Các nghiên cứu gần đây cảnh báo về việc một lượng lớn rác thải trong đại dịch COVID-19 đang tạo ra một “quả bom hẹn giờ”. Thật không may, các nhà khoa học Hà Lan mới đây khẳng định “quả bom” đó đã phát nổ, sau khi họ tìm thấy những bằng chứng cho thấy loại rác này đang tổn hại đến đời sống của động vật hoang dã trên toàn cầu.
Những chiếc khẩu trang bị vứt bỏ bừa bãi đang đe dọa sinh mạng của động vật hoang dã theo nhiều cách.
Theo các chuyên gia, khẩu trang y tế được làm bằng vải không dệt và khá bền, có thể phải mất hàng trăm năm để phân hủy. Tuy nhiều người gần đây có xu hướng sử dụng khẩu trang vải để tái sử dụng, song vẫn còn không ít người chọn đeo loại khẩu trang dùng một lần vì tính tiện lợi.
Trong dự án nghiên cứu dẫn đầu bởi hai nhà sinh vật học Auke-Florian Hiemstra từ Trung tâm Ða dạng Sinh học Naturalis và Liselotte Rambonnet từ Ðại học Leiden, các chuyên gia đã theo dõi tần suất và địa điểm mà động vật hoang dã tiếp xúc nhiều nhất với các sản phẩm phòng, chống lây nhiễm SARS-CoV-2 bị thải bỏ. Với phạm vi quan sát khắp toàn cầu, họ cũng thu thập các mẫu vật hoặc báo cáo về tác hại của chúng từ các phương tiện truyền thông xã hội, trang web và báo chí địa phương.
Các chuyên gia đã ghi nhận nhiều trường hợp rác thải thời COVID-19 đe dọa sinh mạng của động vật hoang dã, điển hình như nhiều con cáo ở Vương quốc Anh và các loài chim ở Canada bị vướng chân vào những chiếc khẩu trang bị vứt bỏ bừa bãi. Nhím, mòng biển, cua và thậm chí cả dơi đều gặp phải tình huống “mắc kẹt” vào rác thải nhựa không phân hủy trong môi trường. “Ðộng vật có xương sống và động vật không xương sống trên cạn, trong nước ngọt và nước biển đều bị vướng hoặc mắc kẹt trong đống rác thải chống SARS-CoV-2” - chuyên gia Hiemstra nhấn mạnh.
Nhóm nghiên cứu còn phát hiện một số loài động vật đã bắt đầu sử dụng loại rác thải này để xây tổ trong năm qua. Ví dụ, họ phát hiện một tổ chim ở Hà Lan được làm bằng những chiếc khẩu trang và găng tay, có thể do người dân vứt bỏ bừa bãi. Ðáng lo ngại là trong nhiều trường hợp, các tác giả còn phát hiện động vật đã ăn mảnh vụn từ rác thải y tế, chẳng hạn như nhiều bài báo từng đưa tin về một đàn khỉ đang nhai khẩu trang và một con chim cánh cụt được phát hiện nuốt khẩu trang vào bụng. “Các loài vật trở nên yếu đi do bị vướng hoặc bị đói vì lỡ nuốt phải rác nhựa” - chuyên gia Rambonnet cảnh báo.
Trên thực tế, các nhà bảo tồn Brazil đã tìm thấy khẩu trang trong dạ dày một con chim cánh cụt sau khi xác nó trôi dạt vào bãi biển. Tương tự, người ta cũng phát hiện khẩu trang trong bụng một con cá nóc chết ở ngoài khơi bờ biển Miami (Mỹ), hay một con cua chết vì bị mắc kẹt trong chiếc khẩu trang tại một đầm nước mặn gần Ðịa Trung Hải hồi tháng 9 năm ngoái.
Ðược biết, nhiều nhà hoạt động môi trường đã lên tiếng kêu gọi mọi người bỏ những chiếc khẩu trang đã qua sử dụng đúng nơi quy định, cũng như cắt dây đeo khẩu trang để tránh gây tổn hại đến các loài động vật. “Những chiếc khẩu trang sẽ không sớm biến mất - nhưng khi chúng ta vứt bỏ, chúng có thể gây hại môi trường và các loài động vật cùng chung sống với chúng ta trên hành tinh này” - bà Ashley Fruno, chuyên gia thuộc Tổ chức Bảo vệ quyền động vật châu Á (PETA), nhấn mạnh.
Theo tổ chức bảo vệ môi trường OceansAsia, đến cuối năm ngoái, ước tính hơn 1,5 tỉ chiếc khẩu trang đã đổ vào các đại dương trên thế giới, tạo ra khoảng 6.200 tấn rác thải gây ô nhiễm môi trường biển.
AN NHIÊN (Theo Study Finds)