06/05/2020 - 08:07

Rác thải nhựa từ COVID-19 đe dọa các đại dương 

Cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 đã thúc đẩy việc sản xuất các sản phẩm nhựa cần thiết - như khẩu trang y tế, găng tay, thiết bị bảo hộ, túi đựng thi thể, trong bối cảnh các nước tăng cường kho dự trữ y tế và thúc giục các công ty tăng cường nguồn cung. Tuy hoạt động sản xuất như thế là cần thiết, nhưng các nhà hoạt động môi trường cảnh báo nó có thể đặt ra nhiều thách thức nghiêm trọng cho nỗ lực giảm ô nhiễm rác thải nhựa toàn cầu – nhất là ở các đại dương.

Ảnh: Mothership

Các nhà nghiên cứu hồi năm 2019 cho biết, hoạt động sản xuất nhựa toàn cầu đã tăng gấp 4 lần trong 40 năm qua và nếu xu hướng đó tiếp diễn thì khu vực này sẽ chiếm 15% tổng lượng khí thải nhà kính vào năm 2050. Để tiện so sánh, tất cả các dạng phương tiện giao thông trên thế giới hiện chiếm 15% lượng khí thải nhà kính. Còn theo các nghiên cứu khác, mỗi năm có khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển với tốc độ ngày càng tăng. Trong đó, thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) đã trở thành một mối đe dọa cho các đại dương trên thế giới.

“Cấu trúc của PPE khiến chúng trở nên nguy hiểm đối với các loài sinh vật biển. Chẳng hạn, rùa biển có thể nhầm tưởng găng tay - cũng giống như túi nhựa - là sứa hoặc một loại thức ăn nào đó. Dây đeo khẩu trang cũng có thể gây ra mối nguy lớn” - John Hocevar, Giám đốc chiến dịch đại dương thuộc tổ chức phi lợi nhuận Greenpeace USA, cảnh báo.

Theo thời gian, những sản phẩm nhựa phân hủy và tạo thêm những hạt vi nhựa đổ vào biển, không khí và thực phẩm. Một điểm đáng lo ngại khác là nhựa thường được bổ sung một số hóa chất trong quá trình sản xuất, nên có nguy cơ số hóa chất đó có thể phát tán vào cơ thể người dùng.

NGUYỆT CÁT (Theo Reuters)

 

Chia sẻ bài viết