02/12/2019 - 09:05

Sạch bóng IS trên Internet 

Giáng đòn mạnh vào nỗ lực cực đoan hóa của bọn khủng bố, các cơ quan thực thi pháp luật châu Âu đã dọn sạch thông tin tuyên truyền của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trên 9 dịch vụ trực tuyến phổ biến hiện nay như Google, Twitter và Instagram.

Hồi tuần rồi, hơn 26.000 tài liệu, bao gồm video, sách báo, tài khoản mạng xã hội và các kênh liên lạc, đã bị các cơ quan chức năng gắn mác là nội dung tuyên truyền khủng bố. Europol- cơ quan thực thi pháp luật của Liên minh châu Âu (EU)- lập tức gửi số tài liệu này cho nhiều nhà cung cấp dịch vụ để tiến hành gỡ bỏ. Trong đó, các tài liệu tuyên truyền đáng ngại nhất được phát hiện trên Telegram- ứng dụng nhắn tin trực tuyến hiện có khoảng 200 triệu người dùng. Kết quả là số lượng lớn phần tử chủ chốt trong mạng lưới IS đã bị đá văng khỏi nền tảng này. Ngoài ra, các tài khoản liên quan đến trang tin Amaq News của IS cũng không còn. Trong chiến dịch trên, cảnh sát Tây Ban Nha đã bắt giữ một đối tượng bị nghi phát tán tài liệu tuyên truyền của IS. Trong cuộc họp báo cuối tháng 11, công tố viên liên bang Bỉ Eric Van Der Sypt nhấn mạnh xóa sổ sự hiện diện của IS trên mạng cũng quan trọng như chống chúng ngoài chiến trường.

IS coi Telegram là công cụ yêu thích để tuyên truyền cũng như chiêu mộ chiến binh mới. Ảnh: BBC

Hoạt động trên là một phần trong nỗ lực của 12 nước thuộc EU nhằm chặt đứt mạng lưới liên lạc của các tổ chức khủng bố. Vụ tịch thu máy chủ của IS hồi tháng 6-2017 từng giúp điểm mặt những kẻ ủng hộ bị cực đoan hóa tại 133 quốc gia. Chiến dịch này cho thấy tài liệu tuyên truyền khủng bố đã được 52.000 người truy cập với tổng cộng hơn 200 triệu lượt. Đến tháng 4 năm ngoái, các cơ quan thực thi pháp luật của EU, Canada và Mỹ đã phối hợp đánh sập cơ sở hạ tầng web của IS, khiến chúng phải phụ thuộc chủ yếu vào mạng xã hội và các dịch vụ nhắn tin để phát tán nội dung độc hại. Tính từ tháng 8-2016 đến nay, châu Âu đã mở 4 cuộc trấn áp IS trên mạng Internet. Những phần tử tuyên truyền của IS thậm chí tìm cách khai thác ứng dụng mạng xã hội TikTok như là công cụ chiêu mộ tân binh. Theo đó, TikTok đã xóa khoảng 20 tài khoản tuyên truyền của nhóm khủng bố này. Hồi tháng 9 vừa rồi, Facebook cho biết họ đã gỡ bỏ hơn 26 triệu tài liệu tuyên truyền khủng bố trên toàn cầu trong 2 năm qua.

Mặc dù cái gọi là "vương triều Hồi giáo" của IS hiện không còn, báo cáo hồi tháng 7 của Liên Hiệp Quốc cảnh báo tổ chức khủng bố khét tiếng này đang sử dụng Internet để phục vụ cho mục đích tái thiết mạng lưới trên toàn cầu của chúng.

Tài liệu này hé lộ cách thức IS đang phát triển thành một "mạng lưới chủ yếu hoạt động ngầm" và duy trì phong trào nổi dậy tại khu vực từng thuộc "vương triều" của chúng. Tuy nhiên, IS vẫn có khả năng truyền cảm hứng hoặc thực hiện những vụ tấn công quốc tế bằng cách sử dụng hoạt động tuyên truyền để duy trì danh tiếng là tổ chức khủng bố hàng đầu thế giới- "Vương triều ảo". Theo báo cáo, IS gần đây còn tập trung cải thiện những kỹ năng của những kẻ tấn công tiềm tàng ở nước ngoài thông qua việc gieo rắc những bài giảng trực tuyến về cách chế tạo "các vũ khí sinh học và hóa học tự làm". Mặt khác, chúng cũng xúi giục thực hiện "những vụ tấn công công nghệ thấp", chẳng hạn như đâm chém và lái xe tông vào dân thường, như từng xảy ra trên khắp châu Âu và thế giới trong những năm gần đây.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng trưng bằng chứng cho thấy IS đã sử dụng web đen để mua giấy thông hành giả mạo nhằm tạo điều kiện cho các phần tử khủng bố vượt biên. Chi tiết này trùng khớp với thông tin trước đây nói IS mua giấy thông hành trái phép từ băng đảng mafia Ý trên trang web đen.

HẠNH NGUYÊN (Theo NPR)

Chia sẻ bài viết