18/04/2024 - 21:08

Rác nhựa đe dọa Đông Nam Á 

Từ Indonesia đến Myanmar, vấn đề rác sinh hoạt vốn nghiêm trọng nay càng phức tạp hơn khi Ðông Nam Á trở thành “điểm đến” của chất thải nhựa sau thời gian Trung Quốc cấm nhập khẩu.

Rác nhựa trôi dạt trên bãi biển Labuan, Indonesia. Ảnh: Nikkei

Theo một người dân ở thành phố Labuan của Indonesia, bãi biển trước nhà cô từng rất sạch với làn nước trong có thể nhìn xuyên qua dưới nắng. Giờ đây, bãi cát trắng không còn nữa, thay vào đó là rác nhựa dập dềnh. “Mỗi lần thủy triều lên sẽ có hàng tấn rác trôi dạt tới tận sân trước nhà tôi” - người này nói thêm. Hầu hết cư dân trong vùng đổ lỗi cho khu chợ gần đó, nhưng khối lượng nhựa khổng lồ tràn vào bờ biển Labuan hàng ngày cho thấy vấn đề phức tạp
hơn nhiều.

Về số lượng, nhựa thải chiếm chưa đến 5% tổng lượng rác được vận chuyển trên toàn cầu từ năm 2017 đến 2022. Nhưng thiệt hại gây ra cho môi trường cao hơn nhiều vì phần lớn chúng không thể tái chế và gây ô nhiễm. Trung Quốc từng tiếp nhận gần một nửa số nhựa và thiết bị điện tử phế thải của thế giới để tái chế thành nguyên liệu sản xuất. Nhưng năm 2018, Bắc Kinh đã cấm nhập khẩu rác nhựa để bảo vệ môi trường. Lệnh cấm làm gián đoạn dòng luân chuyển hơn 7 triệu tấn rác nhựa/năm, khiến các quốc gia phát triển chật vật tìm nơi “đổ rác”.

Ảnh hưởng lan rộng

Tình trạng rác bị đổ sang Ðông Nam Á không phải mới, hiện cũng chưa biết bao nhiêu rác nhựa trong khu vực có nguồn gốc bên ngoài. Nhưng rõ ràng là nhiều quốc gia ở đây chưa thể kiểm soát tốt và vấn đề trở nên trầm trọng hơn khi hiệu ứng từ lệnh cấm của Trung Quốc khiến Ðông Nam Á trở thành mục tiêu của một số cơ sở tái chế rác nhựa, thậm chí những kẻ buôn bán chất thải bất hợp pháp.

Theo dữ liệu của Liên Hiệp Quốc (LHQ), tuy là nơi sinh sống của chưa đến 9% dân số toàn cầu nhưng các nước Ðông Nam Á chứa khoảng 17% lượng rác nhựa nhập khẩu của thế giới giai đoạn 2017-2021. Báo cáo năm 2019 của Tổ chức Greenpeace ước tính giai đoạn 2016-2018, khu vực chứng kiến ​​lượng rác thải nhựa nhập khẩu tăng 171% lên 2,26 triệu tấn. Không chỉ là “vựa” chứa nhựa tái chế toàn cầu, Ðông Nam Á còn trở thành nơi có lượng rác thải nhựa đại dương lớn nhất thế giới.

Trong nhiều thập kỷ, tái chế rác nhựa được quảng bá như giải pháp thương mại và quản lý chất thải ở các nước phát triển, kiến tạo nền kinh tế tuần hoàn dựa vào tái sử dụng vật liệu để tăng cường tính bền vững. Như bao ngành công nghiệp khác, mô hình này cũng đầy rẫy thách thức. Theo lý thuyết kinh doanh của các bên nhập khẩu rác nhựa ở Ðông Nam Á, nhựa nước ngoài thường có chất lượng cao hơn khu vực nên phù hợp để tái chế.

Kết quả là, các nước giàu tiết kiệm được chi phí khi đẩy rác sang Ðông Nam Á trong khi những nước nhập khẩu vốn chưa thể tự kiểm soát hàng núi rác thải sinh hoạt của chính họ phải tiếp nhận thêm hàng triệu tấn rác nhựa không thể xử lý. Tình hình càng phức tạp khi quy định lỏng lẻo với hình phạt không đáng kể tạo điều kiện cho mạng lưới tội phạm đằng sau buôn bán chất thải bất hợp pháp và các tội phạm ô nhiễm khác. Theo một quan chức LHQ, hoạt động tội phạm “lợi nhuận cao, rủi ro thấp” này đang diễn ra hết sức trắng trợn với hành vi vi phạm thường liên quan gian lận và khai báo sai thủ tục hải quan nước nhập khẩu.

Nỗ lực quản lý

Sau lệnh cấm ở Trung Quốc, Philippines năm 2019 đã trả 69 container rác nhựa vận chuyển từ Canada. Không lâu sau, Indonesia cũng trả 8 container rác thải không thể tái chế về Úc và 49 container đến một loạt quốc gia khác; Malaysia cũng từ chối 450 tấn rác nhựa từ Mỹ, Anh, Singapore, Hà Lan, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc, Saudi Arabia và Bangladesh.

Là khu vực xuất khẩu rác thải nhựa lớn nhất thế giới, Liên minh châu Âu (EU) đang tài trợ cho dự án Unwaste của LHQ nhằm chống lại nạn buôn rác thải tới Ðông Nam Á. Cuối tháng 4 này, Nghị viện châu Âu dự kiến thông qua quy định về vận chuyển chất thải, bao gồm lệnh cấm xuất khẩu chất thải sang các nước thứ 3 và chất thải nguy hại sang các nước không thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) nếu chưa được phép. Năm ngoái, Thái Lan đã thông qua quy định mới kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu rác thải nhựa và tiến tới cấm nhập khẩu hoàn toàn loại rác này từ đầu năm 2025.

MAI QUYÊN (Theo Nikkei)

Chia sẻ bài viết