24/11/2016 - 20:53

Sản lượng điện Mặt trời sẽ tăng gấp 6 lần vào năm 2030

 Công ty ở Hungary lót vỉa hè bằng tấm lát trưng thu NLMT

Lượng điện tạo ra nhờ sử dụng các tấm pin năng lượng Mặt trời (NLMT) sẽ tăng gấp 6 lần vào năm 2030, khi chi phí sản xuất giảm xuống mức có thể cạnh tranh với các nhà máy chạy bằng than và khí tự nhiên, theo nhận định của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA).

Các nhà máy sử dụng công nghệ quang điện có thể chiếm từ 8-13% sản lượng điện trên toàn cầu vào năm 2030, so với chỉ 1,2% hồi cuối năm ngoái. Giá điện trung bình do một hệ thống quang điện tạo ra được cho sẽ giảm đến 59% vào năm 2025, giúp NLMT trở thành nguồn điện năng rẻ nhất với sản lượng ngày một tăng. Dự báo này dựa trên cơ sở giá điện trung bình từ một hệ thống quang điện năm 2015 chỉ còn 0,13 USD/kWh, cao hơn giá điện từ các nhà máy đốt than đá và khí đốt chỉ từ 5-10%. Cũng theo IRENA, so với chi phí sản xuất điện của các nhà máy đốt than và khí tự nhiên hiện ở mức lần lượt là 3 USD/watt và 1-1,3 USD/watt, chi phí lắp đặt hệ thống sản xuất điện NLMT năm 2015 trung bình là 1,8 USD/watt, thậm chí được dự báo có thể giảm còn 0,79 USD/watt vào năm 2025. Lợi thế cạnh tranh của quang điện chính là nguồn nguyên liệu vô tận, trong khi tài nguyên than và khí ngày một giảm.

IRENA cho biết lưới điện thông minh, các hệ thống phân phối điện từ nhiều nguồn khác nhau và công nghệ tích trữ năng lượng mới sẽ thúc đẩy thế giới sử dụng NLMT nhiều hơn. Sản lượng quang điện toàn cầu dự kiến đạt từ 1.760-2.500 GW vào năm 2030, so với 227 GW hồi cuối năm 2015.

 Một đoạn vỉa hè trưng thu năng lượng Mặt trời của công ty Platio. Ảnh: techcrunch

Với mong muốn lắp đặt các tấm pin NLMT ở khắp mọi nơi, công ty mới khởi nghiệp Platio ở Hungary bắt đầu kế hoạch của họ từ các vỉa hè.

Hệ thống pin do nhóm kỹ sư và kiến trúc sư Platio tạo ra gồm các tấm pin NLMT rắn chắc xếp chồng lên tấm nhựa dẻo để chúng không bị vỡ khi bị giẫm lên hoặc xe cán qua. Từng tấm pin được ráp với nhau rất chắc chắn, còn dây điện bên trong thì được nối liền mạch. Đây là thành quả của một nhóm bạn yêu thích công nghệ thân thiện với môi trường. Đến nay, Platio đã huy động được 70.000 USD cho dự án và họ đã bán 150 m2 tấm lát NLMT cho các dự án thí điểm. Sản phẩm được tái chế từ nhựa phế thải này được đánh giá là một nỗ lực tuyệt vời để vừa tạo ra năng lượng sạch vừa giảm rác thải.

Trong khi đó ở Anh, một nhóm nghiên cứu đã cho ra đời các tấm pin quang năng làm bằng thiếc thay vì chì, hứa hẹn sẽ là đột phá mới trong công nghệ NLMT.

Các tấm pin dựa trên loại vật liệu bán dẫn có tên perovskite đang nổi lên như một lựa chọn hiệu quả để chuyển đổi trực tiếp ánh nắng thành điện năng. Tuy nhiên, độc tính trong chì (thành phần quan trọng trong perovskite) chính là rào cản lớn đối với khả năng thương mại hóa loại pin này, nên nhóm nghiên cứu đã thay thế chì bằng thiếc. Trong bài báo đăng trên tạp chí nature Energy, Tiến sĩ Ross Hatton, Giáo sư Richard Walton và các cộng sự tại Đại học Warwick đã chứng minh pin quang năng bằng thiếc dễ sản xuất và lắp ráp hơn các loại pin khác. Loại pin không chì mới cũng rẻ hơn, an toàn hơn và có khả năng thương mại hóa cao hơn, có thể cạnh tranh với các dòng pin NLMT hiện hành, đặc biệt là ứng dụng cho các thiết bị như điện thoại di động, máy tính xách tay và xe điện.

HẠNH NGUYÊN
(Theo Bloomberg, Sciencedaily, Techcrunch)

Chia sẻ bài viết