“Cần đưa sách vào diện mặt hàng thiết yếu”, đề xuất gần đây của các NXB và đơn vị phát hành sách, nhận được nhiều sự quan tâm. Ðiều dư luận đặt ra là đọc sách thế nào giữa những ngày giãn cách?

Một nữ sinh nghe sách nói trên ứng dụng Fonos.
Cụ thể, tại hội nghị trực tuyến với các đơn vị xuất bản và phát hành do Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức mới đây, lãnh đạo các đơn vị như NXB Trẻ, FAHASA, Thái Hà Books, Nhã Nam... đều đề xuất nên coi sách là mặt hàng thiết yếu. Về vấn đề này, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành, cũng cho rằng: Nên coi sách là một trong những mặt hàng góp phần nuôi dưỡng đời sống tinh thần của mỗi người. Bộ Thông tin và Truyền thông và Cục Xuất bản, in và phát hành sẽ gửi văn bản tới các đơn vị, cơ quan để có giải pháp phù hợp đưa sách vào diện hàng hóa được ưu tiên trong việc vận chuyển, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, của học sinh sắp đến trường.
Vấn đề này khiến nhiều người suy nghĩ ở 2 phương diện. Thứ nhất, rõ ràng, sách đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, lĩnh hội kiến thức của mỗi người. Việc đề cao vai trò của sách như trên là tín hiệu đáng mừng, cho thấy sự quan tâm đối với việc phát triển văn hóa đọc. Thứ hai, nhiều người cũng bày tỏ băn khoăn nên có những giải pháp căn cơ để gỡ khó, bình ổn thị trường sách Việt Nam từ khâu viết, in ấn, xuất bản, phát hành... chứ không nên chỉ dừng lại ở chuyện “mặt hàng thiết yếu”. Bởi “hiệu ứng domino” do ảnh hưởng của dịch COVID-19 sẽ xô đổ từ khâu này đến khâu khác, tác động chung đến văn hóa đọc của nước ta. Từ đó, nên chăng cần mở rộng thị trường phát hành sách, trong đó có audiobook (sách nói), nhất là trong bối cảnh giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19.
Sách nói đã phát triển tại Việt Nam từ nhiều năm, nhưng thực sự trở thành nguồn lực của thị trường phát hành sách chỉ từ 2 năm qua. Tiên phong và hiệu quả trong lĩnh vực này phải kể đến 2 nền tảng sách nói Voiz FM và Fonos. Hai nền tảng này có sự hợp tác bản quyền từ những “đại gia” sách như First News - Trí Việt, Bách Việt, SaigonBooks, Nhã Nam, Alphabooks, Thái Hà... đã thu hút hàng triệu lượt nghe đến thời điểm này. Ðặc biệt, Alpha Books và Fonos cũng vừa phối hợp thực hiện chương trình “Sách nói miễn phí cho ngày cách ly”, nhằm giúp người dân có điều kiện giải trí, tiếp cận với sách trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Lợi thế của sách nói là không cần phải mua mặt hàng cơ hữu mà chỉ là quyền truy cập để nghe. Người sử dụng sách nói có thể nghe sách mọi lúc, mọi nơi và chọn những cuốn sách mình thích, trong kho sách dữ liệu đa dạng của các nền tảng. Ðặc biệt, việc tiết kiệm tài chính khi tiếp cận sách cũng là một tiêu chí được người dùng quan tâm.
Sách nói tỏ ra rất hợp thời trong thời đại kỷ nguyên số. Tiếp nối Ðề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2020-2025, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Ðề án cho giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, giải pháp quan trọng trong thời gian tới là ứng dụng chuyển đổi số, đa dạng hình thức tiếp cận bạn đọc đối với hệ thống thư viện công cộng và thị trường cung ứng văn hóa phẩm.
Bài, ảnh: DUY LỮ