19/10/2017 - 13:36

Rắc rối hậu ly hôn 

Trên thực tế, nhiều cặp vợ chồng sau ly hôn vẫn tới lui chăm sóc lẫn nhau khi ốm đau, bệnh tật hoặc làm tròn bổn phận của cha, mẹ đối với con cái. Nhưng cũng có không ít trường hợp, người vợ hoặc chồng đã có cách hành xử không đúng, ngăn cản không cho “đối phương” thực hiện quyền được thăm nom, chăm sóc con hoặc gây khó khăn không cho đối phương tách khẩu, chuyển đăng ký thường trú theo quy định.

Năm 1997, bà Võ Thị Lạc (ở xã Trường Xuân A, huyện Thới Lai) và ông Võ Văn Tâm chung sống như vợ chồng, nhưng không đăng ký kết hôn. Thời gian chung sống, hai đứa con lần lượt chào đời. Sau đó, mâu thuẫn vợ chồng phát sinh không thể hàn gắn. Bà Lạc bỏ về nhà cha mẹ ruột và đã nộp đơn nhờ Tòa án giải quyết ly hôn. Ngày 20-3-2014, TAND huyện Thới Lai xét xử sơ thẩm bằng Bản án số 20/2014/HNST, tuyên bố không công nhận bà Lạc và ông Tâm là vợ chồng. Về con chung, giao cháu Võ Ngọc Huỳnh Như cho bà Lạc nuôi dưỡng; còn cháu Võ Tấn Thành thì giao cho ông Tâm nuôi dưỡng... Sau đó, ông Tâm kháng cáo và được TAND TP Cần Thơ xét xử phúc thẩm bằng Bản án số 27/2014/HNPT, chấp nhận kháng cáo của ông Tâm; sửa quyết định bản án sơ thẩm: Không công nhận quan hệ hôn nhân giữa bà Lạc và ông Tâm; đồng thời, giao hai cháu Như và Thành cho ông Tâm trực tiếp nuôi dưỡng đến trưởng thành; bà Lạc được quyền thăm nom, chăm sóc 2 con… 

Bà Lạc trình bày vụ việc với phóng viên. Ảnh: HIỂN DƯƠNG

Hôn nhân tan vỡ, bà Lạc suy sụp hoàn toàn. “Nhớ con, tôi ghé nhà thăm thì chồng không cho con gặp, thậm chí, ông ấy còn chửi bới tôi. Nhưng vì thương con, tôi đành cam chịu …” – bà Lạc bộc bạch. Một thời gian sau, ông Tâm đưa 2 người con đến TP Hồ Chí Minh sinh sống. Từ đó, việc thăm nom, chăm sóc con đối với bà Lạc càng khó khăn hơn. Bà Lạc cho biết: “Qua hỏi thăm người quen, vất vả lắm tôi mới biết được chỗ ở mới của 2 con. Cách 3 - 4 tháng, sắp xếp công việc nhà, tôi lên thăm con một lần. Nhưng, mẹ con chỉ được bên nhau vài giờ. Khi quay về, trong lòng tôi cứ nặng trĩu, không biết tỏ cùng ai…”.

Thời gian qua, trường hợp như bà Lạc không hiếm. Pháp luật quy định không ai được ngăn cản việc vợ hoặc chồng thực hiện quyền thăm nom, chăm sóc các con, sau ly hôn. Nếu cố tình vi phạm thì sẽ bị xử lý theo quy định. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng này vẫn tồn tại. Không chỉ vậy, sau ly hôn, nhiều người cũng gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện thủ tục tách khẩu, chuyển đến nơi đăng ký thường trú mới. Nguyên nhân, gia đình chồng hoặc vợ không hợp tác, không cho mượn sổ hộ khẩu, để đối phương gặp khó khi thực hiện thủ tục hành chính. 

Ông Nguyễn Văn Tứ, Phó Trưởng Khu vực Tân Bình (bên phải) vận động, trao đổi với ông Sự xoay quanh phản ánh của bà Bé. Ảnh: HIỂN DƯƠNG

Điển hình như trường hợp của bà Phạm Thị Bé (ở phường Phước Thới, quận Ô Môn). Trước đây, bà Bé sống chung với cha mẹ. Khi kết hôn, bà chuyển hộ khẩu về gia đình chồng ở phường Trường Lạc, quận Ô Môn. Sau ly hôn, nhiều tháng nay, bà Bé gặp không ít khó khăn, nhất là việc thực hiện thủ tục cắt chuyển khẩu, để thực hiện thủ tục đăng ký thường trú đến nơi ở mới. Ông Phạm Hoàng Lâm, cha bà Bé, cho biết: “Tôi đã nhiều lần hỏi mượn sổ hộ khẩu, nhưng phía nhà trai không cho. Tôi có trình bày sự việc này với khu vực, nhờ can thiệp”. Ông Nguyễn Văn Tứ, Phó Trưởng khu vực Tân Bình, phường Trường Lạc, nói về vụ việc này: “Trước đây, qua trình bày của gia đình bà Bé, chúng tôi đã động viên và phía ông Nguyễn Văn Sự (chồng bà Bé) đã thống nhất cho mượn sổ để tách khẩu. Nhưng không hiểu vì sao, đến nay, vụ việc vẫn chưa thực hiện xong”.

Chúng tôi cùng ông Tứ đến nhà ông Sự, để tìm hiểu vụ việc thì ông Sự nại ra rằng: “Theo bản án hôn nhân đã có hiệu lực, tôi là người trực tiếp nuôi dưỡng con đến trưởng thành. Tuy nhiên, thời gian qua, bà Bé đã “mượn” con, rồi không trả. Tôi đồng ý cho bà Bé mượn sổ hộ khẩu, nhưng với điều kiện là bà Bé phải giao trả con cho tôi trực tiếp nuôi dưỡng”.

Theo quy định pháp luật, việc thực hiện thủ tục tách hộ khẩu phải có sự đồng ý của chủ hộ và bắt buộc phải có sổ hộ khẩu. Trong trường hợp này, bà Bé có thể liên hệ Công an phường Trường Lạc nhờ can thiệp. Riêng việc bà Bé không chịu giao con theo quyết định của bản án, ông Sự nên có đơn yêu cầu thi hành án gởi đến Chi cục Thi hành án dân sự quận Ô Môn, để được tổ chức thi hành án theo quy định pháp luật.

Ly hôn là đặt dấu chấm hết cho một mối quan hệ. Tuy nhiên, giữa những người trong cuộc vẫn còn không ít ràng buộc về mặt pháp lý. Thiết nghĩ, dù cạn tình nhưng các bên vẫn phải tuân thủ quy định pháp luật, tạo thuận lợi cho nhau trong cuộc sống.

HIỂN DƯƠNG

Chia sẻ bài viết