12/07/2010 - 21:27

Rùa tai đỏ - "sát thủ thầm lặng" của môi trường

Với đặc tính ăn tạp và dễ thích nghi với nhiều môi trường sống khác nhau, rùa tai đỏ đứng đầu danh sách 100 loài sinh vật nguy hại nhất thế giới và 206 loài xâm hại toàn cầu. Tuy nhiên, số lượng loài rùa này không ngừng sinh sôi, nảy nở và làm dấy lên mối lo ngại chúng sẽ đe dọa nghiêm trọng đến hệ sinh thái.

Ảnh: survey-arg.org.uk

Rùa tai đỏ (tên khoa học Trachemys Scripta) là loài động vật bán thủy sinh, xuất xứ từ thung lũng Mississippi (Mỹ) và được xuất khẩu sang nhiều nước khác để làm vật nuôi hoặc chế biến thực phẩm. Chúng nổi bật với hai viền màu đỏ đặc trưng nằm ngay phía sau mắt (ảnh), chiếc mai trơn láng có nhiều sọc vàng. Chúng sống ở cả vùng nước ngọt và nước lợ. Rùa con lúc mới nở dài chừng 2 cm nhưng khi trưởng thành chúng có thể đạt 25-33 cm (con cái) và 20-25 cm (con đực) và có thể sống khoảng 50-70 năm. Con cái có thể sinh sản ở độ tuổi 2-5 tuổi. Mùa giao phối thường diễn ra từ tháng 3 đến đầu tháng 7 và sau vài tuần, con cái sẽ đẻ trứng. Một con rùa cái có thể đẻ 5 ổ trứng mỗi năm với 2-30 trứng mỗi ổ.

Do ăn tất cả các loài cá, tôm, cua, ốc, ếch, nhái... và nhiều loài thực vật thủy sinh khác, nên khi rùa tai đỏ thoát ra môi trường sống sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cân bằng sinh thái bản địa. Đặc biệt, rùa tai đỏ không có nước bọt và chiếc lưỡi cố định nên chúng chỉ có thể nuốt thức ăn ở dưới nước. Theo báo cáo Dữ liệu về những loài vật xâm hại, rùa tai đỏ là tác nhân làm suy giảm đa dạng sinh học toàn cầu và làm gia tăng số loài có nguy cơ bị tuyệt chủng. Chúng rất hung hãn khi tranh giành thức ăn và nơi sinh sản nên thường được coi là không chỉ gây hại cho môi sinh mà còn là mầm mống gieo rắc bệnh tật cho người.

Cụ thể, chúng có thể lây truyền vi khuẩn salmonella gây tiêu chảy và thương hàn cho người, nhất là những người sống ở vùng sông nước. Năm 1975, Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ ban hành lệnh cấm buôn bán rùa có kích cỡ dưới 10 cm vì lý do bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Một số tiểu bang cũng ban bố những điều luật cấm nuôi loài vật xâm hại môi trường này. Tại Úc, chính phủ cấm người dân sở hữu rùa tai đỏ ở bất kỳ hình thức nào vì nó có thể đe dọa đời sống hoang dã. Những ai vi phạm có thể bị phạt tiền lên tới 100.000 USD (1,9 tỉ đồng), hoặc bị phạt ít nhất 5 năm tù. Ngoài ra, tất cả các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng cấm nhập khẩu loại rùa này do lo ngại chúng gây mất cân bằng sinh thái.

Rùa tai đỏ bị Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) liệt vào danh sách 206 loài xâm hại toàn cầu và 100 loài nguy hiểm nhất thế giới. Tuy nhiên, loài vật này vẫn được người dân ở nhiều nước nuôi làm cảnh trong khi một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam, thì nhập về để nuôi lấy thịt. Hiệu quả kinh tế chưa rõ đến đâu, nhưng nhiều bằng chứng cho thấy tác hại của chúng đang khiến nhiều người phải đau đầu.

HOÀNG ĐIỂU (Theo ISSG.org, CaliforniaHerps.com, Wikipedia)

Tại Việt Nam, rùa tai đỏ xuất hiện trong khoảng 10 năm trở lại đây. Các nhà khoa học cho biết sức tàn phá của rùa tai đỏ đối với môi trường nghiêm trọng hơn nhiều so với các loại động thực vật du nhập trước đây như ốc bươu vàng, bèo tây, cây mai dương… Chẳng hạn tại Hồ Gươm (Hà Nội), các “cụ rùa” đang phải cạnh tranh khốc liệt nguồn thức ăn với rùa tai đỏ do người dân phóng sinh. Hành vi phóng sinh rùa tai đỏ ra sông, kênh rạch còn tạo điều kiện cho chúng sinh sôi ngoài môi trường, đe dọa đến sự tồn vong của nhiều loài thủy sinh, lưỡng cư bản địa.


Chia sẻ bài viết