy sản là 2 mặt hàng chiếm hơn 80% kim ngạch xuất khẩu của thành phố; trong đó, gạo đạt 159,7 triệu USD, tăng gần 20%, thủy sản chỉ 206,7 triệu USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm 2008. Còn trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thực hiện hơn 8.132 tỉ đồng, đạt gần 50% kế hoạch và tăng 7,9% so với cùng kỳ. Tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, sản xuất công nghiệp và xuất khẩu đều chịu ảnh hưởng, một số DN phải thu hẹp sản xuất để bảo toàn vốn, củng cố mạng lưới phân phối. Khó khăn trong việc quay vòng vốn, thị trường sụt giảm làm mất cân bằng cán cân xuất- nhập khẩu.
Từ đầu năm đến nay, kim ngạch nhập khẩu của TP Cần Thơ giảm gần 28% so cùng kỳ (đạt khoảng 294,4 triệu USD). Còn nhớ năm trước, tình trạng nhập siêu xảy ra phổ biến ở các địa phương trên cả nước và nhiều cuộc họp của lãnh đạo bộ, ngành Trung ương, địa phương nhằm tìm giải pháp cân bằng cán cân xuất- nhập khẩu. Tại TP Cần Thơ, thời điểm này năm trước, kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 408,3 triệu USD, xuất khẩu hơn 445,3 triệu USD. Riêng từ đầu năm đến nay, so với cùng kỳ, một số mặt hàng có lượng nhập khẩu giảm như: xăng dầu giảm 4% (đạt 250.027 tấn); nguyên liệu dược phẩm giảm 27,4% ( đạt 12.921 tấn); vải các loại hơn 6,5 triệu USD (cùng kỳ 11,6 triệu USD); phụ liệu may mặc hơn 4,63 triệu USD (cùng kỳ trên 11,3 triệu USD); sắt thép 10.777 tấn (cùng kỳ 35.574 tấn). Chỉ có mặt hàng phân bón tăng 19,5% (đạt 131.687 tấn). Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ Lê Văn Hừng cho biết: “Sản xuất công nghiệp mới đạt gần 50% kế hoạch năm, cán cân xuất- nhập khẩu hiện đang mất cân bằng. Nhưng nền kinh tế thành phố vẫn giữ vững tăng trưởng dương, cùng với chính sách kích cầu đang phát huy tác dụng, thị trường nhập khẩu đang phục hồi. Theo qui luật cung- cầu, sức cầu trên thị trường sẽ tăng vào dịp cuối năm và cũng là thời điểm DN vào cao điểm sản xuất. Tuy nhiên, vấn đề là bao nhiêu DN biết nắm bắt cơ hội này”. Theo ông Hừng, do thiếu phân khúc thị trường cho từng đối tượng tiêu dùng cụ thể, nên nhiều DN bị động trong việc bán hàng ở thị trường nội địa. Đặc biệt đối với DN xuất khẩu thị trường nội địa đang là lỗ hổng rất lớn.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, việc củng cố thị trường nội địa đối với DN là rất cần thiết, bởi thị trường nội địa sức mua ổn định. Tuy nhiên, các mặt hàng như: thủy sản, may mặc... do nguồn cung khá lớn, trong khi sức cầu nội địa khó “tiêu” hết. Thêm vào đó, thị trường nội địa, DN lớn trong nước và các DN nước ngoài chia nhau thị phần. Bộ Công thương vừa phê duyệt chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước năm 2009 trị giá hơn 51 tỉ đồng. Số tiền này dùng hỗ trợ cho DN kinh phí điều tra, khảo sát thị trường và mạng lưới phân phối trong nước, hoạt động truyền thông. Mặt khác, hỗ trợ 70% kinh phí tổ chức hội chợ hàng nông sản, sản phẩm làng nghề phía Nam và phía Bắc; 70% kinh phí cho các đợt bán hàng Việt về nông thôn, công nhân các khu công nghiệp, khu đô thị... Tham gia chương trình, DN phải đăng ký với Vụ Thị trường trong nước và được Bộ trưởng Bộ Công thương phê duyệt. Hoạt động này được xem là khâu đột phá trong kích cầu tiêu dùng nội địa, nhưng việc tiếp cận nguồn hỗ trợ này không phải DN nào cũng nắm bắt được cơ hội.
