19/11/2012 - 21:49

Ray Harryhausen: bậc thầy kỹ xảo điện ảnh

Harryhausen bên cạnh mô hình Medusa trong phim "Clash of the Titans" tại Bảo tàng phim Anh. Photograph: Matt LLoyd / Rex Features

Những ai yêu điện ảnh đều nghĩ Ray Harryhausen như một nghệ sĩ của thời gian, không gian và chuyển động trong hoạt hình. Sử dụng nhiếp ảnh và các mô hình chuyển động, Ray Harryhausen đã trở thành một biểu tượng tiên phong của hiệu ứng hình ảnh trong các phim khoa học viễn tưởng từ thập niên 1950.

Trước khi bộ phim "Clash of the Titans" về những quái vật thần thoại Hy Lạp được làm bằng hiệu ứng, Ray Harryhausen đã mang đến một tác phẩm tuyệt vời là "Jason and the Argonauts". Chiếc áo khoác vàng trong phim được thể hiện với tầm cao kỹ xảo thời đó. Trí tưởng tượng và sức mạnh trong những tác phẩm của Ray Harryhausen đã che lấp đi những hạn chế về công nghệ lúc bấy giờ. Ray Harryhausen sáng tạo ra loại hình stop- motion (những đoạn phim được tạo nên bởi hàng loạt hình ảnh tĩnh) ứng dụng trong các mô hình hoạt hình, còn được gọi với thuật ngữ "Dynamation".

Ray Harryhausen bắt đầu tìm tòi và sáng tạo công nghệ làm phim hoạt hình theo từng khuôn hình vào năm 1933. Khi đó, Harryhausen còn là cậu bé 13 tuổi được người dì dẫn đi xem bộ phim nổi tiếng "King Kong" của đạo diễn Merian C. Cooper. Thời điểm đó, trong đầu Harryhausen đã nảy sinh nhiều ý tưởng liên quan đến việc tạo ra các mô hình Kinh Kong và T-Rex (khủng long khổng lồ ăn thịt) sinh động y như thật trên phim ảnh. Harryhausen tự học hỏi, tìm hiểu các tài liệu, phát thảo, lắp ghép, mày mò tạo ra mô hình với những thước phim bằng máy quay của gia đình. Harryhausen dành hầu hết thời gian tham gia các lớp điêu khắc, kiến trúc, nhiếp ảnh, diễn xuất để hoàn thiện kỹ năng mà ông cho là cần thiết để phục vụ niềm đam mê của mình.

Đầu tiên Ray Harryhausen làm trợ lý cho đạo diễn nổi tiếng Willis O'Brien trong phim "Mighty Joe Young" (1949). Willis O'Brien đã chỉ dẫn rất nhiều về giải phẫu học cho Harryhausen, điều này giúp ích cho ông trong việc hoàn thiện các mô hình. Harryhausen thể hiện khá xuất sắc sự sáng tạo và kỹ thuật vững chắc của mình, khi 90% các cảnh hành động của mô hình đều do ông đảm nhiệm. Bộ phim đã mang lại sự thành công lớn, giành giải Oscar với kỹ xảo đặc biệt.

Trong sự nghiệp của Harryhausen, nhà sản xuất Charles H Schneer là người gắn bó lâu dài và có sức ảnh hưởng đến những tác phẩm của ông. Trong suốt 30 năm hợp tác, cả hai đã hoàn thành 11 phim. Harryhausen phát triển thêm kỹ xảo "Dynamation" với màn hình nhiều ô, công nghệ chiếu sau mang đến hình ảnh sống động, sắc nét hơn. Công nghệ mới này áp dụng trong "The 7th Voyage of Sinbad" với phiên bản màu đầu tiên, trở thành kiệt tác trong sự nghiệp của Harryhausen và thế giới ở thập niên 1950. Tác phẩm bom tấn "Clash of the Titans" là đỉnh cao trong sự nghiệp vinh quang của ông vua kỹ xảo Harryhausen.

Những cống hiến của Ray Harryhausen làm cho thể loại phim thần thoại sống mãi với thời gian và những gì ông để lại có ý nghĩa rất lớn với điện ảnh thế giới. Ray Harryhausen nhận giải Gordon E. Sawyer - giải thưởng ghi nhận những cống hiến kỹ thuật xuất sắc trong ngành công nghiệp điện ảnh tại Oscar năm 1992. Tên của ông cũng đã được đề trên Đại lộ danh vọng Hollywood. Các tác phẩm của Harryhausen trở thành nguồn tư liệu quý, khơi nguồn sáng tạo cho các nhà làm phim thế hệ sau. Đó là James Cameron- người mở đầu cuộc cách mạng kỹ thuật 3D hiện đại trong siêu phẩm "Avatar", Peter Jackson nổi tiếng với loạt phim "The Lord of the Rings"… So với kỹ xảo hiện tại thì những sáng tạo của Ray Harryhausen đã lạc hậu. Thế nhưng những đóng góp của ông là nền tảng để các nhà làm phim khoa học viễn tưởng không ngừng tư duy, tìm tòi sáng tạo để biến những điều không thể thành có thể.

ÁI LAM
(Theo guardian.co.uk)

Chia sẻ bài viết