14/09/2015 - 21:38

Kiên Giang

Sắc thái mới thị xã Hà Tiên

Thị xã Hà Tiên được công nhận thành đô thị loại III và hiện đã hoàn tất thủ tục xin công nhận thành phố trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Để trở thành thành phố văn hóa, xanh - sạch - đẹp, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã vùng biên tiếp tục phấn đấu trong những năm tiếp theo.

Theo ông Huỳnh Duy Minh, Bí thư Thị ủy Hà Tiên, thị xã xác định phát triển theo hướng đô thị du lịch, thương mại, nhưng vẫn mang nét đẹp hiền hòa, nên thơ và cổ kính. Hà Tiên có vị trí quan trọng trong giao thương quốc tế, giáp với Vương quốc Campuchia có đường biên giới dài 13,7km. Trước đây, thời Pháp thuộc, Hà Tiên từng là trung tâm của một tỉnh. Sau ngày giải phóng, Hà Tiên là một huyện, đến năm 1998 chia tách thành huyện Kiên Lương và thành lập thị xã Hà Tiên cho đến nay. Hà Tiên hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành đô thị phát triển. Hiện trung tâm thị xã có nhiều công trình được xây dựng hoàn thành. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông, cấp nước, thoát nước được đầu tư đồng bộ. Tỷ lệ các tuyến phố chính khu nội thị được chiếu sáng đạt 100%. Hệ thống cấp nước tổng công suất 9.300m3/ngày, đêm. Tỷ lệ dân số khu vực nội thị được cấp nước sinh hoạt đạt 93%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân tăng 18%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 64 triệu đồng/năm. Mạng lưới điện thoại di động được phủ sóng toàn bộ khu vực dân cư; truyền hình cáp, mạng cáp quang chất lượng.

Một góc đô thị thị xã Hà Tiên.

Xa cách bao năm, ông Mạc Hữu Khoa, ngụ thành phố Hồ Chí Minh không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi của Hà Tiên ngày nay. Ông Khoa cho biết, trước đây ông sống ở Hà Tiên, sau lên thành phố lập nghiệp. Lúc bấy giờ, đời sống của người dân Hà Tiên còn nhiều khó khăn. Bên núi Tô Châu muốn sang chợ Hà Tiên người dân phải qua cầu nổi, mua vé tốn kém. Giờ, cầu Tô Châu được xây dựng đi lại thuận tiện, nhiều nhà cao tầng mọc lên, các địa điểm du lịch thu hút nhiều du khách các nơi về tham quan.

Chỉ tính riêng từ năm 2010 đến nay, nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của Hà Tiên đạt trên 5.000 tỉ đồng, trong đó có một số công trình nổi bật, như: Trung tâm thương mại thị xã; đường hành lang ven biển phía Nam đoạn qua thị xã; khu đô thị mới, ngầm hóa hệ thống dẫn điện; nâng cấp các tuyến đường nội ô… Với lợi thế là thị xã du lịch, Hà Tiên thu hút đông đảo doanh nghiệp đến đầu tư dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn, khu vui chơi giải trí. Hằng năm, thị xã vùng biên này đón trên 2 triệu lượt khách du lịch.

Theo ông Huỳnh Duy Minh, Bí thư Thị ủy Hà Tiên, để thị xã vùng biên sớm trở thành thành phố xanh - sạch - đẹp trong thời gian tới, trước mắt, các ngành hữu quan thị xã tập trung công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý thức xây dựng khu đô thị đẹp, văn minh gắn với công việc hằng ngày của mỗi người, mỗi nhà. UBND thị xã Hà Tiên chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường kiểm tra và xử phạt nghiêm đối với các trường hợp vi phạm trật tự đô thị, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường. Đồng thời, huy động nguồn vốn tiếp tục nâng cao, cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo phục vụ tốt hơn cho người dân; xây dựng đô thị gắn liền với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư". Bên cạnh đó, việc kết nối tour du lịch "tam giác" Hà Tiên - Phú Quốc - Rạch Giá có nhiều thuận lợi, sẽ tạo động lực thúc đẩy Hà Tiên phát triển. Do vậy, hướng tới không chỉ phát triển du lịch, dịch vụ ở Hà Tiên kết nối với Rạch Giá, Phú Quốc mà còn phải gắn với một số địa phương lân cận như An Giang, Cần Thơ, thậm chí có thể kết nối với một số tỉnh giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia. Trong đó, Hà Tiên sẽ chú trọng phát triển các cơ sở lưu trú chất lượng cao; sản phẩm du lịch độc đáo, đa dạng; môi trường du lịch mang đậm tính văn hóa, giữ được bản sắc riêng của Hà Tiên. Nghiên cứu cải tạo, phát huy đầm Đông Hồ; tôn tạo phát huy các di tích; xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp, tạo điểm nhấn đặc trưng của Hà Tiên.

Bài, ảnh: LÊ SEN

Chia sẻ bài viết