Tạo dựng thương hiệu
Theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7-2009 tăng 0,36% so với tháng trước và tăng 3,37% so với tháng 12-2008. Tháng 7, phần lớn nhóm hàng trong rổ tính CPI đều dương, như: nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,84%, nhóm giao thông- bưu chính viễn thông tăng đến 4,16 do tác động của giá xăng dầu, nhóm giáo dục cũng tăng 0,25%. Riêng nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (chiếm non nửa rổ hàng hóa tính CPI) chỉ bằng 99,98% so với tháng trước, trong đó lương thực bằng 99,63%. Từ tháng 5-2009 đến nay, CPI của TP Cần Thơ đã tăng 1,51%; trong đó hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,09% (nhóm thực phẩm tăng 1,98%, nhóm lương thực tăng 1,05%). Theo nhận định của các ngành chức năng, trong tháng 7, giá cả các nhóm hàng thực phẩm có chiều hướng tăng, do xăng dầu tăng đã đội chi phí sản xuất lên cao vì phải chịu thêm phí vận chuyển.
CPI dương, đồng nghĩa với việc sức tiêu dùng trên thị trường tăng, nhưng giá cả có xu hướng tăng thì việc “thắt lưng buộc bụng” trong chi tiêu gia đình sẽ được người dân tính toán khá chi li. Trong 7 tháng đầu năm 2009, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội trên địa bàn TP Cần Thơ đạt hơn 12.771 tỉ đồng, tăng gần 21% so cùng kỳ. Trong đó, thành phần kinh tế cá thể chiếm tỷ trọng cao nhất với gần 59%, đây cũng là kênh phân phối bán lẻ chính trên thị trường và kế đến là thành phần kinh tế tư nhân hơn 37%. Phân theo ngành thì ngành thương nghiệp chiếm gần 82% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, đồng thời tăng hơn 20,5% so cùng kỳ.
Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ Lê Văn Hừng cho rằng: “Hiện nay, trên địa bàn thành phố đã hình thành mạng lưới phân phối khá đa dạng, các chợ truyền thống, siêu thị thực hiện bán buôn và bán lẻ cho cả vùng. Một số DN làm đầu mối nhập khẩu hàng hóa và phân phối đi các địa phương. Thị trường xuất khẩu đang khó, nhưng cũng ít DN nào quay về thị trường nội địa mà DN sẽ tìm thị trường mới, hoặc lưu kho chờ thời cơ. Do lâu nay, việc xúc tiến thương mại phần lớn DN tự làm, còn thành phố vẫn chưa có nhiều chương trình lớn, mang tính đột phá, qui mô. Thêm vào đó, công tác dự báo bất cập, việc nắm bắt thông tin một cách kịp thời để gỡ khó cho DN chưa được chuyên nghiệp và đòi hỏi nhiều yếu tố, nhất là thông tin từ nhà nhập khẩu”. Theo ông Hừng, ngành công thương thành phố đã ký kết hợp tác cùng với các địa phương vùng ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh, nhưng hiện tại chỉ mới trao đổi thông tin 2 chiều về hoạt động của ngành, việc hợp tác giữa các DN với nhau còn mới mẻ và chưa nhiều DN tham gia.
Trong bối cảnh khó khăn của thị trường xuất khẩu, nhiều DN cho rằng, việc củng cố thị trường nội địa cũng là giải pháp để giải quyết khó khăn, nhưng tạo dựng thương hiệu mới là khâu quyết định. Bởi quay về thị trường nội địa mà không có thương hiệu mạnh thì việc xúc tiến thương mại sẽ tốn kém cả nhân lực, thời gian và tài chính. Cùng với những rào cản ngay tại sân nhà (như đối với DN xuất khẩu gạo phải chịu thêm 5% thuế suất VAT khi bán gạo nội địa) cũng làm nhiều DN phải cân nhắc. Ông Trần Phước Thuấn, Phó Giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu nông sản Cần Thơ, nhận xét: “Xuất khẩu khó khăn, các DN nên quay về thị trường nội địa, nhất là DN kinh doanh lương thực. Đây cũng là cơ hội để xây dựng thương hiệu, nếu không chỉ trong tương lai rất gần, DN xuất khẩu sẽ gặp khó. Tuy nhiên, phải xây dựng vững chắc thương hiệu ở thị trường nội địa và điều này cần có thời gian cùng chiến lược dài hơi. Khi có thương hiệu mạnh ở nội địa cũng tạo điều kiện đẩy mạnh thị trường xuất khẩu”.
Bài, ảnh: GIA BẢO