01/02/2013 - 15:29

Rũ bỏ vai trò cấp thấp

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hôm 30-1 đã ký sắc lệnh hủy bỏ thỏa thuận hợp tác phòng chống các loại tội phạm kéo dài 10 năm qua với Mỹ vì cho rằng nó không còn phù hợp trên thực tế nữa. Bộ Ngoại giao Nga ra thông cáo bày tỏ sự biết ơn đối với khoản viện trợ 12 triệu USD/năm của Mỹ cho các dự án chống tội phạm ở Nga trong suốt thập niên qua, đồng thời nhấn mạnh Mát-xcơ-va không cần thêm sự trợ giúp đó, bởi “từ một nước nhận viện trợ của phương Tây, Nga đã trở thành nhà tài trợ cho các chương trình như vậy ở các quốc gia Trung Á và Afghanistan”.

Thế nhưng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland lại tuyên bố “lấy làm tiếc” quyết định của Nga, cho rằng thỏa thuận trên là “khuôn khổ pháp lý nền tảng cho sự hợp tác rất có hiệu quả trong các nỗ lực chống khủng bố, tham nhũng, ngăn chặn buôn bán người và ma túy”. “Theo đánh giá của chúng tôi, hành động này sẽ tự chuốc lấy thất bại, vì phần lớn các cơ quan pháp luật Nga cần nhận được sự huấn luyện của người Mỹ”- bà Nuland cảnh báo.

Hãng tin Mỹ AP cho rằng động thái trên là dấu hiệu mới nhất bộc lộ sự căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Mát-xcơ-va và Washington kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin trở lại Điện Kremlin hồi tháng 5-2012. Đây là lần thứ 3 trong vòng 6 tháng qua, Nga đơn phương rút các thỏa thuận tay đôi với Mỹ. Hồi tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Putin cấm công dân Mỹ nhận con nuôi từ Nga nhằm đáp trả đạo luật nhân quyền của Washington. Trước đó hồi tháng 9, Mát-xcơ-va yêu cầu Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) chấm dứt mọi hoạt động tại Nga. Về phần mình, mới tuần rồi, Nhà Trắng cũng đã triệu hồi nhóm công tác liên chính phủ có chức năng thúc đẩy chính sách “khởi động lại” quan hệ với Nga. Và trong tháng 2 tới, như lời cảnh báo đã được đưa ra, Nga có thể ngừng chương trình Nunn-Lugar đã kéo dài 20 năm với Mỹ. Đây là thỏa thuận hết sức quan trọng, giúp Nga dỡ bỏ, tiêu hủy an toàn các loại vũ khí hóa học và hạt nhân cực kỳ nguy hiểm cho thế giới.

Giải thích cho những quyết định trên, chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga, ông Alexei Pushkov nhấn mạnh: “Nga đang thay đổi cấu trúc quan hệ với Mỹ. Chúng ta đang chấm dứt sự phụ thuộc vào siêu cường số một thế giới”. Các chuyên gia Nga đã dự báo nhiệm kỳ tổng thống thứ ba của ông Putin sẽ làm thay đổi vị thế của nước Nga với thế giới bên ngoài. Theo họ, Putin sẽ rũ bỏ các thỏa thuận hợp tác và những mối quan hệ quốc tế mà ông nhận thấy là làm mất vị thế của nước Nga, một cường quốc bị coi có vai trò phụ thuộc hoặc “đối tác cấp thấp”.

Fyodor Lukyanov, chủ bút của nhật báo đối ngoại “Nước Nga trong các vấn đề quốc tế” có trụ sở tại Mát-xcơ-va, bình luận: “Tất cả các thỏa thuận và kết cấu quan hệ mà phần lớn được hình thành hồi những năm 1990 dựa trên khái niệm một nước Mỹ giàu có và hùng mạnh với một nước Nga nghèo nàn và yếu kém phải bị rũ sạch. Đây là chương trình hành động mới của ông Putin. Tư tưởng của ông là nếu chúng ta nối lại quan hệ với Mỹ trong tương lai thì phải dựa trên sự bình đẳng. Nước Nga đã thay đổi và không cần một ai làm kẻ đỡ đầu thêm một lần nữa”.

ĐỨC TRUNG (Theo AP, Csmonitor, Russiatoday)

Chia sẻ bài viết